Chính phủ vừa ra Nghị định số 10/2017/NĐ-CP ban hành quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Trong đó, quy định vốn của EVN bao gồm vốn do Nhà nước đầu tư tại EVN, vốn do EVN tự huy động và các loại vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Văn bản này quy định rằng, EVN được quyền chủ động sử dụng số vốn nhà nước đầu tư, các loại vốn khác, các quỹ do EVN quản lý vào hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN theo quy định; quản lý sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn có hiệu quả; báo cáo theo đúng quy định cho chủ sở hữu, Bộ Tài chính về việc doanh nghiệp hoạt động thua lỗ, không đảm bảo khả năng thanh toán, không hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ do chủ sở hữu giao hoặc trường hợp sai phạm khác để thực hiện giám sát theo quy định.
EVN được quyền huy động vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật để đáp ứng nhu cầu vốn của EVN và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn huy động, hoàn trả đầy đủ cả gốc và lãi vay cho chủ nợ mà EVN đã cam kết.
Việc huy động vốn của EVN phải đảm bảo hệ số nợ phải trả (bao gồm cả các khoản bảo lãnh vay vốn đối với công ty con của EVN) trên vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của EVN tại thời điểm gần nhất với thời điểm huy động vốn không vượt quá 3 lần.
Hình thức huy động vốn của EVN gồm: Phát hành trái phiếu doanh nghiệp; vay vốn của các tổ chức tín dụng, các tổ chức tài chính khác, của cá nhân, tổ chức ngoài doanh nghiệp; vay vốn của người lao động và các hình thức huy động vốn khác theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, Nghị định nêu rõ EVN không được huy động vốn để đầu tư vào các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư, bất động sản, tài chính.
EVN được quyền sử dụng vốn của EVN để đầu tư ra ngoài EVN thuộc các ngành nghề kinh doanh được quy định trong Điều lệ tổ chức hoạt động của EVN. Việc đầu tư vốn ra ngoài EVN phải tuân thủ các quy định của pháp luật và đảm bảo nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn, tăng thu nhập và không làm thay đổi mục tiêu hoạt động của EVN.
EVN có trách nhiệm mở sổ theo dõi đầy đủ các khoản nợ phải trả gồm cả các khoản lãi phải trả, các thông tin liên quan đến phạt chậm trả, thông tin liên quan đến người cho vay và thanh toán các khoản nợ phải trả theo đúng thời thời hạn đã cam kết. Thường xuyên xem xét, đánh giá, phân tích khả năng thanh toán nợ của EVN, phát hiện sớm tình hình khó khăn trong thanh toán nợ để có giải pháp khắc phục kịp thời, không để phát sinh các khoản nợ quá hạn.
Lãnh đạo EVN và các đơn vị trực thuộc EVN chịu trách nhiệm về các hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản phát sinh tại đơn vị và số liệu, tài liệu, hóa đơn, chứng từ liên quan đến Báo cáo tài chính, Quyết toán vốn đầu tư của các công trình đầu tư xây dựng hoàn thành, công trình đầu tư nâng cấp.