Từ thiện phát triển là sự gặp nhau giữa sứ mệnh của doanh nghiệp và nhu cầu của cộng đồng
Trong một cuộc hội thảo mới đây về xu hướng phát triển doanh nghiệp do Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Quốc tế (SCI) phối hợp tổ chức, đã có rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trong và ngoài nước đề cập đến ý nghĩa của Từ thiện Phát triển (Philanthropy) đối với doanh nghiệp.
Theo bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD: “Nói tới doanh nghiệp, chúng ta thường nghĩ và nói ngay tới lợi nhuận, tăng trưởng, chứng khoán, và bây giờ là công nghệ 4.0, hiếm khi truyền thông và các diễn đàn nói tới Từ thiện phát triển. Ở một khía cạnh nào đó, việc này khiến mọi người nghĩ rằng, Từ thiện phát triển có lẽ chỉ là việc phụ, việc làm thêm của doanh nghiệp, đặc biệt là dành cho các doanh nghiệp lớn, dư dả chứ không mật thiết đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, từ thiện phát triển, cùng với xu hướng phát triển của xã hội, gắn bó mật thiết với doanh nghiệp. Thay vì nghĩ rằng “Khi nào doanh nghiệp lớn thì mới tham gia từ thiện phát triển”, hãy nghĩ ngược lại “Hãy đặt từ thiện phát triển, chia sẻ giá trị vào trung tâm chiến lược của doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, năng lực cạnh tranh, văn hóa và phát triển lớn mạnh”.
Đồng tình với ý kiến của bà Nguyễn Phương Linh, bà Ruth Shapiro, Giám đốc Trung tâm Xã hội và Từ thiện phát triển Châu Á (CASP) nói rằng theo khảo sát các doanh nghiệp tại châu Á, cùng với Hồng Kông, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Thái Lan… thì Việt Nam là một trong những quốc gia đang thực hiện tốt từ thiện phát triển.
Bà Ruth cũng đã đưa ra một số ví dụ về các chiến lược trách nhiệm xã hội điển hình của các doanh nghiệp ở các quốc gia Châu Á. Các ví dụ cho thấy sự đa dạng về lĩnh vực tiếp cận và nhóm đối tượng hưởng lợi, từ các mô hình từ thiện phát triển liên quan đến giáo dục, công nghệ, đến các mô hình đảm bảo nguồn nước sạch, cung cấp điện cho người dân.
Trên thực tế, Xu hướng Từ thiện phát triển yêu cầu doanh nghiệp không chỉ “cho" mà còn là “đầu tư, phát triển" và “chia sẻ giá trị".
Để minh chứng cho việc doanh nghiệp không chỉ “cho” mà còn “đầu tư, chia sẻ giá trị”, bà Lê Hồng Nhi, đại diện Microsoft Việt Nam cho biết: “Tôi không bao giờ nói về những sản phẩm của Microsoft có những tính năng vượt trội gì mà thay vào đó tôi luôn hỏi xem đối tác/ đối tượng của tôi có nhu cầu và mong muốn như thế nào để cùng tìm giải pháp. Chúng tôi không làm từ thiện nhân đạo, chúng tôi làm từ thiện phát triển và đầu tư vào con người”. Bà Nhi cũng nhấn mạnh rằng các hoạt động từ thiện phát triển của Microsoft tập trung vào con người và lồng ghép vào sứ mệnh của doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa là, từ thiện phát triển hướng đến nhu cầu của cộng đồng và đảm bảo các nhu cầu đó được thực hiện thông qua các chương trình, giải pháp do doanh nghiệp cung cấp.
Các đại biểu tham dự một hội thảo về xu hướng phát triển doanh nghiệp do MSD và SCI phối hợp tổ chức
|
Thông thường, các tổ chức xã hội sẽ là nơi phối hợp với các doanh nghiệp để thực hiện các chương trình từ thiện cộng đồng. Tuy nhiên, sự phối hợp này vẫn chưa hiệu quả, phần lớn do các doanh nghiệp muốn tự mình thực hiện mà không cần qua các tổ chức xã hội. Khảo sát về mô hình “Doanh nghiệp thân thiện với trẻ em” do MSD thực hiện năm 2018 cũng chỉ ra rằng gần 40% doanh nghiệp chưa phối hợp với tổ chức xã hội, vì 47% không biết các tổ chức xã hội có thực sự làm tốt hay không.
Doanh nghiệp thân thiện với trẻ em – một điển hình của hoạt động từ thiện phát triển
Theo một nghiên cứu do MSD phối hợp với SCI thực hiện năm 2018, có tới 91% doanh nghiệp tham gia khảo sát từng thực hiện các chương trình liên quan đến trẻ em. Thực tế thì mọi doanh nghiệp đều liên quan đến trẻ em trực tiếp hoặc gián tiếp. Trẻ em dù không phải khách hàng chính của doanh nghiệp vẫn bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi doanh nghiệp thông qua các sản phẩm, hoạt động marketing, dịch vụ, hoạt động của nhà máy, khu vực làm việc doanh nghiệp hay các chương trình cụ thể.
Ông Malcolm Andersons, Giám đốc tài chính, Công ty đóng tàu Damen Sông Cấm cho biết: “Khách hàng của Damen không phải là trẻ em, nhưng trẻ em sinh sống trong các khu vực nhà máy mà Damen làm việc và là con em của công nhân viên của Damen, do đó, Damen quan tâm tới trẻ em, xây dựng các chương trình an toàn cho trẻ em cũng là các chương trình giúp cho môi trường kinh doanh của doanh nghiệp tốt lên, tạo an tâm cho công nhân viên khi gia đình họ được bảo vệ an toàn”.
Bà Nguyễn Thị Hải Vân, Phó chủ tịch Công đoàn Công ty TTNHH Phần mềm FPT cho rằng đầu tư vào trẻ em chính là đầu tư vào hiện tại và cả tương lai của doanh nghiệp, của môi trường doanh nghiệp hoạt động. Do đó, mô hình doanh nghiệp thân thiện với trẻ em là ý tưởng mà FPT rất quan tâm. FPT chào đón tất cả các ý tưởng và sự tham gia kết nối của cả các doanh nghiệp khác và các tổ chức xã hội để thực hiện từ thiện phát triển, đặc biệt là các hoạt động về trẻ em.
Tuy nhiên, dù các doanh nghiệp đều muốn thực hiện những điều tốt đẹp cho trẻ em, nhưng đa phần còn thiếu ý tưởng, loay hoay trong việc thực hiện và lồng ghép các chương trình đảm bảo quyền trẻ em trong doanh nghiệp. Các chương trình chủ yếu dừng lại ở các hoạt động từ thiện nhân đạo, phong trào hay ngẫu hứng chứ chưa đi sâu vào việc khắc phục các nguyên nhân cốt lõi hoặc các nhu cầu của trẻ em. Theo MSD, chưa tới 50% các doanh nghiệp vận dụng các nguyên tắc kinh doanh gắn với quyền trẻ em của Unicef.
Qua thực tế hoạt động kinh doanh và từ thiện tại nhiều doanh nghiệp, chúng ta có thể thấy Từ thiện phát triển nên là trọng tâm chiến lược của bất kỳ doanh nghiệp nào, từ doanh nghiệp quy mô nhỏ đến doanh nghiệp lớn. Doanh nghiệp và Tổ chức phi chính phủ có thể là các đối tác chia sẻ giá trị rất hiệu quả, có thể hợp tác trong rất nhiều lĩnh vực từ các công đoạn thực hiện các chương trình dự án xã hội, tới kết nối nguồn lực, truyền tải và lan tỏa các thông điệp, cung cấp giải pháp, xây dựng hệ sinh thái cho từ thiện phát triển.