Đào Tiến Thi
Đào Tiến Thi

cựu Ủy viên Ban chấp hành Hội ngôn ngữ học Việt Nam

Giải toả những thành kiến, bác bỏ những ngộ nhận về chữ quốc ngữ -Kỳ 1: Giải toả những thành kiến

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Suốt gần 100 năm qua, thỉnh thoảng lại xuất hiện những đề nghị cải cách chữ Quốc ngữ (CQN) mà chúng ta đang dùng. Nguyên nhân sâu xa vẫn luôn là thành kiến về cái gọi là những “bất hợp lý” của CQN.

LTS: VietTimes xin giới thiệu bài viết về chữ quốc ngữ của Thạc sĩ Đào Tiến Thi - cựu Ủy viên Ban chấp hành Hội ngôn ngữ học Việt Nam. Bài viết là quan điểm cá nhân của tác giả.

Các thành kiến về chữ quốc ngữ

Theo nguyên tắc của chữ ghi âm, một thứ chữ được coi là khoa học khi nó đảm bảo quan hệ giữa âm và chữ là quan hệ tương ứng 1 – 1, nghĩa là một âm vị được ghi bằng một chữ cái (ký tự) và một chữ cái chỉ ghi cho một âm vị. Xuất phát từ nguyên tắc này, nhiều nhà Việt ngữ học lâu nay vẫn cho rằng CQN còn có những “bất hợp lý”.

Một âm vị được ghi bằng nhiều chữ cái

Điển hình là các trường hợp sau đây:

– Âm /k/(cờ)[1] được ghi bằng 3 chữ cái c, k, q: con kiến, quanh quẩn.

– Âm /g/ (gờ) được ghi bằng chữ cái g hoặc tổ hợp gh: ghê gớm.

– Âm /ng/ được ghi bằng tổ hợp ng hoặc ngh: ngô nghê.

– Âm /z/ (giờ) được ghi bằng chữ cái d hoặc tổ hợp gi: da thịt, gia đình.

– Âm /i/ được phép viết i (ngắn) hoặc y (dài) khi đứng sau các âm /h, k, l, m, s, t/ và là âm tiết mở (không có âm cuối): hi vọng/ hy vọng; kỉ niệm/kỷ niệm; lí do/lý do; mĩ thuật/ mỹ thuật; bác sĩ/bác sỹ; công ti công ty.

Hai trường hợp đầu bị coi là “bất hợp lý” nhưng “có quy tắc” nên không gây ra nhiều tiêu cực. Hai trường hợp sau bị coi là không có quy tắc nên gây ra “viết lung tung”(chữ dùng trong một giáo trình ngôn ngữ học).

Một chữ cái ghi cho nhiều âm

Chữ "a" ghi âm /a/ trong xanh, sách nhưng cũng ghi âm /ă/ (/a/ "ngắn") trong chau mày. Chữ"g" ghi âm /g/ (gờ) trong gan gà nhưng cũng ghi âm /z/ trong gì, giếng,…Trường hợp chữ u còn “bất hợp lý” hơn:

–Chữ u ghi âm chính /u/: tu hú, hùng dũng, túi bụi.

–Chữ u ghi âm đệm /u/: luẩn quẩn, lúy túy.

– Chữ u ghi bán nguyên âm cuối /u/: đìu hiu, yêu chiều, âu sầu,(cây) lau sau.

Chưa kể, chữ u còn tham gia tổ hợp "uô" hoặc "ua" để ghi nguyên âm đôi /uô/: luôn luôn (khi có âm cuối), chua, lụa (khi không có âm cuối).

Giải tỏa các thành kiến

Hiện tượng “viết lung tung” không phải do bản thân CQN

Hiện tượng “viết lung tung” về cơ bản không phải do bản thân CQN gây nên. Ngoài sự tùy tiện của người viết, có nguyên nhân chính thuộc về quan niệm sai và những quy định phi lý hoặc chưa ổn thỏa về chuẩn chính tả.

Bị ảnh hưởng quan niệm “nói thế nào viết thế ấy”

Quan niệm “nói thế nào viết thế ấy” là vận dụng tuyệt đối nguyên tắc chữ ghi âm, người mạnh bạo thì coi mình có quyền viết như "đánh vần". Ví dụ, viết qui thay cho quy, tùy ý viết d/gi mà không cần đúng chuẩn chính tả.

“Nói thế nào viết thế ấy” thực ra chỉ đúng về nguyên tắc chung của chữ viết ghi âm, trên thực tế không có một thứ chữ viết nào thuần túy 100% theo nguyên tắc ghi âm. Thực tế, một thứ chữ viết thường gồm một số nguyên tắc chứ không phải duy nhất một nguyên tắc. CQN lấy nguyên tắc ghi âm làm chính nhưng kết hợp với nguyên tắc lịch sử và phần nào đó cả nguyên tắc ghi ý (nguyên tắc ghi ý đến nay vẫn chưa được giới "chính thống" công nhận nhưng chúng tôi sẽ đề cập ở những nội dung bên dưới).

"Chuẩn chính tả” không khoa học

Hiện nay còn khá nhiều hiện tượng tồn tại cả hai cách viết. Tiêu biểu nhất là trường hợp i (ngắn) và y (dài) như đã nói ở trên.

Thực ra các sách báo xuất bản trong khoảng từ 1945 – 1980 ở miền Bắc và ở miền Nam trước 1975 nhìn chung không có hiện tượng viết lẫn lộn iy (nếu có là do dùng sai chứ không phải do quy định của chuẩn chính tả).

Trước 1980, sự phân biệt i/y rất rõ ràng. Như các trường hợp công ty, kỳ diệu, kỷ niệm, mỹ phẩm, lý do, chỉ có một hình thức là y (dài); một số trường hợp được viểt i (ngắn) mang nghĩa hoàn toàn khác: (khóc) tỉ ti, kì cọ, (bé) tí tẹo, (nói) lí nhí. Đó là chính tả thói quen, tự phát, tuy không có văn bản nào quy định nhưng được tất cả mọi người thừa nhận và do đó viết đúng một cách tự nhiên, hiển nhiên.

Các cuốn sách hay về Chữ quốc ngữ

Các cuốn sách hay về Chữ quốc ngữ

Tuy nhiên ngày 30/11/1980 có một quyết định (không có số) quy định về chính tả trong sách giáo khoa Cải cách giáo dục – do Thứ trưởng Bộ Giáo dục Võ Thuần Nho và Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KHXH Phạm Huy Thông ký có đoạn như sau: “trường hợp các âm tiết có nguyên âm i ở cuối thì viết thống nhất bằng i, trừ uy như duy, tuy, quy,…; ví dụ: kì dị, lí trí, mĩ vị”. Nhà xuất bản Giáo dục và một số nhà xuất bản thực hiện quy định này nhưng đa số các nhà xuất bản và báo chí, từ đó đến nay, vẫn chọn cách viết phân biệt i/y như trước 1980 (họ có lý, như sẽ trình bày ở các phần tiếp theo). Cái quy định "nhất thể hóa" hai chữ cùng ghi âm /i/ nói trên đã làm nhiễu chính tả i/y.

"Chuẩn chính tả” không rõ ràng hoặc còn bỏ ngỏ

Ngày 5/3/1984 lại có Quyết định 240/QĐ quy định về chính tả và thuật ngữ do Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thị Bình ký.

Về mặt pháp lý, QĐ năm 1984 thay thế cho QĐ năm 1980. Tuy QĐ 1984 không đề cập trường hợp i/y nhưng có thể áp dụng ở mục 1c: “Khi trong thực tế đang tồn tại hai hình thức chính tả mà chưa xác định được một chuẩn duy nhất thì có thể tạm thời chấp nhận cả hai hình thức ấy, cho đến khi nào thói quen sử dụng nghiêng hẳn về một hình thức. Thí dụ: eo xèoeo sèo; sứ mạngsứ mệnh”.

Đáng tiếc, ít người biết đến QĐ 1984. Cho nên việc nhất thể hóa i/y trong QĐ 1980 càng có điều kiện làm nhiễu chính tả.

QĐ 1980 được thực thi ngay ở sách giáo khoa cải cách giáo dục của NXB Giáo dục đang soạn khi đó. NXB Giáo dục có số lượng trang in lớn (80% lượng trang in toàn quốc) nên sức ảnh hưởng lớn. Tuy vậy, nhìn chung xã hội vẫn không chấp nhận quy định “nhất thể hóa” i y, cho nên vẫn tồn tại cách viết y (dài). Thống kê của tác giả bài này năm 2010 cho thấy 46/49 nhà xuất bảnvẫn giữ lại hình thức y (dài) như trước 1980. Một số tác giả viết sách cho NXB Giáo dục còn đề nghị giữ nguyên hình thức y(dài) cho loại sách chuyên luận, tuyển tập. Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên chấp nhận cả hai, nhưng hình thức y (dài) bị chuyển chú sang hình thức i (ngắn). Ví dụ, kỳ vọng: x (xem) kì vọng; và ở mục kì vọng có chú: cv (cũng viết) kỳ vọng.

Cái bị coi là “bất hợp lý” là cái tất yếu

Chữ là kênh tín hiệu vừa phụ thuộc vừa độc lập với ngữ âm. Chữ, ngoài chức năng ghi lại âm, còn mang nhiều giá trị khác (như văn hóa, thẩm mỹ…). Mặt khác, ngữ âm là yếu tố luôn luôn biến đổi, trong khi chữ viết sau giai đoạn hình thành, một khi đã ổn định thì không thể hoặc không nên thay đổi nhằm duy trì sự thống nhất. Sự thống nhất của chữ viết bao gồm:

Thống nhất trong chiều dài lịch sử

Chữ viết ghi âm là ký kiệu ghi lại ngữ âm của một ngôn ngữ ở một thời điểm cụ thể. Tại thời điểm đó có thể đạt sự tương thích 1 – 1 giữa âm và chữ, nhưng dần dần sẽ có sự "vênh lệch". Nếu cứ lâu lâu lại “cải cách” chữ viết cho phù hợp với ngữ âm thì sẽ có một chữ viết ngày càng xa chữ viết ban đầu và đời sau sẽ không đọc được chữ của đời trước. Cho nên, khi một thứ chữ viết đã ổn định, các quốc gia đều chọn cách giữ nguyên trạng mà không tiến hành cải cách chữ viết. Chính tả của chữ Anh, chữ Pháp và nhiều thứ chữ của các tiếng châu Âu khác còn nhiều “bất hợp lý” hơn CQN mà họ cũng không tiến hành cải cách là vì thế.

Thống nhất giữa các vùng miền của quốc gia

Một số nước chọn phương ngữ một vùng làm chuẩn ngữ âm để từ đó làm chữ viết và chuẩn chính tả. Nhưng chính tả CQN hiện nay là một thứ chính tả “siêu phương ngữ”, tức không dựa hẳn trên ngữ âm một vùng nào. Nay nếu vẫn theo nguyên tắc đó thì cải cách kiểu gì cũng vẫn là một thứ chữ viết không “ăn khớp” với ngữ âm. Còn nếu chọn ngữ âm một vùng làm chuẩn sẽ vấp ngay phải các vấn đề "bất khả thi". Trước hết, không một phương ngữ nào đủ sức làm chuẩn âm; thứ hai là các vấn đề về tâm lý, văn hóa, rất khó vượt qua. Phương án cải cách của PGS.TS Bùi Hiền mới đây lấy phương ngữ Bắc làm chuẩn âm đã vấp phải sự phản ứng gay gắt.

Một số “bất hợp lý” thực ra là hợp lý

Chữ viết ghi âm, ngoài mặt ngữ âm, còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác, tức là hệ thống tín hiệu của chữ viết mang tính độc lập tương đối với ngữ âm.

Chữ viết là thói quen được chấp nhận

Nguyên tắc của chữ ghi âm là “đọc thế nào viết thế ấy”, nhưng thực tế ngoài nguyên tắc “đọc thế nào viết thế ấy” còn có nguyên tắc lịch sử, tức là tôn trọng cách viết trong quá khứ đã trở thành thói quen. Và do đó trong nhiều trường hợp “đọc một đằng viết một nẻo”.

Khi đã thành thói quen, dù đọc một đằng viết một nẻo, nhìn chung cũng không gây khó khăn đáng kể. Nhiều nhà Việt ngữ học thừa nhận: người ta viết đúng CQN chủ yếu không phải vì phát âm đúng, mà vì nhớ “mặt chữ”. Cải cách, cải tiến chữ viết làm đảo lộn thói quen còn gây ra nhiều hệ lụy hơn.

Tính hợp lý về phương diện biểu nghĩa

Nếu cứ chăm chăm coi chữ viết chỉ là phương tiện ghi lại ngữ âm thì sẽ luôn luôn không hài lòng về một số trường hợp "bất hợp lý" như đã nói. Nhưng nếu xét chữ viết đồng thời cũng là ký hiệu biểu nghĩa thì sẽ thấy đó là sự hợp lý.

Khác với ngữ âm được tri nhận bằng thính giác, chữ viết được tri nhận bằng thị giác. Đọc sách là đọc bằng mắt. Đặc biệt, đối với các chữ không phải loại chữ ghi âm hoặc không phải thuần túy ghi âm, mỗi chữ như một “hình ảnh” và trong một số trường hợp nhất định, chúng có giá trị phân biệt nghĩa của những từ đồng âm.

Đối với một số trường hợp của chữ QN, bất kể lý do ban đầu là gì, việc duy trì cả hai hình thức d/gi – cùng ghi âm /z/ cũng như hai hình thức i/y– cùng ghi âm /i/ (trong âm tiết mở và đi sau h, k, l, m, s, t), cũng như ba hình thức c/k/q– cùng ghi âm /k/, đều có giá trị biểu thị nghĩa của từ ngữ. Ví dụ:

con dì (em gái)/ con gì; da thịt/ gia đình; ca dao/ giao tiếp

một hòn đá kì kỳ lạ (đá kì: đá cuội dùng để chà xát lên da, làm sạch da khi tắm rửa)

tổ quốc/ tổ cuốc (tổ của con chim cuốc).

Tiếng Việt khá phong phú về âm tiết, tuy nhiên vẫn có số lượng đáng kể từ và tiếng (âm tiết) đồng âm. Nếu có một thứ CQN ghi âm triệt để thì sẽ không phân biệt được nghĩa của các từ và tiếng đồng âm. May thay, CQN ngày nay còn lại các trường hợp trên. Theo học giả Cao Xuân Hạo, "nó không lấy gì làm nhiều, nhưng có ít vẫn còn hơn là không có, như ta thay CQN bằng một thứ chữ thuần túy ghi âm"[5].

Thực ra chỉ xét trường hợp i/y, d/gi và phần nào trong c/k/q (phân biệt tổ quốc với nghĩa "đất nước" với tổ cuốc là "tổ con chim cuốc") đã cho thấy tính ghi ý của CQN không phải là nhỏ. Ban đầu cách viết i/y, d/gi c/k/q có thể không có mục đích ghi ý, nhưng quá trình sử dụng chính là quá trình chọn lựa, các chữ cái i/y, d/gi c/k/q đã được “phân công” một cách hợp lý.

Các thế hệ đi trước, ý thức hay không ý thức, đã giữ lại những hình thức tuy không có giá trị khu biệt ngữ âm nhưng có giá trị biểu nghĩa. Vậy có thể nói CQN không thuần túy ghi âm mà pha cả tính ghi ý. Chỉ vì cố gắng coi CQN là chữ ghi âm thuần túy nên mới coi những trường hợp trên là "bất hợp lý". Còn nếu ta chấp nhận CQN có cả tính ghi ý thì không những không có gì phải băn khoăn mà còn thấy đó là một giá trị độc đáo.

Tính hợp lý trong cảm thức của số đông

QĐ 1980 "nhất thể hóa" iy thành i đến nay đã hơn 40 năm nay nhưng đa số các nhà xuất bản và báo chí vẫn dùng y (dài) cho thấy quy định trên không được thừa nhận, tức là quy định đó không hợp lý trong cảm thức ngôn ngữ của số đông. Cảm thức ngôn ngữ của số đông thường lựa chọn cái gì là hợp lý, dù họ không thể giải thích được.

Học giả Cao Xuân Hạo đánh giá cảm thức ngôn ngữ của số đông: "... nó là cái phản ánh chân xác của một sự kiện khách quan của ngôn ngữ. Công việc của nhà ngữ học chính là phát hiện và trình bày ra một cách hiển ngôn những sự kiện khách quan được phản ánh trong cảm thức bất tự giác của người bản ngữ. Và xưa nay các nhà ngữ học,(...) mỗi khi thủ pháp của họ đưa tới một kết quả trái với cảm thức ấy, họ thường phải từ bỏ quan điểm ban đầu để tìm cách đi đến một kết quả phù hợp với cảm thức ấy hơn”[6].

40 năm qua cảm thức ngôn ngữ của số đông cưỡng lại quy định 1980 mà sao giới chuyên môn không chịu từ bỏ quan niệm ban đầu?

Trong một số trường hợp, chữ còn đảm bảo tính mỹ thuật

Ngoài các lý do trên, việc duy trì hình thức y (dài) còn có lý do mỹ thuật. Trong tên riêng và trong các biển hiệu, khẩu hiệu, trong những trường hợp có thể, đa số người ta chọn y (dài). Ví dụ, viết Mỹ Lý (tên làng), thẩm mỹ, kỷ niệm chứ không viết Mĩ Lí, thẩm mĩ, kỉ niệm. Viết Mỹ Lý, kỷ niệm trông "đẹp mắt" hơn Mĩ Lí, kỉ niệm vì có sự phối hợp chiều lên với chiều xuống, chữ cao với chữ thấp.

Dịp kỷ niệm "Nghìn năm Thăng Long – Hà Nội", xuất hiện hàng nghìn biểu ngữ có chữ “Kỷ niệm”, tất cả đều viết y (dài) chứ nếu viết Kỉ (i ngắn) sẽ thô xấu ngay.

(Còn nữa)