Gậy dò đường thông minh cho người khiếm thị

Một nhóm bạn trẻ từng học đại học tại TP.HCM đã sáng chế ra sản phẩm gậy dò đường rất đơn giản nhưng lại cực kỳ thiết thực khi hỗ trợ cho người khiếm thị sự thuận tiện, an toàn trong quá trình di chuyển hằng ngày.
Gậy dò đường thông minh cho người khiếm thị
Gậy dò đường thông minh cho người khiếm thị

Chia sẻ về lý do thực hiện ý tưởng, Võ Chí Hiếu - Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, trong những lần đi học bằng xe buýt, Hiếu không ít lần thấy những người khiếm thị rất vất vả khi di chuyển trong đô thị lớn, đặc biệt khi họ sang đường nếu không có người trợ giúp thì sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng.

“Tình hình giao thông ở TP.HCM hiện nay cực kỳ phức tạp, mật độ các loại phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng. Do đó, những hiểm nguy rình rập người khiếm thị khi di chuyển trên đường cũng ngày càng tăng. Hình ảnh những người khiếm thị bị té hoặc bị phương tiện khác va phải cứ ám ảnh em mãi", chàng trai cựu sinh viên Đại học CNTT Gia Định cho hay.

Gậy thông minh.
Gậy thông minh.
Võ Chí Hiếu giới thiệu sản phẩm
Võ Chí Hiếu giới thiệu sản phẩm "gậy thông minh" trong khuôn khổ một hội thảo tại ĐH Công nghệ thông tin Gia Định - TP.HCM hồi năm 2016.

Bằng những kiến thức có được và sự tìm tòi trên mạng Internet cũng như sách vở,… thì Hiếu và các thành viên trong nhóm đã nghiên cứu ra một thiết bị hỗ trợ cho người khiếm thị, đó chính là chiếc gậy dò đường thông minh.

Đây là thành quả sau hơn 2 năm nghiên cứu, chỉnh sửa sao cho sản phẩm phù hợp nhất với tiêu chí đơn giản nhưng thiết thực với người dùng.

Một thành viên trong nhóm của Hiếu là bạn Lê Thanh Hải chia sẻ với phóng viên PC World Vietnam rằng, cấu tạo chiếc gậy dò đường thông minh cực kỳ đơn giản, vật liệu để làm gậy được làm từ nhôm.

"Đây là loại vật liệu có đặc tính nhẹ, bền rất phù hợp với người khiếm thị, hơn nữa, giá của loại vật liệu này cũng không quá đắt", Hải chia sẻ.

Ở phía đầu của gậy được thiết kế một chiếc cảm biến siêu âm và một chip điều khiển được gắn vào bên trong gậy. Cảm biến này sẽ hoạt động nhu “đôi mắt” cho người khiếm thị bởi đây là thiết bị có khả năng nhận diện vật cản.

“Khi người khiếm thị di chuyển đến gần vị trí của vật cản trên đường, cảm biến sẽ nhận diện và phát tín hiệu báo về chip xử lý. Sau đó, chip xử lý sẽ phát tín hiệu đến một bộ phận rung được gắn ở phần tay cầm gậy giúp người khiếm thị nhận biết vật cản và tìm cách tránh", một thành viên khác của nhóm là bạn Võ Thanh Nguyên cho biết.

Trước thắc mắc của chúng tôi, tại sao không gắn các cảm biến ở phía đầu gậy để nhận biết vật cản mà là ở phần trên của gậy, trưởng nhóm Võ Chí Hiếu thẳng thắn chia sẻ: "Người khiếm thị thường có thói quen sử dụng gậy để di chuyển trên đường. Họ đã có sẵn các phản xạ và kỹ năng để nhận biết các chướng ngại vật như hố ga, đá tảng…ở mặt đường. Tuy nhiên, với những vật cản tiềm ẩn nguy hiểm như những phương tiện như xe tải, ô tô… di chuyển trên đường thì việc đặt cảm biến ở đầu gậy là không khả thi”.

Vì thế, theo lời Hiếu, các thành viên nhóm đã quyết định thiết kế cảm biến ở phần trên của gậy giúp nhận biết các phương tiện dễ dàng hơn, hỗ trợ thiết thực hơn cho người khiếm thị.

Hiếu và các cộng sự khẳng định, gậy dò đường thông minh là một sản phẩm vì cộng đồng, vì thế các thành viên không đặt nặng vấn đề kinh doanh.

Được biết, hồi cuối tháng 1/2017 vừa qua, cùng sự tài trợ từ một số mạnh thường quân, nhóm của Hiếu đã trao tặng miễn phí 9 chiếc gậy dò đường cho người khiếm thị.

Sau gần 1 năm dưới sự hướng dẫn của tiến sĩ Lê Mạnh Hải, đến cuối tháng 5/2016, thiết bị mang tên "Gậy thông minh cho người khiếm thị" được chế tạo thành công.

Trước đó, vào cuối tháng 12/2015, nhóm của Hiếu đạt được giải đồng trong cuộc thi Thiết kế - Chế tạo - Ứng dụng lần 3 của thành Đoàn TP.HCM tổ chức.

Theo PC World VN