FPT sẽ tăng trưởng lợi nhuận 2 chữ số giai đoạn 2019 - 2021?

VietTimes -- Bắt đầu từ năm 2019, FPT sẽ chuyển dịch từ công ty cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin thành tập đoàn cung cấp giải pháp chuyển đổi số toàn diện với 2 hướng đi mũi nhọn.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

CTCP FPT (Mã CK: FPT) vừa công bố tài liệu cho cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ TN) năm 2019 sẽ diễn ra vào cuối tháng 3 tới. Trong đó, một nội dung quan trọng được tập đoàn này hé lộ là Chiến lược phát triển giai đoạn 2019 - 2021 với nhiều điểm nhấn đáng chú ý, bao gồm cả mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng.

Theo đó, FPT nhận định những bước nhảy vọt về công nghệ số trong bối cảnh cách mạng công nghệ (CMCN) 4.0 đã và đang tạo đà, tiếp sức cho cả thế giới hướng tới một đích đến đã được định hình là “Thế giới số”.

Chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, tổ chức đã và đang diễn ra mạnh mẽ, tuy ở các quy mô khác nhau nhưng tương đồng về bản chất. Đó là làm thế nào để tổng hợp và ứng dụng sức mạnh của các công nghệ nền tảng, giải quyết các vấn đề nhức nhối, cải tiến và đạt được những bước chuyển dịch trong vận hành, quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tổ chức.

Trích dẫn dự báo của IDC, FPT cho biết quy mô thị trường chuyển đổi số sẽ đạt 2.000 tỷ USD đến năm 2022 và có tốc độ tăng trưởng cao gấp 4 lần so với tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT).

“Với những cơ hội và tiềm năng không giới hạn của thị trường chuyển đổi số, FPT xác định đây là cơ hội quan trọng tạo bước phát triển đột phá cho Tập đoàn về cả vị thế, năng lực và quy mô tăng trưởng” - tài liệu cho cuộc họp Đại hội đồng cổ đông 2019 của FPT cho hay.

Một số mục tiêu của FPT giai đoạn 2019 - 2021 (Nguồn: FPT)
Một số mục tiêu của FPT giai đoạn 2019 - 2021 (Nguồn: FPT)

Cụ thể, FPT cho biết sẽ chuyển dịch từ công ty cung cấp dịch vụ CNTT thành một tập đoàn cung cấp giải pháp chuyển đổi số toàn diện, với hai hướng đi mũi nhọn là: chuyển dịch FPT thành “doanh nghiệp số” và phát triển các dịch vụ toàn diện cho chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, FPT cũng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận ở mức 2 chữ số, với tốc độ tăng trưởng trên 15% hàng năm. Mặt khác, tập đoàn này cũng đặt ra mục tiêu lọt vào top 50 các công ty dẫn đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số, cung cấp dịch vụ CNTT trên toàn thế giới.

Để thực hiện các mục tiêu lớn đã đề ra trong 3 năm tới, FPT cho biết đã xây dựng kế hoạch hành động trên 4 hướng, bao gồm: Nguồn lực, Giải pháp & Dịch vụ, Công nghệ và “Trở thành hình mẫu”.

Đáng chú ý, đối với định hướng phát triển nguồn lực, FPT tập trung vào yếu tố con người để phục vụ cho việc hoàn thành mục tiêu chiến lược. Tập đoàn này cho rằng nguồn lực là thế mạnh đặc biệt nổi trội của Việt Nam trên bản đồ dịch vụ chuyển đổi số và CNTT thế giới với nền tảng dân số trẻ, ham học hỏi, đặc biệt có năng lực toán học.

Đầu năm 2019, FPT đã thành lập Ban chuyển đổi số (FPT Digital - FDX) và Học viện số nhằm quy tụ đội ngũ tư vấn chuyển đổi số và thu hút các chuyên gia công nghệ số để nghiên cứu, phát triển dịch vụ tư vấn chuyển đổi số cho khách hàng.

Dự kiến trong 3 năm tới, FPT sẽ thu hút thêm 10.000 – 20.000 nhân sự để đáp ứng nhu cầu phát triển, triển khai dịch vụ chuyển đổi số của khách hàng trên toàn cầu.

Ngoài ra, tại cuộc họp ĐHĐCĐ TN 2019, FPT cũng sẽ giới thiệu Tổng Giám đốc nhiệm kỳ 2019 - 2022. 

Như VietTimes đã đưa tin trước đó, ngày 8/3/2019, Hội đồng quản trị FPT đã bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Khoa, sinh năm 1977, thay thế cho ông Bùi Quang Ngọc (hết nhiệm kỳ) đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc FPT. Nhiệm kỳ của ông Nguyễn Văn Khoa sẽ kéo dài 3 năm.

Tập đoàn FPT cho biết ông Nguyễn Văn Khoa đã trải qua nhiều vị trí công việc khác nhau, am hiểu sâu sắc các hoạt động kinh doanh.

Năm 2012, ở tuổi 35, ông Nguyễn Văn Khoa là CEO công ty thành viên chủ chốt trẻ nhất FPT khi được bổ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc CTCP Viễn thông FPT (FPT Telecom) và tiếp tục gặt hái nhiều thành công ở nhiều vị trí khác tại tập đoàn này./.