Cụ thể, doanh số bán lẻ mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng đến 13%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 11,4%; may mặc tăng 10,6%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 1,7%,... so với năm ngoái.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường bán lẻ của Việt Nam đang tiếp tục tăng trưởng tốt. Doanh thu trong năm 2016 cao so với nhiều thị trường khác trong khu vực.
Kết quả này phù hợp với thực tế khi năm qua thị trường bán lẻ Việt Nam chứng kiến sự đổ bộ dồn dập của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài cả về sự mở rộng mạng lưới, đa dạng mô hình kinh doanh cũng như thâu tóm hệ thống kinh doanh của các nhà bán lẻ nội.
Đơn cử như Tập đoàn bán lẻ Central Group đã mua chuỗi bán lẻ siêu thị Big C Việt Nam của Casino (Pháp), hay Tập đoàn TCC (Thái Lan) mua lại chuỗi Cash & Carry ở Việt Nam của tập đoàn Metro,...
Bên cạnh đó, các tập đoàn bán lẻ nước ngoài khác như Aeon, Auchan, Lotte,… cũng đang tiếp tục đẩy mạnh mở rộng hệ thống nhằm gia tăng thị phần.
Ở chiều hướng ngược lại, dù thị trường cũng chứng kiến sự phát triển mạng lưới kinh doanh và đa dạng mô hình bán lẻ của các doanh nghiệp nội địa như Saigon Co.op, VinGroup, Satra,... nhưng nhiều thương hiệu quen thuộc đang dần biến mất như Maximark, Citimart, Fivimart, ...
Theo giới phân tích doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài có lợi thế về kinh nghiệm, tài chính và khả năng chịu đựng thua lỗ lâu dài,... nên đang có lợi thế lớn so với các doanh nghiệp trong nước trong cuộc cạnh tranh này.
Tuy nhiên, hiện thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng khi thị phần bán lẻ mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ và phần lớn các siêu thị và trung tâm thương mại chỉ tập trung tại các thành phố lớn.