Lệnh cấm vận mà Nga tung ra nhằm trả đũa các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã khiến cho những người nông dân ở Châu Âu mất đi một khoản tiền khổng lồ lên tới 5,5 tỉ USD. Đây là con số vừa được một quan chức công đoàn cấp cao của Liên minh Châu Âu (EU) đưa ra hồi cuối tuần vừa rồi.
“Nạn nhân của lệnh cấm vận từ Nga là những người nông dân và các hợp tác xã. Đòn trả đũa của Nga đã làm giảm một nửa xuất khẩu thực phẩm của EU. Điều này đồng nghĩa với việc những người nông dân của EU mất 5,5 tỉ euro”, ông Albert Jan Maat – Chủ tịch Hiệp hội những người nông dân Châu Âu Copa Cogega ở Brussels cho biết. Hiệp hội này có 60 thành viên là các tổ chức nông nghiệp đến từ khắp các nước thành viên EU.
Ông Maat hoan nghênh “một bước tiến” của Ủy ban Liên minh Châu Âu trong việc áp dụng các biện pháp mới nhằm hỗ trợ cho những người trồng rau và hoa quả của EU cũng như những người sản xuất ra các sản phẩm từ sửa. Tuy nhiên, ông Maat thừa nhận, các biện pháp đó “chẳng thấm vào đâu và chẳng đủ để bù đắp những thiệt hại to lớn mà người nông dân đang phải gánh chịu.
Thay mặt hiệp hội Copa Cogeca, đại diện cho 28 triệu người nông dân của EU, ông Albert Jan Maat lên tiếng kêu gọi Liên minh Châu Âu hãy tăng cường đàm phán với Moscow nhằm thuyết phục Moscow dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu thịt lợn mà Nga áp dụng với EU từ đầu năm 2014.
Hồi tháng 6 mới đây, trong một đòn trả đũa “gấp đôi” những gì EU tung ra, chính quyền Tổng thống Vladimir Putin đã quyết định kéo dài thời hạn áp dụng lệnh cấm nhập khẩu lương thực, thực phẩm và nông sản từ các nước thuộc Liên minh Châu Âu cùng với Mỹ, Canada và Na-uy. Danh sách các sản phẩm bị cấm đưa vào Nga bắt dầu từ hồi tháng 8 năm ngoái bao gồm thịt, thịt gia cầm, cá, hải sản, các sản phẩm từ sửa, rau và quả.
EU mới đây đã phải một lần nữa chi ra một khoản nhiều triệu euro từ tiền đóng thuế của người dân để giúp đỡ cho những người nông dân nhằm bù đắp vào những tổn thất nặng nề mà họ phải hứng chịu từ cuộc chiến trừng phạt với Nga. Trong giai đoạn từ tháng 9 năm 2014 đến tháng 6 năm 2015, EU phải bỏ ra hơn 155 triệu euro để bồi thường cho những người nông dân. Tuy nhiên, con số này quả là quá bé nhỏ so với thiệt hại 5,5 tỉ euro mà những người nông dân Châu Âu phải hứng chịu.
EU cam kết những người nông dân bị ảnh hưởng từ lệnh cấm vận của Nga sẽ tiếp tục được nhận sự trợ giúp từ liên minh này. EU sẽ bỏ ra thêm tiền cứu trợ.
Nga quyết liệt trả đũa
Trong một động thái thể hiện sự quyết liệt trong việc thực hiện đòn trả đũa đau đớn nhằm vào EU, chính quyền của Tổng thống Putin đã phát động chiến dịch truy tìm và tiêu hủy không nương tay những sản phẩm nông sản, thực phẩm được nhập bất hợp pháp vào Nga từ những nước đang phải áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow. Chiến dịch này sẽ được tiếp tục tiến hành trên khắp lãnh thổ liên bang Nga chứ không chỉ dừng lại ở khu vực biên giới.
Tờ Kommersant của Nga hôm qua (3/8) đưa tin, các cơ quan chức năng nước này đang tiến hành thanh tra, kiểm tra sự hiện diện của những mặt hàng nhập khẩu bất hợp pháp từ những nước đang trừng phạt Nga hoặc công dân Nga. Không chỉ Cơ quan Hải quan Liên bang Nga mà giới chức đến từ cơ quan giám sát nông nghiệp Rosselkhoznadzor và cơ quan giám sát an toàn thực phẩm Rospotrebnadzor sẽ tham gia vào việc truy tìm những mặt hàng nhập khẩu bất hợp pháp, một chuyên gia pháp luật của Horizon Capital đã cho biết như vậy.
"Điều đó có nghĩa là nếu các quan chức Nga phát hiện những sản phẩm nông sản và thực phẩm trái phép trong cuộc kiểm tra thì những mặt hàng đó sẽ bị tiêu hủy ngay lập tức theo những quy định chung”, ông Vasily Itskov tuyên bố.
Trước đó, hôm 29/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh yêu cầu giới chức nước này phải tiêu hủy ngay lập tức và ngay tại hiện trường những mặt hàng nông sản, thực phẩm được nhập khẩu trái phép vào Nga qua đường biên giới.
Hành động quyết liệt trên của Moscow được cho sẽ khiến EU thêm lao đao. Người Mỹ đã gây áp lực rất lớn lên Liên minh Châu Âu để buộc liên minh này phải áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga. Điều đáng chú ý là trong khi EU lao đao vì chính sách trừng phạt Nga thì Mỹ dường như “bình an vô sự”, nếu như không nói là được hưởng lợi từ tình hình này. Thực tế phũ phàng đó đang gây ra sự bất mãn, bực tức rất lớn trước sự “bất công” mà họ phải hứng chịu trong “cuộc chiến” chống lại Nga mà họ đang tham gia dưới sự dẫn dắt của Mỹ.
Ngày càng có nhiều nước Châu Âu thể hiện sự bất mãn, không hài lòng với chính sách trừngp hạt Nga. Chính sách này không đem lại kết quả mong muốn mà chỉ làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa Washington và Brussels.
Các biện pháp trừng phạt không gây ảnh hưởng lớn lên Nga như phương Tây chờ đợi. “Chính sách trừng phạt chẳng có lợi cho bất kỳ ai mà ngược lại hoàn toàn. Chúng đang làm trầm trọng thêm mâu thuẫn giữa Mỹ và EU”, nhà phân tích chính trị Gregory Copley đã nhận định như vậy.
Kiệt Linh theo VnMedia
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu