Năm 2018, MSB ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục trong lịch sử hoạt động, gia nhập câu lạc bộ nghìn tỷ - với mức lãi trước thuế đạt 1.045 tỷ đồng, gấp 6,3 lần năm 2017 và gấp 5.6 lần kế hoạch năm 2018.
Tuy nhiên đi sâu vào các số liệu báo cáo ở ngân hàng này, sẽ thấy những dấu hiệu rất đáng chú ý. Rằng dường như ngân hàng này đang “hãm” lãi.
Theo BCTC hợp nhất sau soát xét, tính đến 31/1/2018, quy mô tiền gửi của khách hàng ở MSB đạt 63.504 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm; Quy mô cho vay khách hàng đạt 48.717 tỷ đồng, tăng 33% so với đầu năm. Tương ứng, tỷ lệ cho vay/huy động của MSB tại cuối năm 2018 đạt 76%. Dù đã được cải thiện so với các năm trước nhưng cần thiết phải nói rằng, tỷ lệ này vẫn khá thấp so với mặt bằng chung của thị trường.
Nó thấp hơn đáng kể so với hệ số LDR chung mà Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) đã tính toán cho toàn hệ thống các TCTD Việt Nam trong năm 2018 – khoảng 87,5%. Mà lưu ý, hệ số LDR này đã được NFSC tính toán dựa trên một công thức khá phức tạp, chứ không chỉ là đơn thuần là phép chia của số liệu cho vay khách hàng với tiền gửi của khách hàng được phản ánh trên bảng cân đối kế toán.
“Với trường hợp của MSB, phải chăng là nhà băng này “kém” ở khâu cho vay, không tận dụng được năng lực huy động nên lợi nhuận của ngân hàng chưa “bứt” được so với tiềm năng?”, PV VietTimes đặt câu hỏi với ông Huỳnh Bửu Quang - Tổng Giám đốc MSB.
“Đúng lợi nhuận của MSB còn thấp so với tiềm năng. Nếu chịu “đánh quả” thì kết quả lợi nhuận của MSB đã khác. Nhưng chúng tôi muốn đi dài và tạo dựng một nền tảng vững chắc, thay vì mạo hiểm để làm đẹp kết quả kinh doanh bằng mọi giá. MSB quyết liệt “xoay trục” và đã kiên trì với triết lý này đã 4 năm nay”, người đứng đầu ban điều hành MSB nói bằng một chất giọng miền Nam chậm rãi, từ tốn và chắc chắn.
Tháng 10/2015, ông Huỳnh Bửu Quang một nhân sự kỳ cựu trong giới tài chính, trưởng thành từ HSBC Việt Nam chính thức gia nhập MSB – khi ấy vẫn mang thương hiệu cũ là Maritime Bank. Sự kiện này không đơn thuần chỉ là việc thay Tổng Giám đốc – vốn rất phổ biến trong giới nhà băng, mà nó còn đánh dấu một sự xoay trục quan trọng ở MSB.
Gia nhập MSB tháng 10/2015, CEO Huỳnh Bửu Quang lãnh trọng trách "xoay trục" ngân hàng.
|
Là một nhà băng có lịch sử dày bậc nhất trong nhóm ngân hàng TMCP (thành lập năm 1991 tại Hải Phòng), trong nhiều năm, nhóm khách hàng trọng tâm của Maritime Bank vẫn là các khách hàng doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp lớn, các tổ chức, tập đoàn kinh tế nhà nước. Định hướng phát triển ấy đã khiến MSB gặp nhiều khó khăn, nhất là khi cuộc khủng hoảng hệ thống ập đến.
Thậm chí có thời kỳ, ban lãnh đạo ngân hàng đã phải quyết định hầu như ngừng cho vay mới để đánh giá lại tình hình, tái cơ cấu các khoản nợ và xác định lại chiến lược. Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) và khách hàng cá nhân sau đó đã trở thành nhóm khách hàng trọng tâm.
“Phải đến đầu năm 2015, ngân hàng mới bắt đầu cho vay lại, khi đã xác định rõ hướng đi”, vị lãnh đạo MSB nhớ lại.
Cũng từ thời điểm đó, MSB bắt đầu công cuộc chuyển đổi kéo dài 4 năm – âm thầm, kiên trì, quyết liệt và cẩn trọng – với 4 mũi trọng tâm: (1) Tập trung phát triển khách hàng SMEs và khách hàng cá nhân (trước đó chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu khách hàng và cấu trúc cho vay); (2) Tập trung xử lý nợ xấu; (3) Tập trung đầu tư nền tảng công nghệ; (4) Tập trung xây dựng chất lượng dịch vụ, chú trọng quan tâm đến trải nghiệm khách hàng. “Tức là mình làm toàn diện” – ông Quang nói.
Theo đó, chỉ sau 3 năm chuyển đổi, MSB đã được thụ hưởng những thành quả, mà mức lãi kỷ lục trong 2018 chỉ là một biểu hiện.
Theo thống kê, MSB hiện là một trong 3 ngân hàng có tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) trên tổng tiền gửi tốt nhất trong nhóm TMCP và là một trong những ngân hàng sở hữu khả năng thanh khoản dồi dào nhất hệ thống.
Năng lực thanh khoản của MSB khá dồi dào.
|
Năm 2019, khi NHNN đưa vào áp dụng Thông tư 16, điều chỉnh tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn từ 45% xuống 40% làm nhiều nhà băng phải đau đầu vì đã chót đẩy tín dụng để tăng trưởng “nóng”, thì MSB vẫn rất tự tin. Bởi tỷ lệ này ở MSB mới đạt chưa đến 25%. Hay nói cách khác, dư địa tăng trưởng của MSB vẫn còn rất rộng.
“5 tháng đầu năm nay, số lượng khách hàng mục tiêu của chúng tôi đã tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 5, cho vay thế chấp riêng mảng bán lẻ đã đạt khoảng 1.000 tỷ đồng, trong khi con số này cùng kỳ chỉ đạt 200 tỷ đồng, góp phần đưa tăng trưởng mảng bán lẻ của 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước lên 41%; mức tăng trưởng SME cũng đạt tới 61%” ông Quang cho biết.
Người đứng đầu ban điều hành MSB tỏ ra đặc biệt tự tin về năng lực quản trị rủi ro của ngân hàng mình. Theo đó, khi được hỏi về lợi thế so sánh lớn nhất của MSB với các thành viên khác trong hệ thống, ông Quang còn khẳng định như một slogan: “Ngân hàng thấu hiểu khách hàng nhất!”.
Người đứng đầu ban điều hành MSB có lý do để tự tin. Theo tiết lộ, trong gần 4 năm chuyển đổi vừa qua, MSB đã xây dựng và hoàn thiện được một mô hình công cụ rủi ro hiện đại và đặc biệt hiệu quả. Ngân hàng đã thu thập dữ liệu và “lọc” tất cả các khách hàng qua mô hình công cụ thuộc loại “hàng hiếm” này.
“Khi tiếp cận khách hàng, chúng tôi đã xác định được xác suất vỡ nợ của từng người. Do đó, dù ngân hàng đang phát triển và mở rộng rất nhanh quy mô khách hàng, nhưng hội sở vẫn kiểm soát chi tiết từng đối tượng, hạn chế tối đa rủi ro nợ xấu”, vị CEO hào hứng chia sẻ và cho biết nó là điểm khác biệt, tạo nên sức hấp dẫn trong mắt nhiều nhà đầu tư quốc tế.
Theo đại diện MSB, các phiên roadshows vừa qua ở Thái Lan, Singapore đều rất thành công. Nhiều nhà đầu tư gạo cội trong giới tài chính quốc tế như JPMorgan Chase, Affinity Capital Management… đều đã bày tỏ sự quan tâm. Thậm chí, ngay sau hội nghị ở Bangkok, đã có nhà đầu tư đăng ký rót vốn.
MSB sẽ chào bán khoảng 20% vốn cho các nhà đầu tư quốc tế, bao gồm cả 10% vốn dưới dạng cổ phiếu quỹ - tức là toàn bộ số cổ phiếu quỹ mà ngân hàng đang có. Các nhà đầu tư được hướng đến là các quỹ có uy tín, có tiềm lực và muốn đi dài. Và lưu ý, MSB chỉ chào nhà đầu tư lớn, chứ chưa có nhu cầu tìm nhà đầu tư chiến lược.
Trước câu hỏi, rằng liệu MSB đã thực sự muốn lên sàn hay chỉ là sức ép từ Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” mà Thủ tướng đã phê duyệt, Tổng Giám đốc Huỳnh Bửu Quang trả lời một cách chắc chắn:
“MSB đã trải qua 4 năm chuyển đổi. Với các nền tảng đã tích lũy, đây là lúc phù hợp để ngân hàng bước sang một chặng đường phát triển mới, minh bạch, chuyên nghiệp và hiện đại. Để thực hiện mục tiêu ấy, chúng tôi thực sự muốn “lên sàn”. MSB xác định lên thẳng HoSE và sẵn sàng để lên HoSE. Còn nếu chỉ để đáp ứng yêu cầu, chúng tôi đã lên UPCoM”.
Nhà điều hành kỳ cựu này cũng xác nhận MSB đã hoàn tất quá trình “chuyển đổi” và không giấu diếm về chu kỳ “thăng hoa” mà ngân hàng này đang bắt đầu.
Mở rộng sang EU TGĐ Huỳnh Bửu Quang tiết lộ, MSB đang xem xét mở rộng hoạt động sang châu Âu, mà bước đầu là thành lập văn phòng đại diện. "Việc đàm phán hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU được dự đoán là sẽ sớm hoàn tất. Hiệp định sẽ mở ra thị trường cực kỳ tiềm năng và hứa hẹn tăng trưởng nhanh về giao thương, xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp EU và Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi đang xem xét cơ hội mở rộng hoạt động tại thị trường EU để nắm bắt cơ hội phục vụ nhu cầu tài chính xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp” – ông Huỳnh Bửu Quang chia sẻ. Bên cạnh đó, theo vị CEO, MSB cũng đã hoàn tất các thủ tục trình NHNN trao quyết định áp dụng trao quyết định áp dụng chuẩn Basel II. Phía ngân hàng kỳ vọng sẽ nhận được sự chấp thuận ngay trong quý này./. |