Trong sáu tháng qua, thị trường thế giới không có những thay đổi lớn kể từ khi giá dầu thô bắt đầu giảm. Hoạt động sản xuất dầu đá phiến của Mỹ đạt tốc độ tăng trưởng nhanh cộng với việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) từ chối cắt giảm sản lượng khiến thị trường tiếp tục dư thừa nguồn cung. Giá dầu thô chưa thể khắc phục được tình trạng mất cân đối khi mức cầu có xu hướng yếu đi. Theo đánh giá của EIU, nền kinh tế thế giới còn trì trệ, nhất là ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), đang tác động đáng kể đến giá dầu thô.
EIU dự báo rằng giá dầu thế giới có thể sẽ được duy trì ở mức trung bình 54 USD/thùng trong cả năm 2015. Tuy nhiên, giá dầu có thể giảm xuống mức 42 USD/thùng vào quý I/2015 trước khi tăng dần lên cho đến thời điểm cuối năm.
Có một số yếu tố khiến giá dầu có thể được khôi phục phần nào trong nửa cuối năm 2015. Thứ nhất, Saudi Arabia lên kế hoạch ngân sách năm 2015 dựa trên mức giá dầu thô 60 USD/thùng. Vì vậy, có khả năng nước này và một số thành viên OPEC khác sẽ cắt giảm sản lượng khai thác nhằm giữ giá. Thứ hai, hoạt động sản xuất tại Bắc Mỹ có thể sẽ chững lại do giới đầu tư rút vốn khỏi những giếng dầu mới để khắc phục khó khăn về tài chính. Cuối cùng, OPEC sẽ nhóm họp vào tháng 6/2015 và có khả năng họ sẽ không còn đủ kiên nhẫn khi giá dầu giảm xuống dưới mức 50 USD/thùng.
Giá dầu giảm sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn thu ngân sách và tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước xuất khẩu dầu mỏ trên thế giới. Với những nước nhập khẩu dầu lửa, giá giảm cũng đồng nghĩa với việc cắt giảm thuế cho người tiêu dùng. Các chi phí liên quan đến năng lượng cũng giảm theo. Vì thế, EIU quyết định nâng mức dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2015 của một số nền kinh tế "ngốn" nhiều dầu như Mỹ, Trung Quốc...
Theo: TTXVN/Tin tức