Theo đó, FPT cho biết lý do giải thể FPT Media vì công ty này “kinh doanh không có hiệu quả, các mục tiêu kinh doanh không đạt được hiệu quả như mong muốn”.
Được biết, cách đây 7 năm, ngày 8/8/2011, Tổng Giám đốc FPT đã ra quyết định về việc tạm thời thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh của FPT Media. Tuy nhiên, các công tác xử lý các vấn đề tồn đọng mất nhiều thời gian nên đến thời điểm này, HĐQT FPT mới ra quyết định để hoàn tất hồ sơ giải thể công ty theo quy định.
Khi tiến hành giải thể, FPT Media có sử dụng 6 lao động. Các lao động này sẽ được thanh toán các khoản nợ lương, trợ cấp, các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể chậm nhất vào ngày 20/12/2018 và theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, FPT cũng đặt ra thời hạn chậm nhất là 30 ngày để tiến hành các thủ tục thanh lý hợp đồng và thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp.
Về FPT Media, công ty này được thành lập ngày 1/6/2007, đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại 89 Láng Hạ, Phường Láng Hạ, Quận Đống Đa, Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật của FPT Media là bà Mai Thu Huyền.
Vốn là một diễn viên trẻ, nhưng sau quãng thời gian làm Tổng Giám đốc FPT Media, bà Huyền đã trở thành nữ doanh nhân khi tham gia trực tiếp điều hành một công ty khác trong lĩnh vực truyền thông.
Sản phẩm truyền hình đầu tiên của công ty này là chương trình “Sống khỏe mỗi ngày” được phát sóng trên kênh truyền hình VTV3 của Đài truyền hình Việt Nam. Bên cạnh đó, FPT Media cũng tiến hành sản xuất nhiềm bộ phim truyền hình, một trong số đó là bộ phim “Xin thề anh nói thật” nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Quá khứ "dậm chân tại chỗ" của "ông lớn" công nghệ
Đặt trong quá trình hình thành và phát triển của Tập đoàn FPT, công ty FPT Media là một trong số ít bằng chứng, gợi nhớ về hình ảnh “10 năm dậm chân tại chỗ” của tập đoàn này.
Vào năm 2007, FPT với nguồn lực tài chính dồi dào đã thể hiện tham vọng phát triển thành tập đoàn đa ngành, thực hiện đầu tư vào một loạt lĩnh vực ngoài ngành công nghệ như: chứng khoán, bất động sản, ngân hàng, quản lý quỹ ... và cả truyền thông giải trí - FPT Media là một ví dụ điển hình.
Tuy nhiên, việc đầu tư ngoài ngành một cách nhanh chóng cũng khiến FPT gặp nhiều rủi ro, thách thức mới đã “níu giữ” bước chân của “người khổng lồ” ngành công nghệ.
Trải qua nhiều năm, trong khi các đối thủ cùng ngành có những bước tiến vượt bậc, FPT phải dành nhiều thời gian loay hoay thoái vốn tại những lĩnh vực kinh doanh ngoài ngành, không đem lại hiệu quả sinh lời như kỳ vọng. Và FPT Media chỉ là một trong số đó.
Tháng 8/2017, FPT có sự “chuyển mình” đáng ghi nhận với việc thoái vốn khỏi lĩnh vực phân phối và bán lẻ sản phẩm công nghệ tại CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) và Công ty TNHH Thương mại FPT (FPT Trading), để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là mảng công nghệ.
Dù có tạo ra sự sụt giảm về doanh thu nhưng quyết định này đã chứng minh sự hiệu quả với việc biên lợi nhuận được cải thiện rõ rệt, lợi nhuận sau thuế của FPT cũng tăng trưởng tích cực. Được biết, sau 11 tháng đầu năm 2018, FPT ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 3.571 tỷ đồng, tăng trưởng 35% so với cùng kỳ và vượt mức kế hoạch cả năm./.