DxTalks mùa 2-Tập 1: Đồng bộ mục tiêu phát triển bền vững với chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong tập này, nhiều vấn đề về tích hợp các yếu tố phát triển bền vững vào xây dựng lộ trình chuyển đổi số của doanh nghiệp đã được các chuyên gia phân tích và nhận định sâu sắc, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu.
Các diễn giả tham gia DxTalks mùa 2, tập 1
Các diễn giả tham gia DxTalks mùa 2, tập 1

Năm 2023, FPT Digital tiếp tục thực hiện Chuỗi DxTalks về những góc nhìn chuyên sâu hơn trong chuyển đổi số doanh nghiệp, đặc biệt tập trung vào ngành sản xuất - một trong những ngành chủ lực trong kinh tế Việt Nam.

Doanh nghiệp đẩy mạnh mô hình phát triển bền vững trên toàn bộ chuỗi cung ứng

Tại DxTalks, ông Mitsuhiro Henry Umebayashi - Giám đốc hợp danh của công ty tư vấn Arthur D. Little (AdL) nhấn mạnh phát triển bền vững là một cấu phần quan trọng trong phát triển doanh nghiệp. Châu Âu và Mỹ thúc đẩy tính bền vững không chỉ để đạt được sự phát triển bền vững mà còn để duy trì lợi thế cạnh tranh của các công ty. Những quy tắc này hiện trở thành tiêu chuẩn và bắt buộc đối với bất kỳ công ty và ngành nào giao dịch với phương Tây, khiến tính bền vững trở thành một thành phần quan trọng trong phát triển kinh doanh.

DxTalks với sự tham gia của các diễn giả: ông Mitsuhiro Henry Umebayashi - Giám đốc hợp danh của công ty tư vấn Arthur D. Little (AdL); ông Nguyễn Lê Thăng Long - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings; ông Phạm Hồ Chung - Giám đốc tư vấn Chuyển đổi số, FPT Digital và host là bà Vũ Đài Trang, Giám đốc Tư vấn chuyển đổi số FPT Digital.

Những định hướng và hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp được đo lường thông qua nhiều bộ chỉ số như ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị); Nachhaltigkeitsindex (DAX 50 ESG); DJSI (Dow Jones Nachhaltigkeitsindex); bộ chỉ số FTSE4Good; và nhiều bộ chỉ số khác. Mỗi bộ chỉ số này sẽ đánh giá và đo lường các yếu tố khác nhau như tác động đến môi trường, quản lý dòng tiền, đạo đức kinh doanh và chính sách xã hội, việc giảm thiểu rủi ro và nhiều yếu tố khác.

Phổ biến nhất là bộ chỉ số ESG (Environment – môi trường, Social – xã hội và Governance – quản trị doanh nghiệp). Những chỉ số này được tạo ra nhằm hướng các tổ chức và doanh nghiệp vượt ra ngoài phạm vi mục tiêu lợi nhuận, tham gia vào chương trình rộng lớn hơn về khí hậu, xã hội và quản trị.

Chuyển đổi số bền vững sẽ đem lại cho doanh nghiệp cơ hội phát triển, gia tăng sức chống chọi trong bối cảnh nhiều biến động khó lường hiện nay. Trước đó, trong thời kỳ đại dịch Covid-19, những doanh nghiệp có chiến lược ESG và sử dụng chuyển đổi số để đạt mục tiêu ESG đều có sự chống chọi tốt, và khi đại dịch đi qua, các doanh nghiệp này đều phát huy cơ hội và trở lại mạnh mẽ hơn.

Video DxTalks mùa 2, tập 1

Tích hợp các yếu tố phát triển bền vững vào xây dựng lộ trình chuyển đổi số của doanh nghiệp

Ông Phạm Hồ Chung, chuyên gia tư vấn chuyển đổi số FPT Digital cho rằng khi xây dựng lộ trình CĐS, doanh nghiệp cần tích hợp và sử dụng các sáng kiến số như một đòn bẩy để thực thi các mục tiêu về ESG theo chiến lược phát triển bền vững.

Tuy nhiên, có nhiều thách thức với doanh nghiệp Việt Nam khi thực hiện đồng thời chương trình chuyển đổi số cùng việc nhanh chóng đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Theo ông Phạm Hồ Chung, đầu tiên, phải nhìn nhận doanh nghiệp chưa nhận thấy hết tầm quan trọng, cũng như sự cấp thiết của việc triển khai chuyển đổi số cần gắn liền với những mục tiêu ESG.

Ngoài ra, vấn đề tiếp cận thông tin về cơ chế, chính sách hay thông tin về các quy định tại thị trường nước ngoài liên quan đến giảm phát thải và phát triển bền vững của còn hạn chế, khiến doanh nghiệp không bắt kịp được sự thay đổi nhanh chóng diễn ra hàng ngày ở cả trong và ngoài nước. Do đó, họ chưa có sự chuẩn bị tốt cho việc chèo lái chiến lược ESG đúng hướng và phù hợp với thực tiễn.

Khó khăn tiếp theo nằm ở vấn đề tài chính. Bởi vì, khi thực hiện một quá trình chuyển đổi lâu dài cả về mặt số lẫn bền vững, tài chính sẽ là một yếu tố mang tính quyết định tới sự thành công của chương trình.

Theo ông Chung, để xây dựng chiến lược chuyển đổi số tích hợp được yếu tố ESG thì trước hết các doanh nghiệp cần đánh giá mức độ trưởng thành số của họ đang ở đâu. Dựa vào kết quả, sẽ xác định được những cái định hướng nào mà doanh nghiệp nên tập trung trong ngắn, trung hạn và dài hạn. Đó là những lĩnh vực hoạt động cốt lõi, thiết thực nhất với tất cả những bên liên quan hệ sinh thái của doanh nghiệp.

Sau đó thì sẽ tập trung xem mục tiêu ESG nào mà doanh nghiệp cần đạt được. Cụ thể là những mục tiêu liên quan tới môi trường và xã hội, làm thế nào để những luồng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trở nên thân thiện với môi trường hơn, làm thế nào để những trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đóng góp cho cộng đồng xung quanh trở nên cực kì thiết thực hơn.

Doanh nghiệp cần đánh giá mức độ trưởng thành số của họ đang ở đâu. Dựa vào kết quả, sẽ xác định được những cái định hướng nào mà doanh nghiệp nên tập trung trong ngắn, trung hạn và dài hạn

Doanh nghiệp cần đánh giá mức độ trưởng thành số của họ đang ở đâu. Dựa vào kết quả, sẽ xác định được những cái định hướng nào mà doanh nghiệp nên tập trung trong ngắn, trung hạn và dài hạn

Việc sắp xếp thứ tự mục tiêu ưu tiên cũng rất quan trọng, nên các doanh nghiệp thì cũng phải cần có lộ trình để triển khai các sáng kiến số một cách hiệu quả. Nhiều khi những sáng kiến không có tính tập trung cao độ, không đánh giá được hiệu quả đầu tư lâu dài, cũng như không đánh giá được tác động liên quan đến mặt quản trị môi trường giữa xã hội thì sẽ khiến cho doanh nghiệp lúng túng, cũng như không thể nào thực thi một cách toàn diện.

Khi tư vấn cho doanh nghiệp, FPT Digital thường thiết kế những mục tiêu mang tính chiến lược nhưng phù hợp với thực trạng, bao gồm cả nguồn nhân lực cũng như nguồn lực khác như tài chính, sự hỗ trợ từ các bên liên quan,...

Câu chuyện phát triển bền vững từ An Phát

An Phát Holdings là một trong những tập đoàn sản xuất nhựa và bao bì công nghệ cao hàng đầu tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, với vốn hoá thị trường khoảng hơn 3000 tỉ đồng. Công ty cũng đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm bao bì có nguyên liệu sinh học có thể phân hủy hoàn toàn và an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng. Mục tiêu của An Phát tới năm 2024 là bao bì sinh học sẽ chiếm 50% cơ cấu sản phẩm cho thị trường nội địa.

Ông Nguyễn Lê Thăng Long - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings, kể lại câu chuyện ấn tượng từ An Phát. Là lãnh đạo một doanh nghiệp đã hoạt động trong ngành nhựa, ông Long cho biết đây là ngành rất nhạy cảm trong câu chuyện về phát triển bền vững. Từ 10 năm nay, An Phát đã bắt đầu chuyển đổi sang những sản phẩm nhựa xanh, với mô hình kinh doanh thay đổi theo hướng bền vững, tái chế. Các công ty trong ngành nhựa ứng dụng công nghệ số hóa sẽ để giải quyết được bài toán phát triển bền vững ở góc nhìn vĩ mô. Theo chỉ số ESG, thì G - số hóa khâu quản trị là phần cần nhất. Trong 5 năm vừa rồi, bản thân An Phát đã chuyển đổi số được một phần như giảm dùng giấy mà chuyển dần sang sử dụng e-Office, nhà máy tự động hóa nhiều hơn. “Chúng tôi thấy giá trị của chuyển đổi số đưa vào các giải pháp quản trị là rất thiết thực”, ông Long cho biết.

Trong DxTalks, các chuyên gia còn trao đổi nhiều phân tích chuyên sâu về các cơ hội mà các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp sản xuất nói riêng có thể nắm bắt và tận dụng để bắt kịp xu thế và tạo sự bứt phá hướng tới chuyển đổi số và phát triển bền vững toàn diện.

FPT Digital là công ty thành viên thuộc tập đoàn FPT, chuyên tư vấn chuyển đổi số cho các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam. FPT Digital đã đồng hành cùng doanh nghiệp từng bước xây dựng nguồn lực, gắn liền quá trình chuyển đổi số với định hướng phát triển doanh nghiệp, hướng tới sự tối ưu và cải tiến, tạo ra những giá trị mới. Bên cạnh khối doanh nghiệp, FPT Digital còn giúp các tỉnh thành trong công cuộc chuyển đổi số và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội.

Nhằm giúp các tổ chức, doanh nghiệp tìm hiểu thêm về chuyển đổi số tại Việt Nam và thị trường quốc tế, FPT Digital thực hiện chuỗi DxTalks với sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu về chuyển đổi số cùng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trong và ngoài nước. Năm 2022 gồm 10 số DxTalks mùa thứ nhất về tổng quan nền tảng chuyển đổi số được phát hành tại đây. Nối tiếp là mùa thứ 2, năm 2023, DxTalks sẽ mang lại những góc nhìn và phân tích chuyên sâu hơn trong hành trình chuyển đổi số.