Sở hữu những bước tăng trưởng vượt bậc trong giai đoạn 5 năm gần đây, tổng doanh thu ngành game thế giới được ước đoán sẽ cán mốc 99,6 tỉ USD (vượt 8,5% cùng kỳ năm ngoái). Con số này biến ngành công nghiệp trò chơi điện tử trở thành lĩnh vực giải trí “hái ra tiền” hàng đầu, cao gấp 2,5 lần lĩnh vực điện ảnh toàn cầu.
Đặc biệt, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (bao gồm Việt Nam, Trung Quốc…) đóng góp gần 50% tổng doanh thu.
Game là ngành kinh doanh đầy hấp dẫn
Sự phát triển vững mạnh này đã và đang tạo dựng nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp ngành game thế giới và Việt Nam, đồng thời kiến tạo nhiều việc làm, làn sóng khởi nghiệp đối với các ngành nghề như truyền thông, công nghệ thông tin…
Tuy nhiên, khác với các lĩnh vực giải trí như phim ảnh, âm nhạc, sách truyện… game song hành cùng khá nhiều vấn đề xã hội, tác động lớn đến đời sống văn hóa của giới trẻ Việt. Điều này đòi hỏi các ban ngành, cơ quan chức năng có thẩm quyền phải vào cuộc và thiết lập các cơ chế quản lý, kiểm soát chặt chẽ đối với ngành công nghiệp đầy hấp dẫn nhưng cũng rất phức tạp này.
Việc quản lý game online luôn luôn phức tạp, nhiều góc khuất
Trên thực tế, trong suốt 10 năm qua các đơn vị, ban ngành đã áp dụng nhiều quy định và ràng buộc pháp lý, phần nào đưa ngành game vào một cơ chế quản lý có quy củ.
Tuy nhiên, với sự bùng nổ của game mobile cùng tốc độ thay đổi chóng mặt của thị trường, các quy định này đã phần nào trở nên tụt hậu, làm hạn chế hoạt động của các doanh nghiệp trong nước. Thậm chí, còn tạo cơ hội cho các đơn vị phát hành không phép, các đơn vị ngoài nước núp bóng doanh nghiệp Việt… thỏa sức chiếm lĩnh thị trường game Việt.
Chật vật thích nghi với giấy phép
Hồi đầu tháng 4, trong một cuộc họp với các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp game online, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin Truyền thông) đã có những công bố quan trọng về việc phê duyệt nội dung, kịch bản cho game online tại Việt Nam.
Theo đó, các đơn vị phát hành game online ngoài việc phải sở hữu giấy phép G1, cần phải có thêm chứng nhận phê duyệt nội dung, kịch bản cho từng sản phẩm trước khi thương mại hóa chính thức. Mục đích của việc kiểm duyệt này là để hạn chế các sản phẩm bạo lực, đẫm máu, xuyên tạc lịch sử…
Chinh Đồ Mobile là một trong những game được phê duyệt kịch bản đầu tiên
Tuy nhiên, đáng chú ý là sau quãng thời gian siết chặt quản lý cấp phép, các quy tắc xét duyệt bỗng trở nên mông lung và không tuân theo nguyên tắc cụ thể nào.
Đối với dòng game kiếm hiệp và tiên hiệp tại Việt Nam, hầu hết các sản phẩm này đều có xuất xứ từ Trung Quốc, sở hữu kết cấu tương đồng rất lớn. Tuy nhiên, việc cấp phép, phê duyệt cho các sản phẩm này lại không đồng đều.
Chẳng hạn như sản phẩm C.Đ.M, đây là phiên bản game nối tiếp của thương hiệu từng “dính chàm” trong quá khứ tại làng game Việt, nhưng lại nhanh chóng được cấp phép và đi vào hoạt động. Trong khi đó, rất nhiều những sản phẩm tương đồng, có hình ảnh và xu hướng cốt truyện tương tự lại vấp phải nhiều rào cản xét duyệt.
Tiêu biểu nhất trong số này là các game của TTV (Trí Tuệ Việt), hàng loạt sản phẩm của hãng này phải trải qua quá trình xét duyệt kéo dài, liên tục bị đình trệ. Hậu quả là rất nhiều các game của TTV đã đóng cửa “non” vì vấn đề giấy phép. Đáng chú ý, TTV chỉ là một trong khá nhiều trường hợp đóng cửa game diễn ra liên tục trong giai đoạn quý 1, quý 2 vừa qua, mà hầu hết lý do đều đến từ vấn đề giấy phép hoạt động.
Nhiều game online Việt phải đóng cửa vì vấn đề giấy phép trong giai đoạn đầu năm 2016
Đặc biệt, game bắn súng và game có yếu tố quân bài (đánh bạc) là khía cạnh nhạy cảm nhất của quy định xét duyệt kịch bản. Theo đó, ở thời điểm hiện tại Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử sẽ ngừng cấp phép cho hai dòng game này.
Tuy nhiên, rất dễ dàng nhận ra hàng loạt các sản phẩm của phân khúc game đánh bài vẫn đang vận hành công khai, nhờ vào giấy phép được cấp trước thời điểm “cấm vận”, tạo ra những sự cạnh tranh không công bằng ở thời điểm hiện tại.
Ở chiều ngược lại, game bắn súng online tại Việt Nam đang trải qua quãng thời gian “khó sống” nhất từ trước tới nay, mặc cho thực tế rằng đây là thể loại game không thể tách rời của bất kỳ thị trường nào trên thế giới. Đặc biệt, thay vì quản lý về độ tuổi game thủ và tận dụng chức năng lọc bớt yếu tố bạo lực tích hợp trong trò chơi, các ban ngành có thẩm quyền lại chọn cách “cấm cửa” dòng game này.
Game lậu và doanh nghiệp không giấy phép hoành hành
Trong bối cảnh các hãng phát hành game Việt đang gồng mình thích nghi với những quy định, luật lệ mới, “bóng ma” game lậu một lần nữa lại xuất hiện và len lỏi khắp các ngõ ngách ngành game. Đáng chú ý, rất nhiều những hãng phát hành “chui” này không có giấy phép, và có sự ăn chia, gắn kết chặt chẽ với các hãng game Trung Quốc.
Làng game Việt đã từng xáo động vì sự ngang nhiên của Koram Game ở một số sản phẩm “mập mờ”, các phiên bản MU không rõ xuất xứ… nhưng đó chỉ là bề mặt tảng băng nổi của một “thế giới ngầm” đáng báo động.
Hàng trăm game đánh bài đang tràn ngập thị trường Việt, đâu là những sản phẩm có phép?
Sự phát triển của game mobile và kho ứng dụng mở phong phú đang dần phá vỡ mọi ranh giới cố hữu của thị trường game, tạo nên sân chơi khổng lồ cho các hãng phát hành game không phép. Kết quả, chỉ cần search từ khóa "game đánh bài", người dùng có thể dễ dàng bắt gặp hàng trăm trò chơi mô phỏng sòng bài casino.
Nếu phải "chỉ mặt đặt tên", chắc chắn số trò chơi đã sở hữu giấy phép G1 hoặc được cấp duyệt nội dung kịch bản trong số này sẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay, phần lớn còn lại sẽ ở trạng thái "không giấy phép" hoặc đang chờ giấy phép. Điều này dẫn tới một hệ quả là không phải trò chơi mang yếu tố đánh bài nào cũng đóng góp đầy đủ về thuế cho nhà nước - điều mà các hãng game chính thống tại Việt Nam vẫn đang làm...
Cũng với cách “sống nhờ” vào hệ sinh thái di động, đầy rẫy những game không phép đang thương mại hóa và nhắm thẳng vào thị trường game online Việt, lách mình khỏi tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng.
Như vậy, trong khi các hãng game trong nước đang chật vật xin giấy phép và kinh doanh trong những điều kiện ràng buộc khắt khe, thì các hãng game “ma”, hãng không phép… đang âm thầm gặt hái lợi nhuận “khủng”, nấp sau tấm khiên mang tên Google, Apple.
Các nhà phát hành Việt đang cần sự hỗ trợ
Có một thực tế đang diễn ra khá rõ ràng tại thị trường game Việt, là mức độ cạnh tranh của các hãng game Việt và quốc tế đang khốc liệt hơn bao giờ hết, nhờ vào sự lên ngôi của phân khúc game mobile. Rất nhiều sản phẩm game quốc tế đã và đang áp dụng ngôn ngữ Việt, đồng thời hỗ trợ hình thức thanh toán ngày càng đa dạng, dễ dàng.
Tất nhiên, sự cạnh tranh này chỉ mang lại lợi ích cho game thủ nước nhà, vì các hãng phát hành Việt buộc phải thay đổi mình, mang lại nhiều sản phẩm có chất lượng cao để có thể cạnh tranh sòng phẳng. Chưa kể, xu hướng này đang mang lại cơ hội cho các studio thuần Việt có quy mô vừa và nhỏ.
Dĩ nhiên, để có thể bước lên vũ đài và “so găng” một cách công bằng, các nhà làm game/phát hành game Việt cần nhận được sự hỗ trợ, hậu thuẫn của các ban ngành, cơ quan chức năng.
Trong đó, sự gọn gẽ, công tâm về giấy phép phát hành game là yếu tốt mang tính mấu chốt. Bên cạnh đó, cần một sự quản lý chặt chẽ, khoa học và triệt để hơn đối với những doanh nghiệp phát hành game không phép.
Theo Thanh niên
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu