Theo dự thảo, trường hợp các thông số đầu vào cơ bản tại thời điểm tính toán thấp hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá (sau khi đã trích Quỹ bình ổn giá điện), EVN có trách nhiệm giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng, báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính.
Cụ thể, EVN được phép tăng giá điện 3%-5% nếu các thông số đầu vào hình thành giá điện thay đổi ở mức tương ứng (trước đây là 7%).
Nhưng đồng thời thời gian giữa các lần điều chỉnh được rút xuống ba tháng (trước đây là sáu tháng).
Như vậy, tính cả lũy kế theo từng lần tăng, trong một năm, EVN có thể tăng lên trên 21% giá điện (trước đây chỉ là trên 14,5%), con số này quá cao so với trước đây.
Theo số liệu thống kê từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), từ năm 1995 đến nay, mức độ lạm phát của Việt Nam có sự biến động mạnh giữa các năm nhưng không có năm nào vượt quá 20%. Như vậy, việc trao cho EVN thẩm quyền quyết định việc tăng giá điện tối đa lên trên 21%/năm là khá cao so với mức biến động giá bình thường.
Chưa kể việc EVN là công ty đôc quyền nên việc trao quyền cho EVN tự quyết việc tăng giá không khác nào “vừa đá bóng vừa thổi còi”, điều này dễ dẫn đến việc giá điện sẽ luôn tăng chứ không có giảm.
Bằng chứng là trong Dự thảo nêu rõ “ Với những mức điều chỉnh cao hơn, EVN sẽ phải báo cáo Bộ Công Thương và Thủ tướng quyết định.”
Vì vậy, việc mở rộng thẩm quyền quyết định EVN được chủ động tăng lên trên 21%/năm là tương đối lớn và cần được xem xét, cân nhắc. Chính phủ cần phải có định giá hoặc quy định giá trần tránh trường hợp EVN tăng quá cao.
Dự thảo của Bộ Công Thương cũng đưa ra cơ chế hoạt động Quỹ bình ổn giá điện. Dù trước đó nhiều chuyên gia kinh tế đã đề xuất không nên đưa quỹ bình ổn vào giá điện.
Quỹ bình ổn giá điện được thành lập để thực hiện mục tiêu bình ổn giá điện. Nguồn hình thành Quỹ bình ổn giá điện được trích từ giá bán điện và được tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh điện. EVN thực hiện việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá điện theo hướng dẫn của liên Bộ Tài chính - Công Thương.