Giải mã sân bay Sao Vàng: Bài cuối - cần lắm một nơi dựng bia tưởng niệm!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hơn nửa thế kỷ đã qua, mảnh đất linh thiêng và anh hùng - nơi 1 vạn TNXP xây dựng sân bay, 57 đội viên hy sinh và nhiều dân thường trong vùng bị thiệt mạng này cần lắm một nhà bia tưởng niệm.
Tượng đài TNXP chiến thắng Hàm Rồng
Tượng đài TNXP chiến thắng Hàm Rồng

Thực lòng khi biết được trên quê hương Thanh Hóa anh hùng, trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, đã có hàng vạn thanh niên lên đường ra trận ở hậu phương có cả vạn thanh niên nô nức lên "công trường 101", "công trường thủy lợi Thanh Hóa" - công trường bí mật làm sân bay quân sự Sao Vàng, tác giả loạt bài này đã bỏ nhiều thời gian để tìm lại thời hào hùng đó!

Thanh Hóa là vùng đất "địa linh nhân kiệt", đất "bản triều" và lịch sử ngàn đời đã minh chứng điều đó. Trong kháng chiến chống Pháp, chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa đã huy động hàng chục vạn dân công, hơn 1 vạn phương tiện vận chuyển lương thực, vũ khí, thuốc men, đạn dược, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Thành tích đó mãi mãi xứng đáng với lời biểu dương, khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó." Truyền thống vinh quang đó tiếp tục được hun đúc, lan tỏa và khơi dậy trong lớp lớp thanh niên các thế hệ kế tiếp.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng vạn thanh niên Thanh Hóa lên đường ra mặt trận, chiến đấu vô cùng anh dũng. Đã có 188 tập thể và trên 100 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang. Cùng với hàng vạn thanh niên trực tiếp chiến đấu trên chiến trường, một lực lượng lớn TNXP cũng lên đường ra trận, công tác, chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở các trọng điểm địch đánh phá ác liệt để đảm bảo giao thông thông suốt. Một bộ phận không nhỏ làm việc, sản xuất, chiến đấu ở hậu phương miền Bắc và ngay trên địa bàn Thanh Hóa, công trường xây dựng sân bay quân sự Sao vàng là một điển hình.

Lực lượng TNXP Thanh Hóa được cấp trên công nhận " 5 nhất" : lực lượng đông nhất cả nước (9,7 vạn/ 50 vạn); chiến đấu công tác nơi ác liệt nhất; nhiều TNXP trưởng thành nhất; được phong tặng danh hiều Anh hùng Lực lượng Vũ trang sớm nhất và có Tổ chức Hội cựu TNXP sớm nhất.

RoongfCaanf lắmNên dựng bia ghi công lực lượng TNXP trên "công trường 101" ở Cảng hàng không Thọ Xuân sát ranh giới căn cứ không quân chiến lược Sao Vàng
Nên dựng bia ghi công lực lượng TNXP trên "công trường 101" ở Cảng hàng không Thọ Xuân sát ranh giới căn cứ không quân chiến lược Sao Vàng

Thời gian lùi xa đã gần 56 năm. Là công trình tuyệt mật, mang cùng một lúc 2 mật danh: "công trường 101", "công trường thủy lợi Thanh Hóa", cho đến nay hầu như không một dòng thông tin nào nói về xây dựng sân bay quân sự Sao Vàng trên các phương tiện truyền thông. Dù khó khăn, vất vả nhưng vốn là người lính trận, nên trong tôi luôn khát khao bằng mọi cách làm được một chút gì đó để lại cho các thế hệ mai sau không quên những hy sinh xương máu cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Nhiều ngày tìm tài liệu và đi thực tế vùng Lam Sơn- Sao Vàng, huyện Thọ Xuân, lắm lúc tôi cứ bần thần nhìn bụi cây, thảm cỏ, đứng hồi lâu dưới chân núi Trẩu, nơi có mỏ đá được đội viên TNXP khai thác để phục vụ xây dựng sân bay. Một trận bom dội xuống, 3 đội viên TNXP hy sinh. Dạo qua các xóm làng phụ cận sân bay - nơi cũng là mục tiêu oanh tạc của máy bay Mỹ khiến không ít dân thường phải lìa xa cuộc sống. Và, gần 1 năm trời lao động quên mình cả ngày lẫn đêm để dựng lên sân bay quân sự Sao Vàng, 57 đội viên TNXP đã anh dũng hy sinh, nhiều đội viên khác bị thương. Một công trình bằng mồ hôi xương máu của quân và dân xây dựng lên trong chiến tranh ác liệt, công trình đó là dấu son chói lọi trong công cuộc kháng chiến, xứng đáng được sử sách lưu truyền, xứng đáng được dựng bia, tạc tượng để ghi nhớ công lao của thế hệ cha anh.

Mỏ đá núi Trẩu nơi 3 đội viên TNXP hy sinh

Mỏ đá núi Trẩu nơi 3 đội viên TNXP hy sinh

Thế nhưng, càng nhiều lần đến với vùng đất Lam Sơn- Sao Vàng, nơi có căn cứ không quân chiến lược Sao Vàng và cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân, tôi càng băn khoăn day dứt và tự hỏi, giờ đây mỗi năm trên 1 triệu lượt hành khách qua cảng hàng không Thọ Xuân, có mấy người biết đến cha ông chúng ta, hơn nửa thế kỷ trước đã đổ xương máu, công sức xuống vùng đất này, để hôm nay có được những công trình tầm cỡ phục vụ công cuộc bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước? Nơi đây là một trong mười " địa chỉ đỏ" của TNXP Thanh Hóa, nhưng đến đây nhìn thấy gì ngoài hành khách đi máy bay và ngắm nhìn những chiếc máy bay chiến đấu tập luyện trên bầu trời. Còn quá khứ hào hùng gần như không một ai biết đến!

Khuôn viên trước cảng hàng không Thọ Xuân đủ để dựng bia, tạc tượng

Khuôn viên trước cảng hàng không Thọ Xuân đủ để dựng bia, tạc tượng

Khi đang đảm nhiệm cương vị Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nay là Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, ông Đỗ Trọng Hưng được tôi thông báo về những nội dung, tư liệu, số liệu tôi đề cập xung quanh "công trường 101", "công trường thủy lợi Thanh Hóa", ông Đỗ Trọng Hưng cho rằng tư liệu mới và rất quí, đồng thời động viên tôi cố gắng viết càng nhiều càng tốt...

Vâng! Tôi đã viết rồi công bố loạt bài này bằng tư liệu, số liệu "độc quyền" và tha thiết đề nghị lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cần có chủ trương và chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể liên quan, tranh thủ TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, TƯ Hội cựu TNXP, Bộ Quốc phòng, Bộ GT-VT, Quân chủng PK-KQ... quan tâm tạo điều kiện cả về tinh thần lẫn vật chất để dựng lên trên mảnh đất này bia tưởng niệm ghi công những người đã đổ xương máu, mồ hôi nước mắt, để có căn cứ không quân chiến lược Sao Vàng và cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân ngày nay.

Tôi tin, linh hồn của 57 liệt sĩ và cố Trưởng Ban chỉ huy Công trường 101 Trần Dân và cố Phó Chủ tịch UBHC tỉnh Thanh Hóa, Phó Chỉ huy, Bí thư Đảng ủy công trường 101 Tôn Viết Nghiệm cùng nhiều người người dân vùng phụ cận sân bay bị bom Mỹ giết hại luôn siêu thoát cùng với hồn thiêng sông núi Lam Sơn lịch sử sẽ tiếp tục tục phù hộ độ trì cho căn cứ không quân chiến lược Sao Vàng và Cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân ngày càng phát triển...