Điều gì khiến Tesla khác biệt so với phần còn lại trong ngành công nghiệp ô tô?

VietTimes -- Gia nhập ngành công nghiệp ô tô chưa lâu nhưng Tesla đã tạo nên dấu ấn trên từng mẫu xe của mình. "Có tiếng mà không có miếng", Tesla vẫn chưa thể tạo lợi nhuận.
Nguồn: BI
Nguồn: BI

Nói khó hơn làm, Tesla có ưu điểm và khuyết điểm khác biệt so với phần còn lại của ngành công nghiệp ô tô. Bài phân tích dưới đây của Business Insider sẽ làm rõ vấn đề này.

Thống kê trong Q1/2018, Tesla thua lỗ 709 triệu USD. CEO Elon Musk khẳng định Tesla cần phải tạo ra lợi nhuận để tiếp tục giữ chỗ đứng trên thị trường.

Hoài nghi và lạc quan là hai quan điểm trái chiều nhưng luôn song hành với sự phát triển của Tesla. Những người ủng hộ Tesla tin tưởng doanh thu của công ty sản xuất xe điện 15 tuổi sẽ tăng gấp đôi dưới sự dẫn dắt của CEO Elon Musk.

Mặt khác, nhiều người dự đoán rằng Tesla sẽ phá sản trong năm tới, khi đốt hết tiền và không thuyết phục được các nhà đầu tư mới tài trợ cho những dự án thua lỗ của mình (tính từ khi thành lập CEO Elon Musk đã đầu tư vào Tesla 20,1 tỷ USD).

Về cơ bản, Tesla là một nhà sản xuất ô tô. Nhưng không giống như toàn bộ phần còn lại của ngành này, Tesla được đánh giá rất cao, như công ty công nghệ phát triển hàng đầu với đội ngũ kỹ sư, chuyên gia làm việc bởi đam mê truyền thông xã hội, công nghệ tài chính số và tiền điện tử...

Trong khi đó, sau khủng hoảng tài chính mà ngành công nghiệp ô tô truyền thống đã gặp phải trong năm 2010, bốn tên tuổi lớn bao gồm: General Motors (GM), Ford, Fiat Chrysler Automobiles (FCA) và Ferrari đã có dấu hiệu trở lại với báo cáo tài chính đẹp vài năm gần đây.

Nghiên cứu của Business Insider cho thấy cả GM và Tesla đã tổ chức đợt huy động vốn IPO vào năm 2010. Kể từ đó, Tesla chưa bao giờ công bố lợi nhuận hàng năm, thì GM đã kiếm được hơn 70 tỷ USD.

Xét về tổng thể, cổ phiếu của GM và Ford đã chững lại kể từ năm 2010. Các nhà đầu tư mạo hiểm vào Tesla đã được tưởng thưởng xứng đáng. Đối với Fiat Chrysler Automobiles, kể từ IPO năm 2014, cổ phiếu của công ty đã tăng mạnh, gần 275%. Theo sau FCA, Ferrai tổ chức đợt IPO năm 2015, tới nay cổ phiếu của thương hiệu siêu xe ý đã tăng trưởng 140%.

Tuy nhiên, Business Insider cho rằng việc đầu tư vào các công ty sản xuất ô tô truyền thống ít rủi ro hơn so với Tesla. Ngay cả khi mua cổ phiếu của GM và Ford cũng được đánh giá là an toàn hơn bởi cả hai công ty đã đền bù cho nhà đầu tư cổ tức lớn và mua lại cổ phiếu nếu rớt giá quá sâu.

CEO Elon Musk là một người nhìn xa trông rộng, ông đã định hướng để đưa Tesla trở thành một trong những công ty hàng đầu trên thế giới về công nghệ xe tự hành. Tuy nhiên, thách thức của Tesla không phải là tầm nhìn mà nằm ở yếu tố cơ bản hơn. Cụ thể, với mẫu Sedan hạng trung Tesla Model 3, bất kỳ nhà sản xuất nào cũng có thể đáp ứng cho hàng trăm ngàn đơn hàng thì Tesla chỉ có thể cung cấp số lượng rất hạn chế. Công ty dành ra 1 năm theo dõi sát sao các quy trình để có thể xuất xưởng vài nghìn chiếc mỗi tuần.

Vì vậy, chúng ta cần cùng xem xét kỹ hơn về những nét tương phản giữa Tesla và phần còn lại của ngành công nghiệp ô tô:

Tesla và GM

Điều gì khiến Tesla khác biệt so với phần còn lại trong ngành công nghiệp ô tô? ảnh 1 CEO của GM, Mary Barra. Nguồn: AutoEvolution

Năm 2017, GM bán được 10 triệu chiếc xe, trong khi Tesla chỉ xuất xưởng 100.000 chiếc.

Điều đầu tiên cần đề cập đến là nhà lãnh đạo. Giám đốc điều hành GM, Mary Barra là một trong những doanh nhân hàng đầu. Bà Barra tập trung tối đa hóa lợi nhuận của công ty trên vốn đầu tư theo từng quý. Được đánh giá là CEO tốt nhất mà GM từng có, bà Barra vượt qua ngay cả nhà quản lý thiên tài giữa thế kỷ 20 Alfred Sloan, người lèo lái GM từ những năm khó khăn trong Thế Chiến II.

Thứ 2 là quy mô. Để bán 10 triệu chiếc xe trên toàn cầu trong vòng 1 năm, công ty cần có quy mô cực lớn. Tesla hiện thực hóa tham vọng của mình tại một nhà máy duy nhất (trớ trêu thay, nhà máy sẽ sớm gia nhập liên doanh của GM và Toyta, trong một thương vụ toàn cầu) ở California với sản lượng 5.000 mẫu mỗi 3 tuần.

Thứ 3 là tốc độ. Mọi người đều nghĩ rằng là một trong những công ty công nghệ hàng đầu Silicon Valley, các mẫu xe của Tesla sẽ sớm đến tay khách hàng. Nhưng thực tế số lượng xe Tesla thực sự lăn bánh trong vài năm qua lại quá ít và Tesla Model 3 không phải là ngoại lệ. Dự án Model 3 được Tesla khởi động từ giữa năm 2017 và dự kiến tới cuối năm nay chỉ có vài nghìn chiếc được giao đến tay khách hàng.

Gần đây, GM đã tiết lộ về mẫu xe điện chạy đường dài Chevy Bolt đang trong quá trình hoàn thiện và sẽ ra mắt vào năm sau. Chevy Bolt thực tế đã được công bố tại Mỹ kể từ năm 2016 nhưng không được nhiều người quan tâm.

Tesla và Ford

Điều gì khiến Tesla khác biệt so với phần còn lại trong ngành công nghiệp ô tô? ảnh 2 CEO của Ford, Jim Hackett. Nguồn: Fortune

Ford vừa trải qua một cuộc thay máu từ tầng lớp thượng tầng trong năm 2017. Cựu CEO Mark Fields dẫn dắt Ford từ năm 2014 đã rút lui vì tình hình kinh doanh bết bát (cổ phiếu Ford giảm 40% trong thời gian ông Mark Fields tại vị). Thay thế cho ông là CEO mới Jim Hackett, nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa hơn.

Dưới thời CEO Jim Hackett, Ford dự kiến tới năm 2020 sẽ tinh giảm nhiều mẫu Sedan tại thị trường Mỹ (bao gồm Taurus, Fiesta, Fusion, C-Max và Focus) để tập trung nhiều hơn vào dòng xe điện. Business Insider nhận định Ford rõ ràng muốn bắt chước câu chuyện thần tiên của Tesla trên Phố Wall.

Nhưng không thể quên rằng Ford đang sở hữu mẫu xe bán chạy nhất tại Mỹ, mẫu bán tải Raptor F-150 với sản lượng đáng kinh ngạc và bán được gần 1 triệu chiếc mỗi năm. Mặc dù không được đánh giá cao như những mẫu xe sang của Tesla (Model S, Model X) nhưng Raptor F-150 đem về cho Ford khoản lợi nhuận khổng lồ.

Ford từng chứng kiến doanh số bán ra của F-150 sụt giảm nhưng xét trên mọi phương diện, đây là một sản phẩm bất tử. Ford luôn có thể tin tưởng vào F-150 như một chính sách bảo hiểm.

Ngược lại, Tesla có lẽ đang đứng đầu trong phân khúc xe điện cao cấp nhưng lại bỏ quên một thị trường Sedan tiềm năng, có thể tiêu thụ hàng trăm ngàn chiếc mỗi năm. Mối quan tâm duy nhất của công ty chỉ dừng lại ở thị trường xe điện (chiếm 1% thị trường toàn cầu) và chính Tesla cũng cho biết họ... không muốn sản xuất xe Sedan.

Có thể Tesla đã đúng về kết cục của dòng ô tô 4 cửa huyền thoại. Fiat Chrysler Automobiles đã từ bỏ tại Mỹ, Ford đang đi theo hướng đó. GM có thể thay đổi trong năm tới, còn Ferrari thì đơn giản là không quan tâm tới chúng.

Tesla hứa sẽ giới thiệu mẫu crossover SUV Model Y trong vài năm tới. Chúng ta sẽ phải chờ bởi hiện tại, dù có muốn Tesla cũng khó có thể đẩy nhanh tiến độ ra mắt. Công ty vẫn phải gắn bó với dây chuyền sản xuất Model 3 trong một thời gian nữa. Liệu Model 3 có trở thành Raptor F-150 của Tesla hay không thì chúng ta phải đợi thời gian trả lời.

Tesla và Fiat Chrysler Automobiles (FCA)

Điều gì khiến Tesla khác biệt so với phần còn lại trong ngành công nghiệp ô tô? ảnh 3 Mô tả ảnh

Giống như Tesla, Fiat Chrysler Automobiles cũng có một vị lãnh đạo tài năng, CEO Sergio Marchionne. Nhưng khác với ông Elon Musk, ông Marchionne vốn là nhân viên kế toán. Ông luôn bị ám ảnh bởi 2 rủi ro lớn nhất đối với nhà sản xuất ô tô: Các khoản nợ và tiền mặt.

Kể từ khi tiếp quản FCA (sau khi được chính phủ Mỹ giải cứu khỏi phá sản), CEO của Fiat đã tập trung vào việc duy trì thương hiệu xe Jeep, biến nó trở thành cỗ máy kiếm tiền cho công ty. Nhờ đó mà FCA đã duy trì được vị trí thứ 3 trên thị trường, chỉ sau Ford và GM/Chevy.

Chính sách của FCA đã tạo ra dòng tiền để bù đắp lại những khoản nợ trước đây, tăng số vốn lưu động. Không khó để hiểu ở vị trí của ông Sergio Marchionne, khi tiếp nhận đống đổ nát và cần làm mọi thứ để xây dựng lại thương hiệu FCA.

Trong hơn 2 năm qua, cổ phiếu của FCA đã vượt gấp đôi so với cổ phiếu của Tesla. Sự tăng trưởng đã khiến các nhà đầu tư không phải bất ngờ, nhất là trong bối cảnh Ferrari đã tách khỏi FCA (năm 2015).

Sự khác biệt lớn giữa Tesla và FCA là FCA vừa vượt qua một thời kỳ vô cùng khó khăn. Business Insider viết: “FCA trước đây từng được vận hành như một sòng bạc tại Thung Lũng Silicon nhưng bằng cách nào đó đã giải quyết được tình trạng vỡ nợ”. Hiện tại, hoạt động của FCA được coi là chặt chẽ nhất trong ngành ô tô. Công ty chủ yếu tập trung vào những mục tiêu rõ ràng.

Giả định trong trường hợp Tesla phá sản, ông Elon Musk buộc phải ra đi thì không ứng cử viên nào có thể thay thế tốt hơn ông Sergio Marchionne.

Tesla và Ferrari

Điều gì khiến Tesla khác biệt so với phần còn lại trong ngành công nghiệp ô tô? ảnh 4 Kinh doanh siêu xe không phải là mối quan tâm duy nhất của Ferrari. Nguồn: Wiki

Ông Sergio Machionne từng là Giám đốc điều hành của Ferrari. Nhưng sự tương đồng giữa Tesla và thương hiệu ô tô của Ý nằm ở mô hình kinh doanh nhiều hơn nhà lãnh đạo.

Ferrari giống Tesla vì cả hai công ty đặt mục tiêu ở lĩnh vực riêng, với sự tập trung tuyệt đối. Phía Ferrari chính là những mẫu xe đua. Thương hiệu Ferrari đã xuất hiện từ giữa thế kỷ 20, có thể công ty đã bán rất nhiều chiếc xe, đem về doanh thu khủng. Nhưng xét về cốt lỗi, mục tiêu quan trọng nhất của Ferrari vẫn là chiến thắng ở giải đua F1.

Tesla cũng vậy, công ty chỉ đầu tư vào 3 mẫu xe (Ferrari là 5 mẫu xe). Ngoài kinh doanh, ông Elon Musk còn có một mục tiêu khác, không phải là chiến thắng trên đường đua như Ferrari. Tesla muốn đem tới lối thoát cho nhân loại khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, qua đó giảm thiểu sự nóng lên toàn cầu.

Business Insider nhận định rằng sẽ hợp lý hơn nếu Tesla đi theo mô hình kinh doanh của Ferrari không thực sự hợp lý. Thay vì trở thành bản sao của GM hay Toyota. Thế mạnh của Tesla là những chiếc xe hạng sang, và cũng như Ferrari, những mẫu Tesla nên hướng tới kiểu dáng quyến rũ với hiệu suất cao.

Thực tế, một mẫu xe Tesla cao cấp có giá dưới 100.000 USD, mẫu Ferrari rẻ nhất là 200.000 USD. Nhưng trớ trêu là Ferrari bán được khoảng 10.000 chiếc xe mỗi năm nhưng với Tesla còn ít hơn con số đó.

CEO Elon Musk rõ ràng muốn chế tạo một mẫu xe nửa cao cấp như Ferrari, nửa bình dân như GM. Nhưng đây là vòng tròn không thể khép kín. Ferrari nói điểm hạn chế của Tesla chính là chạy trên động cơ điện. Và ông Elon Musk đơn giản không thể chấp nhận sự thật này.

Thay cho lời kết

Điều gì khiến Tesla khác biệt so với phần còn lại trong ngành công nghiệp ô tô? ảnh 5 CEO của Tesla, Elon Musk. Nguồn: RegMedia

Thách thức lớn nhất của Tesla cũng chính là khó khăn chung của thị trường ô tô trong 3 năm qua. Số lượng bán ra kỷ lục cho phép GM, Ford và FCA tiếp tục sinh lời từ xe bán tải và SUV. Trong khi Tesla mặc dù đầu tư hàng tỷ USD nhưng vẫn chưa có dấu hiệu sinh lời.

Ferrari tổ chức đợt IPD muộn nhất nhưng lại thành công nhất trong lịch sử ngành công nghiệp ô tô, tạo ra lợi nhuận ổn định. Tesla mặc dù thành công trong đợt IPO năm 2010 nhưng kết quả trên thị trường chứng khoán trầm lắng với lợi nhuận thiếu hụt.

Dựa theo những biến động của Tesla trên thị trường tài chính trong vòng 6 tháng qua, Bussines Insider đặt ra một vấn đề cơ bản của một nhà sản xuất ô tô: “Liệu bạn có thể tạo ra lợi nhuận trên thị trường kinh doanh, nơi mà lợi nhuận không thể quyết định tất cả?”

Ngành công nghiệp ô tô truyền thống đã giải quyết được vấn đề này và bây giờ đến lượt Tesla. Nếu tình hình tài chính của Tesla không có chiều hướng tích cực, đem lại lợi nhuận bền vững thì sẽ không thể tạo nên động lực cho thị trường và là sự tổn thất lớn cho ngành công nghiệp ô tô.