Năm 2017, thị trường thiết bị giải trí đa phương tiện Android TV Box tuy bị cạnh tranh mạnh bởi Smart TV nhưng vẫn được giới chuyên môn nhận định sẽ tiếp tục bùng nổ ở những sản phẩm có giá bán tầm trung. Có cùng tính năng kết nối với các ứng dụng giải trí qua Internet nhưng Smart TV có nhiều hạn chế về nội dung hơn so với thiết bị Android TV Box rất nhiều. Năm 2016, giá bán lẻ nhiều loại Android TV Box đã thấp hơn trước khoảng 30-40%, chỉ ở tầm khoảng 500.000 -700.000 đồng là có thể sở hữu một thiết bị có thể biến tivi thường thành thiết bị giải trí thông minh qua kết nối Internet.
Thị trường Việt Nam năm 2016 đã chứng kiến sự bùng nổ của thiết bị Android TV Box với hàng chục mẫu sản phẩm mới được các nhà cung cấp tung ra. Bên cạnh những tên tuổi lớn đi tiên phong trong việc đưa sản phẩm Android TV Box vào thị trường Việt Nam như VNPT Technology, VTC, Viettel, FPT, Ki-Wi Box thì còn có hàng chục mẫu mã của những nhà cung cấp mới tham gia thị trường với mức giá cả vô cùng đa dạng.
Người dùng lựa chọn sản phẩm theo cấu hình RAM và bộ nhớ, phổ biến nhất hiện nay là loại Android TV Box có Ram 1 Gb hoặc 2Gb, sắp tới xu hướng sẽ là 3Gb, cấu hình càng cao thì giá bán sẽ cao hơn. Trong số hàng chục sản phẩm Android TV Box có một số ít những mẫu Android TV Box đã thực hiện thủ tục công bố hợp quy, nhưng đa số là những mẫu chưa thực hiện công bố hợp quy.
Những thiết bị Android TV Box có giá bán trên 1,5 triệu đồng do đơn vị lớn vừa phân phối thiết bị vừa có kho ứng dụng như HTV, FPT, VNPT, VTVcab, SCTV, VTC. Sử dụng loại thiết bị do các đơn vị này cung cấp có thể truy cập vào kho ứng dụng do họ phát triển, nắm giữ bản quyền và có server riêng nên chất lượng ổn định hơn, nội dung tốt hơn hơn. Đối với những nhà phân phối thiết bị đơn thuần, không có kho nội dung riêng thì phụ thuộc rất lớn vào nguồn nội dung do Google cung cấp.
Tuy nhiên theo ý kiến của nhiều người thì mặc dù Google Play Store có hàng triệu ứng dụng để phục vụ tập khách hàng đa dạng, nhưng không phải nội dung nào cũng được kiểm soát tốt về chất lượng nội dung, và có nhiều nội dung được kiểm soát tốt về bản quyền sẽ không được cung cấp miễn phí trên kho ứng dụng của Google. Tuy nhiên sự bùng nổ của thiết bị Android TV Box đặt ra vấn đề các nhà cung cấp thiết bị này phải thực thi vấn đề bản quyền ra sao với kho nội dung đồ sộ, với hàng chục nghìn các tác phẩm: truyền hình, phim, âm nhạc, văn học đang được cung cấp miễn phí cho người dùng qua Internet.
Bên cạnh đó, hiện thị trường đã có hàng trăm mẫu Android TV Box nhưng do chưa có quy định bắt buộc phải làm thủ tục công bố hợp quy cho sản phẩm này nên thực tế số lượng sản phẩm được các nhà cung cấp tự nguyện thực hiện công bố hợp quy có rất ít. Thị trường Android TV Box có rất nhiều sản phẩm trôi nổi, mà thậm chí có nhưng loại sản phẩm khi mua về dùng bị hỏng, người dùng không biết bảo hành ở đâu. Hàng thật, hàng giả lẫn lộn trên thị trường. Ngay như Ki Wi Box năm 2016 đã phải bỏ mẫu S1 vì bị làm nhái, kể cả thẻ bảo hành cũng bị làm giả như thật đến các đại lý cũng không thể phân biệt được. Mẫu Ki Wi Box S1 ra thị trường được hơn một năm, có giá bán 990.000 đồng, nhưng bị hàng giả cạnh tranh với giá có 400.000 đồng nên Ki Wi Box đã phải bỏ mẫu này.
Vào nửa cuối năm 2016, thị trường đầu thu truyền hình DVB-T2 có dấu hiện chững lại, do đó một số nhà sản xuất, phân phối đầu thu DVB-T2 đổ xô đi làm đầu Android TV Box như: Hùng Việt, Tân Nguyên An, LTP Việt Nam cũng đưa ra thị trường sản phẩm Android TV Box của mình. Trước đây thị trường Android TV Box phát triển mạnh ở các thành phố thì nay đang có xu hướng dịch chuyển về vùng nông thôn. Đại diện những đơn vị này cho rằng, dù thị trường Android TV Box có nhiều mẫu mã nhưng sản phẩm tốt có khá ít nên những đơn vị sở hữu những sản phẩm chất lượng cao vẫn còn chỗ đứng.
Hiện nay một số nhà cung cấp thiết bị Android TV Box mong muốn có sự hợp tác giữa các nhà cung cấp thiết bị Android TV Box với các nhà phát triển nội dung, hoặc nhà nước hoặc một đơn vị làm nội dung được nhà nước chỉ định xây dựng một kho nội dung riêng cho Android TV Box, có server riêng để các nhà cung cấp thiết bị chính hãng có thể truy cập vào với mức phí truy cập rẻ người dùng có thể chấp nhận được. Như vậy nhà nước cũng dễ dàng kiểm soát nội dung trên Internet và người dùng cũng có lợi. Về nội dung, trên kho ứng dụng Gooplay Store có hàng triệu ứng dụng, nhưng chỉ có các kho ứng dụng do các nhà mạng phát triển, có server riêng, nội dung có bản quyền thì chất lượng xem tốt hơn hẳn. Do đó, nhà nước cần có chính sách để thúc đẩy các đơn vị phát triển nội dung cho các thiết bị Android TV Box.
Nhà nước phải có biện pháp quản lý chặt mặt hàng Android TV Box về cả tiêu chuẩn kỹ thuật thiết bị, cũng như quản lý nội dung và quản lý sản phẩm tiêu thụ ngoài thị trường. Theo quy định hiện nay, Android TV Box không bị áp thuế nhập khẩu nên được nhập về khá tràn lan. Nhiều sản phẩm chưa thực hiện công bố hợp quy cũng không có cơ quan nào quản lý. Nên số lượng hàng trôi nổi, chất lượng kém có mặt ngoài thị trường khá nhiều.
Theo ICTNews
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu