FinTech Việt Nam: Thông tư 19 năm 2016 của NHNN và những tác động sắp đến

VietTimes – Cùng với sự bình thường hóa và phát triển các mối quan hệ ngoại giao là sự xuất hiện và phát triển của Fintech tại Việt Nam. Nhưng chỉ có thời gian mới trả lời được liệu những nỗ lực và điều kiện thị trường sẽ cản trở hay đẩy mạnh sự đổi mới tài chính trong khu vực tư nhân.
Việt Nam là môi trường tốt Fintech phát triển, cho dù còn nhiều trở ngại (ảnh: Fintech News)
Việt Nam là môi trường tốt Fintech phát triển, cho dù còn nhiều trở ngại (ảnh: Fintech News)

Năm 1995, giao dịch Visa đầu tiên đã được chấp nhận tại Việt Nam. Cùng năm đó các mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam được bình thường hoá.

Năm 2006, một năm trước khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Visa đã có 150.000 thẻ thương hiệu ở Việt Nam. Ngày nay, Visa có 5.000.000 thẻ thương hiệu ở Việt Nam và trong 12 tháng trước tháng 6 năm 2016, số lượng giao dịch tăng 34%.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), vào năm 2014, 50 ngân hàng và tổ chức tín dụng ở Việt Nam đã phát hành 76 triệu thẻ, nhưng thẻ tín dụng chỉ chiếm 4% hoặc khoảng ba triệu thẻ. Đến năm 2015, theo Tổng cục Thống kê, có tới 86 triệu thẻ được phát hành nhưng một vài báo cáo đã chỉ ra rằng một phần đáng kể các thẻ này vẫn không được sử dụng.

Không phải tất cả những tin tức về việc phát hành và dùng thẻ ở Việt Nam đều có kết quả khả quan: từ năm 2010, đã có hàng trăm tội phạm tài chính được báo cáo mỗi năm, và gần 1.000 người bị bắt giữ. Năm 2015, NHNN thậm chí còn cảnh báo tất cả các ngân hàng về việc gian lận thẻ đang ngày càng gia tăng. Việt Nam cũng là mục tiêu của những kẻ lừa đảo nước ngoài, chúng thu thập và giả mạo thông tin thẻ để rút tiền nội tệ.

Năm 2016, một phụ nữ Việt Nam đã mất 25.000 USD trong khi ngủ vì một lỗ hổng bảo mật liên quan đến mô hình One-Time Pass (Mật khẩu dùng một lần (OTP)). Vietcombank đã trả lại cô 15.000 đô la, nhưng 10.000 đô la còn lại đã bị bọn tội phạm rút ra tại lãnh thổ Malaysia trước khi ngân hàng có thể can thiệp.

Năm 2016, một nhóm 20 người ở Thành phố Hồ Chí Minh đã bị truy tố vì gian lận thẻ tín dụng ở nước ngoài. Chưa hết, một hacker Việt Nam đã kiếm được gần 2 triệu USD bằng cách ăn cắp và bán lại dữ liệu cá nhân. Hacker này chỉ bị bắt khi anh ta tham gia một cuộc họp ở Guam – thuộc lãnh thổ Hoa Kỳ.

Video đánh giá môi trường đầu tư ở Việt Nam

Thông tư 19 về “Hoạt động Thẻ Ngân hàng” do NHNN ban hành vào tháng 6 năm 2016 cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến thương mại điện tử và Fintech tại Việt Nam.

Thông tư này có hiệu lực vào ngày 15 tháng 8 năm 2016, ngoại trừ Điều 24, dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2018. Điều 24 cho phép NHNN chỉ định một người trung gian trong quá trình thanh toán điện tử. Có lẽ Tổng công ty Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) thành lập vào năm 2004 sẽ được chọn.

“NAPAS là nhà cung cấp dịch vụ thanh toán trung gian đầu tiên và duy nhất được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép chuyển đổi và thanh toán bù trừ điện tử tại Việt Nam. Các cổ đông chính của NAPAS bao gồm NHNN và 15 ngân hàng thương mại lớn tại Việt Nam”, theo trang web của NAPAS.

Do đó, NAPAS sẽ là điểm tiếp xúc duy nhất của tất cả các giao dịch, hay nói cách khác nó là một nút cổ chai để hạn chế sự tiến bộ của Fintech và đổi mới thương mại điện tử ở Việt Nam. Những tác động của việc loại bỏ các kết nối trực tiếp giữa  Hiệp hội Thẻ Quốc tế (ICA) và các ngân hàng rất sâu sắc: năm 2016, một tài liệu nặc danh đã nêu ra các rủi ro đối với sự đổi mới, bảo mật trực tuyến, kinh nghiệm của người tiêu dùng và các chương trình khuyến mãi; nó đã được lưu hành giữa các thành viên của các cộng đồng Start-up trên cả nước.

Tài liệu kết luận như sau:

“Điều 24 của Thông tư 19 rất đáng quan ngại vì nó sẽ hạn chế cạnh tranh, ngăn trở sự đổi mới và làm suy yếu sự an toàn trong việc thanh toán. Không chỉ những người  trực tiếp tham gia hoạt động thanh toán điện tử, mà cả những chủ thể tham gia FinTech, thương mại điện tử và các khu vực kinh tế mới xuất hiện có liên quan đến thanh toán số đều sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực”.

Mặc dù NHNN đã thành lập Ban chỉ đạo Fintech vào đầu năm 2017 với sự có mặt của các đại diện từ NAPAS để giải quyết các vấn đề hiện tại và tương lai xung quanh sự phát triển của Fintech Việt Nam, nhưng những công nghệ này hiện vẫn còn mới lạ đối với cả các thị trường phát triển và thị trường đang phát triển, do vậy không có bất kỳ “cuốn cẩm nang vạn năng” nào để tham khảo hoặc mô phỏng hướng đi tiếp theo. Chỉ có thời gian mới biết liệu những nỗ lực này và diễn biến thị trường tới đây có cản trở sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số Việt Nam, hay chính nó sẽ đẩy mạnh cuộc cải cách tài chính trong khu vực kinh tế tư nhân để vượt qua những trở ngại đó.

Theo Fintechnews.sg