Đối phó với tấn công mạng bằng “Visa” Internet

Trong tương lai, các quốc gia có thể thực hiện chính sách yêu cầu “Visa” (thị thực) đối với người dùng Internet, coi đó là công cụ để giám sát người dùng quốc tế khi truy cập vào website mỗi nước, chủ động đối phó với các mối đe dọa an ninh, tấn công mạng.
Ông Trần Minh Tân, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam. Ảnh: Việt Hải.
Ông Trần Minh Tân, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam. Ảnh: Việt Hải.

Do bản chất công nghệ, Internet được biết đến là môi trường mở cho phép cộng đồng người dùng trên toàn thế giới sử dụng được tự do truy cập, tìm kiếm, sử dụng thông tin mà không có giới hạn về địa lý, lãnh thổ.

Trong đa số các trường hợp, thông tin về cá nhân của người dùng không cần xác thực.

Bên cạnh những mặt tích cực, thực tế cũng tồn tại mặt trái là tạo cơ hội cho những tổ chức, cá nhân với động cơ xấu có thể che dấu danh tính để cung cấp thông tin sai trái, độc hại; thậm chí xóa bỏ dấu vết để thực hiện hành vi tội phạm, lừa đảo, trong đó phổ biến nhất là những hành vi tội phạm xuyên quốc gia.

Việc phát hiện, ngăn chặn những hành vi sai trái trên môi trường Internet toàn cầu như vậy về phương diện kỹ thuật rất khó khăn, đòi hỏi sự phối hợp tích cực của các quốc gia, nhưng trong nhiều trường hợp là không thể do sự khác biệt về môi trường pháp lý giữa các quốc gia.

Liên quan đến vấn đề này, theo thông tin ông Trần Minh Tân, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam chia sẻ tại Internet Day 2016, khi mỗi người có nhiều hơn 1 tài khoản trên mạng, dẫn tới thực trạng dân số thế giới ảo vượt dân số thực trên thế giới, thì mạng Internet sẽ dần tước khỏi tay mỗi công dân khả năng kiểm soát thông tin.

Nhiều người dùng cho rằng việc kiểm soát thông tin là trong tầm tay, nhưng thực ra lại không phải như vậy. Mạng Internet là không biên giới, người dùng có thể truy cập vào bất cứ địa chỉ nào, dùng Google, Facebook, truy cập các website và không biết mình đang ở đâu trên mạng…

Thậm chí, khái niệm xóa dữ liệu trên mạng cũng chỉ là tạm thời, vô nghĩa do nội dung sau khi đưa lên có thể đã nhanh chóng lan truyền, dẫn tới thực tế thông tin có thể bị lộ, bị khai thác để sử dụng vào các mục đích khác nhau.

Trước thực tế trên, khi xảy ra các cuộc xung đột trên mạng Internet, các quốc gia cần phải có biện pháp để ngăn chặn, đảm bảo quyền lợi quốc gia trên Internet.

Theo ông Trần Minh Tân, trong tương lai các quốc gia có thể sẽ xuất hiện hình thức tương tự như cấp “Visa” trên mạng Internet, thực hiện bằng công cụ điện tử để kiểm soát sự ra vào của người sử dụng.

Khi đó, người sử dụng Internet sẽ phải chấp hành việc đăng ký, đồng ý với những điều khoản nhất định trước khi truy cập vào địa chỉ Internet của một quốc gia. “Một số nước có thể sẽ thực hiện chính sách yêu cầu Visa và coi đó như công cụ giám sát khách sử dụng quốc tế và là một cách tạo nguồn thu. Đây được xem là chính sách đối phó với các mối đe dọa an ninh, tấn công mạng. Đồng thời, địa chỉ IP phân mảnh theo dải địa chỉ mỗi nước sẽ được giám sát chặt chẽ nếu thuộc danh sách “đen” (black list)”, ông Tân cho hay.

Theo ICTNews