Từ vùng giá “trà đá” 3 – 4 nghìn đồng/cổ phiếu, chỉ trong ít tháng, VCR “rũ bùn đứng dậy sang lòa” và hiện đã vượt mốc 30.000 đồng/cổ phiếu. Cũng không ai dám chắc sự tăng phi thường này đã dừng lại.
Ngụp lặn dưới mệnh giá suốt từ đầu năm 2011, VCR đánh dấu sự “trở lại mặt đất” của mình vào phiên 19/3/2019 – đóng cửa ở mức 10.600 đồng/cổ phiếu, sau liên tiếp các phiên tăng gần như kịch biên độ. Và cứ thế, nó tiếp đà trỗi dậy.
Chuỗi thăng hoa của VCR bắt đầu từ thượng tuần tháng 3/2019, vừa hay khi công ty vừa kiện toàn được dàn lãnh đạo mới... (Dữ liệu: SSI)
|
Tin tốt…
Luôn có những câu chuyện để kể và vô vàn những lý do có vẻ rất thị trường trong mỗi “game”. Sự thăng hoa của VCR cũng có thể được lý giải bằng không ít câu chuyện tưởng như rất xác đáng.
VCR tiền thân là Ban quản lý dự án Cái Giá – Cát Bà của Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex; Mã: VCG). Tài sản lớn nhất và tiềm năng lợi ích của VCR cơ bản chỉ là từ dự án bất động sản có tên thương mại là Cát Bà Amatina này. Vậy dĩ nhiên, những biến biến xoay quanh số phận, triển vọng, hiệu quả và cơ hội từ dự án sẽ có tác động đáng kể tới thị giá của VCR trên thị trường.
Liên quan đến dự án này, cách đây nửa năm – cụ thể là vào ngày 05/11/2018, UBND Thành phố Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 2918/QĐ-UBND về việc “Hủy bỏ Quyết định số 2786/QĐ-UBND ngày 25/10/2017 của UBND Thành phố về việc thu hồi đất do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển du lịch Vinaconex đang quản lý tại thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải”.
Cần thiết phải nói đây là một thông tin đặt biệt tích cực dành cho VCR. Trước đó, với Quyết định số 2786, VCR đã phải dừng toàn bộ hoạt động kinh doanh của dự án, dẫn đến gần như không có doanh thu trong 2 năm 2017 và 2018.
Cát Bà Amatina đón tin tốt nhưng tin tốt này là chưa đủ để khiến VCR thăng hoa đến vậy... (Ảnh: Internet)
|
Quyết định số 2918, vì vậy ở một giác độ nào đó, có thể coi như đã hoàn sinh cho dự án Cái Giá – thứ tài sản lớn nhất, giá trị nhất và gần như duy nhất của VCR. Dĩ nhiên, với thông tin tốt đến thế, VCR đã tìm được một lực đẩy giá trị để cải thiện thị giá.
Nhưng liệu lực đẩy này có đủ để tạo ra cơn thăng hoa đến ngỡ ngàng của cổ phiếu VCR trong thời gian vừa qua?
Trước tiên, phải khẳng định ban lãnh đạo VCR ý thức rất rõ ý nghĩa của Quyết định số 2918/QĐ-UBND với thị trường và thị giá cổ phiếu VCR. Theo đó, sau khi nhận được văn bản từ Hải Phòng thì ngay trong ngày hôm đó (9/11/2018), VCR đã thực hiện công bố thông tin này trên HNX.
Nhưng tác động từ tin tốt này đến thị trường lại chỉ rất hạn chế. Tính đến hết năm 2018 và hết cả 2 tháng đầu năm 2019, thị giá VCR vẫn chỉ luẩn quẩn dưới vùng giá 5.000 đồng/cổ phiếu – tức là hầu như không có gì khác biệt với trước đó.
Không khó hiểu khi suốt 8 năm – kể từ 2011, bất kể lúc dự án Cát Bà Amatina không bị đối diện nguy cơ gì, cơ hội vẫn rộng mở thì thị giá VCR vẫn chẳng mấy khi nghếch khỏi vùng giá trên và đây vẫn là một mã chứng khoán chẳng được mấy nhà đầu tư quan tâm.
Nhưng bắt đầu từ thượng tuần tháng 03/2019, mọi chuyện đã thay đổi chóng mặt! VCR cứ thế “lên như diều”.
Liên tiếp những chuỗi tăng kịch trần, từ giá dưới 5.000 đồng/cổ phiếu, VCR mất 9 phiên giao dịch để trở lại trên mệnh giá (phiên 19/3), mất thêm 4 phiên để đạt vùng giá 15.000 đồng/cổ phiếu. Sau thi thoảng những nhịp điều chỉnh nhẹ, VCR lừng lững tiến về vùng giá 20.000 đồng/cổ phiếu, rồi vươn lên vùng 30.000 đồng/cổ phiếu như hiện tại. Khối lượng giao dịch từ quanh quẩn vài chục nghìn đơn vị mỗi phiên được đẩy lên trăm nghìn đơn vị, rồi nhiều trăm nghìn đơn vị mỗi phiên.
Đáng nói, kết quả kinh doanh tương ứng của VCR lại chẳng thấy khởi sắc. Kết thúc quý 1/2019, VCR lỗ gần 2 tỷ đồng, qua đó đẩy mức lỗ lũy kế của công ty đạt con số hơn 82 tỷ đồng vào 31/03/2019.
Vậy “cơn gió” nào đã đẩy “diều” VCR bay cao như thế?
Thực tế thị trường cho thấy, VCR đã thăng hoa ngay sau khi kiện toàn được dàn lãnh đạo mới, bằng phiên đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 với nhiều “lời hứa”.
Ngày 01/03/2019, ĐHĐCĐ VCR đã thông qua việc từ nhiệm của 2 thành viên HĐQT Vũ Văn Mạnh và Lê Văn Huy và 1 thành viên Ban Kiểm soát là bà Nguyễn Thái Hà. Thay thế cho các sự ra đi này, VCR cũng kiện toàn 2 thành viên HĐQT mới, là những “yếu nhân” ở Vinaconex (công ty mẹ của VCR) – là ông Nguyễn Xuân Đông (Tổng Giám đốc Vinaconex) và ông Đào Ngọc Thanh (Chủ tịch Vinaconex). Trưởng ban Kiểm soát Vinaconex Vũ Văn Mạnh – người được cho là cùng nhóm An Quý Hưng của ông Thanh và ông Đông ở Vinaconex – cũng được bầu bổ sung vào Ban kiểm soát VCR.
Trên cơ sở Nghị quyết ĐHĐCĐ (thực chất chỉ cần sự biểu quyết của nhóm đại diện cho phần vốn của Vinaconex), ngày 19/3/2019, ông Đào Ngọc Thanh, ông Nguyễn Xuân Đông cùng 4 thành viên HĐQT cũ của VCR, là các ông Dương Văn Mậu, Vũ Mạnh Hùng, Hoàng Tuấn Khải, Mai Khắc Chinh đã ký Nghị quyết của HĐQT phê duyệt phương án phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp chuyển đổi.
Vinaconex – công ty mẹ đang nắm giữ 53,56% cổ phần VCR – chính là bên duy nhất mà HĐQT VCR hướng đến cho thương vụ 300 tỷ đồng. Phương án phát hành nêu tại nghị quyết cho thấy, sau 24 tháng kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành trái phiếu, người sở hữu trái phiếu được chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ số lượng trái phiếu mà mình sở hữu. Giá chuyển đổi là 10.000 đồng/cổ phần và không thay đổi trong suốt kỳ hạn trái phiếu, tương ứng mỗi trái phiếu được chuyển đổi thành 10 cổ phiếu phổ thông (tương đương tỷ lệ thực hiện quyền là 1:10).
Khá trùng hợp khi ngày mà 6 thành viên HĐQT VCR ký ban hành nghị quyết trên cũng là phiên mà thị giá cổ phiếu VCR đánh dấu sự trở lại mệnh giá (19/03) – sau 8 năm ròng chìm sâu. Hẳn sẽ có những băn khoăn nhất định về phương án phát hành này – và cho cả quyết định đầu tư của Vinaconex (hay bất cứ trái chủ nào khác) nếu thị giá VCR khi này vẫn dưới 10.000 đồng/cổ phiếu (?!).
Song lưu ý rằng, phương án phát hành trên thực chất đã có từ nhiều tuần trước – lúc thị giá VCR vẫn quanh quẩn dưới vùng giá 5.000 đồng/cổ phiếu. Và lúc ấy – ngày 28/2/2019, tại thời điểm ký văn bản có tên là “Phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ” (nhưng không có số hiệu văn bản), Chủ tịch VCR Dương Văn Mậu cũng đã xác định rõ nhà đầu tư chào bán trái phiếu vẫn chỉ là một cái tên duy nhất: Vinaconex!
Sự thăng hoa của cổ phiếu VCR thời gian qua có thể là độc lập với thương vụ phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi mà VCR đang hướng đến. Nhưng khách quan mà nói, sự thăng hoa ấy – dù vô tình hay hữu ý – cũng giúp cho thương vụ phát hành trái phiếu trở nên “thuận” hơn.
Bởi lẽ, ban lãnh đạo Vinaconex – nếu quyết định đầu tư vào thương vụ này - cũng cần phải có những cơ sở để “thuyết phục” cổ đông của mình.
(Ảnh: Internet)
|
300 tỷ đồng dự kiến thu về từ thương vụ sẽ giúp VCR thu xếp nguồn lực để thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất và phạt chậm nộp cho Hải Phòng (khoảng 284 tỷ đồng) và bổ sung vốn lưu động (15,9 tỷ đồng). Nhờ đó, VCR sẽ tránh được việc bị thu hồi dự án do vi phạm nghĩa vụ với ngân sách nhà nước cũng như tránh các hệ lụy phát sinh từ việc dự án bị thu hồi.
Chủ trương thực hiện thương vụ vì thế là tích cực và cần thiết. Thông tin về thương vụ vì thế có thể coi là một tin tốt cho cổ phiếu VCR.
Nhưng khách quan mà nói, đó mới chỉ là một vấn đề nhỏ trong câu chuyện của Cát Bà Amatina. Thực tế, đến thời điểm này, vẫn chưa thấy VCR ra được một kế hoạch rõ ràng nào cho việc tiếp tục triển khai dự án Cát Bà Amatina một cách có hiệu quả. Tương lai và triển vọng phát triển của VCR vì thế vẫn tỏ ra khá mơ hồ. Báo cáo tài chính thì vẫn ghi nhận thêm con số lũy kế ngày một sâu.
Ấy nhưng, cổ phiếu VCR vẫn thăng hoa đến… bất thường – như đang thấy!
Rõ ràng là không dễ để chỉ ra “cơn gió” thực sự đang đẩy “diều” VCR bay cao. Và không phải tự nhiên mà thị trường đã bắt đầu xuất hiện những dị nghị về một “đội lái” hay “game” đẩy giá VCR.
Nên nhớ, cơ cấu sở hữu VCR hiện khá cô đặc, với lượng cổ phiếu trôi nổi thực sự trên thị trường khá hạn chế.
Ai vui khi VCR “thăng hoa”? Nhóm lãnh đạo chủ chốt ở VCR hẳn nhiên họ sẽ vui khi thấy cổ phiếu VCR lên giá. Nhóm lãnh đạo chủ chốt ở Vinaconex hẳn cũng rất vui vì điều ấy. Trước tiên bởi VCR là công ty con của Vinaconex. Thứ bởi nhóm lãnh đạo chủ chốt của Vinaconex – ông Nguyễn Xuân Đông, ông Đào Ngọc Thanh, ông Vũ Mạnh Hùng, ông Dương Văn Mậu – cũng chính là nhóm lãnh đạo chủ chốt ở VCR. Nhắc lại rằng, chính các ông trên là những người đã ký ban hành Nghị quyết HĐQT số 6 ngày 19/3/2019 của VCR về việc phê duyệt phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi. Theo phương án, họ đã chọn “nhà đầu tư chào bán trái phiếu” là một cái tên duy nhất: Vinaconex – nơi họ là các “yếu nhân” giữ thẩm quyền ra quyết định. Do đó, cơ hội thành công của thương vụ phát hành trái phiếu chuyển đổi ở VCR là điều đã có thể nhìn thấy rõ. Nhưng có một vấn đề có lẽ nên đặt ra ở đây, rằng nhóm ông Nguyễn Xuân Đông và Đào Ngọc Thanh (hay nhóm An Quý Hưng) chẳng phải là chủ sở hữu duy nhất của Vinaconex. Họ nắm hơn 57% cổ phần và giữ quyền lực chi phối, nhưng số cổ đông còn lại thực ra cũng nắm gần một nửa cổ phần. Nhóm này hẳn nhiên cũng có nhu cầu được biết, được tham gia vào các vấn đề của công ty. Kể cả như trong thương vụ trái phiếu VCR như đang đề cập. Tính đến nay, ngoài giá trị đã đầu tư vào VCR là 192,8 tỷ đồng, Vinaconex cũng đã phải cấp bảo lãnh cho khoản vay của VCR tại Ngân hàng Agribank SGD với giá trị bảo lãnh lên đến 154,8 tỷ đồng, tiền cổ tức không thu hồi được tính đến cuối năm 2018 là 46 tỷ đồng. Với việc phải ít nhất 02 năm nữa dự án mới có lợi nhuận, thương vụ đầu tư vào trái phiếu VCR, nhất là trong mắt của các nhóm cổ đông VCG không có đại diện ở VCR, ít nhiều sẽ đem lại những bất an./. |