Giải mã bí mật Sân bay Sao vàng: Bài 1- Quyết định từ... lòng đất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –Một vạn thanh niên Thanh Hóa đến công trường xây dựng sân bay bí mật trong chiến tranh ác liệt, 57 thanh niên đã anh dũng hy sinh để có một căn cứ không quân chiến lược như ngày hôm nay... 
Cầu Hàm Rồng nhân chứng lịch sử ( ảnh tư liệu)
Cầu Hàm Rồng nhân chứng lịch sử ( ảnh tư liệu)

Chừng non tháng nữa đến ngày kỷ niệm "Hàm Rồng chiến thắng" mùng 3 mùng 4 tháng 4 năm 1965, những ngày vô cùng ác liệt khi máy bay Mỹ ồ ạt dội bom xuống khu vực Hàm Rồng- Nam Ngạn, thị xã Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa) với cái gọi là "Sự kiện Vịnh Bắc bộ". Và, 2 ngày chiến đấu vô cùng quả cảm trong bom đạn khốc liệt của cả trăm máy bay từ "Thần sấm F105", F8U, AD6 đến "Con ma F4H", quân dân nơi đây đã bắn rơi 47 máy bay làm cả thế giới bàng hoàng sửng sốt. Còn Lầu Năm Góc phải thốt lên "những ngày đen tối nhất của không lực Hoa Kỳ"... giữ vững cầu Hàm Rồng nối 2 bờ sông Mã để mạch máu giao thông chiến lược thông suốt giữa hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam.

Giải "giặc lái" qua cầu Hàm Rồng

Giải "giặc lái" qua cầu Hàm Rồng

Cũng vào những ngày này cùng với lưới lửa phòng không tầng thấp tầng cao, lực lương không quân non trẻ của chúng ta cũng được lệnh xuất kích. 2 biên đội MIG 17 với tên gọi thân thương "Én bạc" do phi công Phạm Ngọc Lan và Trần Hanh chỉ huy, với lối đánh thông minh, cơ động linh hoạt "bám thắt lưng địch mà đánh" đã anh dũng bắn rơi 4 máy bay Mỹ trên bầu trời Hàm Rồng, góp phần vào chiến công vang dội của quân dân Việt Nam từ trận đầu đánh thắng!

Với tầm nhìn chiến lược và lường trước được miền Bắc tiếp tục bị không lực Hoa Kỳ đánh phá ác liệt. Vả lại, những chiếc "Én bạc" của ta bé nhỏ, ngoài việc đeo trên mình các loại vũ khí thì lượng xăng dầu không đủ để tác chiến xa và không được lâu trên bầu trời nhất là ở những địa bàn trọng yếu như khu 4. Vì thế, nhiệm vụ trọng tâm trước mắt cũng như lâu dài cần gấp rút xây dựng thêm một số sân bay tại các vùng, miền để không quân chủ động nhanh nhất không chiến với kẻ thù. Xuất phát từ phương châm chiến lược trên, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ban, ngành và tỉnh Thanh Hóa khẩn trương xây dựng Sân bay quân sự Sao Vàng ở vùng bán sơn địa huyện Thọ Xuân.

Cuối tháng 5 đầu tháng 6/1965, tại Hà Nội, dưới căn nhà nằm sâu dưới lòng đất khu vực làm việc của chính phủ, Ủy viên Bộ chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thanh Nghị đã chủ trì cuộc làm việc với Bộ GT-VT, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không- Không quân (PK-KQ) và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa. Một quyết định vô cùng sáng suốt, kịp thời đã ra đời. Sau khi nghe các bộ, ban, ngành và tỉnh Thanh Hóa phát biểu, Phó thủ tướng Lê Thanh Nghị kết luận: giao Bộ GT-VT chủ trì thiết kế, điều động cán bộ, kỹ sư có kinh nghiệm xây dựng Sân bay Hòa Lạc, Đa Phúc vào Sao Vàng (Thanh Hóa) vừa thiết kế vừa thi công cùng phương tiện xe máy huy động tại chỗ, thiếu thì điều động nơi khác đến làm nhiệm vụ.

Giao Bộ Quốc phòng đảm bảo phòng không khi địch phát hiện ra địa điểm xây dựng sân bay, đồng thời chỉ đạo Quân chủng PK-KQ chuẩn bị phương tiện kỹ thuật cùng đội ngũ phi công, khi sân bay hoàn thành là cất cánh chiến đấu được ngay. Giao tỉnh Thanh Hóa huy động 10.000 thanh niên (sau này được công nhận là lực lượng TNXP) lên công trường, chưa kể trên chi viện khoảng 500 công nhân kỹ thuật, cơ giới để đổ bê tông khoảng vài ngàn tấn.

Khối lượng đất, đá phải đào đắp, san ủi trên 1.000.000 m3. Các bộ, ban, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ phải tập trung hỗ trợ tiến hành xây dựng Sân bay quân sự Sao Vàng nhanh nhất để máy bay chiến đấu của ta có thể tập kết đi làm nhiệm vụ. Sau khi nhận nhiệm vụ, Bộ GT-VT lập tức thành lập ban chỉ huy công trường xây dựng Sân bay Quân sự Sao Vàng và đặt mật danh "Công trường 101" và điều động ông Trần Dân (quê làng Cẩm Bào, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) đang đảm trách Chỉ huy trưởng Công trường xây dựng tuyến giao thông chiến lược 13C ở tỉnh Yên Bái về ngay Sao Vàng làm chỉ huy trưởng Công trường 101.

Sân bay quân sự Sao Vàng thời chiến tranh (ảnh tư liệu)

Sân bay quân sự Sao Vàng thời chiến tranh (ảnh tư liệu)

Đối với tỉnh Thanh Hóa, một nhiệm vụ hết sức vinh quang nhưng vô cùng gian khó trong điều kiện chiến tranh phá hoại ngày càng ác liệt. Nhưng, vốn là vùng đất giàu truyền thống cách mạng và anh hùng, nên khó khăn đến mấy lãnh đạo Thanh Hóa bằng mọi cách vượt qua.

Nhận nhiệm vụ từ Phó thủ tướng Lê Thanh Nghị, Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa Ngô Thuyền tức tốc quay về Thanh triệu tập Ban thường vụ Tỉnh ủy họp cùng bí thư, chủ tịch các huyện, thị triển khai nhiệm vụ. Lệnh được phát ra: mỗi huyện, thị huy động thành lập 2-3 đại đội, huyện đông dân có thể 4 đại đội, cử thường vụ huyện, thị phụ trách, bộ khung từng đại đội có cốt cán tại các xã, thị trấn phụ trách, trong vòng 2 tuần phải huy động đủ 10.000 thanh niên đi làm nhiệm vụ.

Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa Ngô Thuyền nhắc đi nhắc lại: tuyệt đối giữ bí mật. Không được nói đi đâu, làm gì, chỉ biết tuyển quân, địa điểm tập kết quân thông báo sau. Các ngành, các cấp theo chức năng, nhiệm vụ của mình có kế hoạch cụ thể từ việc lập hòm thư riêng cho công trường, trạm xá, bệnh viện, dụng cụ sản xuất như cuốc, xẻng, gồng gánh, xe thồ, xe cút kít đến các trạm báo động, phòng không, hầm hào tránh trú máy bay.

Triển khai ngay phương án làm trong sạch địa bàn, phòng gian, bảo mật, giữ gìn trật tự, trị an... Ban thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa cử ông Tôn Viết Nghiệm, Phó chủ tịch UBHC tỉnh làm Phó chỉ huy, Bí thư Đảng ủy công trường và đặt mật danh công trường xây dựng Sân bay quân sự bí mật Sao Vàng là "Công trường thủy lợi Thanh Hóa". Như vậy chỉ một nhiệm vụ xây dựng sân bay quân sự bí mật Sao Vàng có 2 mật danh "Công trường 101" và "Công trường thủy lợi Thanh Hóa"

(còn tiếp)