Điện thoại ngày càng đắt hơn, một phần lỗi ở chúng ta

Giá smartphone đang tăng dần qua các năm, một trong những yếu tố dẫn đến việc này chính là thái độ của người dùng.

Giá bán lẻ của smartphone ngày càng tăng, đặc biệt là ở phân khúc cao cấp. Khoảng 2 năm trước, người dùng sẽ phàn nàn về mức giá đắt đỏ của chiếc smartphone 800 USD. Các nhà phân tích cho rằng iPhone X giá 1.000 USD của Apple sẽ thất bại thảm hại.

Apple đã mạnh dạn đưa ra mức giá 1.000 USD cho một smartphone bán đại trà. Ảnh: Slashgear.

Hiện nay, 1.000 USD trở thành mức bình thường cho một chiếc smartphone cao cấp và ngành công nghiệp béo bở này không có lí do gì phải giữ giá. Dù muốn hay không, việc smartphone liên tục tăng giá cũng có một phần lỗi của người tiêu dùng.

Trước đó, có lẽ nhiều nhà sản xuất cũng muốn đưa ra mức giá 1.000 USD đối với sản phẩm của mình nhưng không ai dám làm điều này, ngoại trừ Apple. Sau khi doanh số của iPhone X rất khả quan, gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã chứng minh rằng người dùng sẵn sàn bỏ ra 1.000 USD cho một chiếc smartphone. Điều này thúc đẩy các công ty khác như Samsung, Huawei mạnh dạn đẩy giá sản phẩm của họ lên mức trên 1.000 USD.

Galaxy Note 9 là một trong những smartphone có giá trên 1.000 USD của Samsung. Ảnh: Slashgear.

Vì sao điện thoại tăng giá? Lí do chính được các công ty đưa ra là giá của linh kiện tăng. Các công nghệ mới hơn tốn nhiều chi phí hơn để sản xuất, vật liệu được sử dụng để chế tạo ra linh kiện cũng đắt đỏ hơn khiến cho chi phí sản xuất nói chung tăng theo. Trong khi smartphone này càng được nhồi nhét vào những thứ mạnh mẽ trong một diện tích chật hẹp thì các con số trên bảng giá cũng tăng tương ứng.

Tuy nhiên, đó không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến giá bán. OnePlus cũng chịu thực trạng giá linh kiện tăng lên nhưng vẫn bán ra các flaship giá mềm hơn so với đối thủ. Google hầu như không thay đổi thành phần link kiện gì từ Pixel 2 lên Pixel 3 nhưng vẫn tăng giá bán 100 USD. Và đơn giản nhất, khi nhìn vào bảng giá linh kiện thì nó có sự chênh lệch rất lớn so với giá bán.

Huawei cũng gia nhập nhóm "nghìn đô" với chiếc Mate 20 Pro. Ảnh: Slashgear.

Các công ty cũng sẽ đổ cho chi phí nghiên cứu và phát triển, tiếp thị, đăng kí chứng nhận, thuế quan... để giải thích giá bán "cắt cổ" của mỗi chiếc smartphone.

Tất nhiên, sau mọi lí do đó, giá bán của smartphone vẫn tăng cao vì người dùng chấp nhận bỏ ra số tiền lớn hơn. Các công ty đã biết được luôn có người mua những chiếc smartphone đắt nhất mà họ bán ra vì nhiều lí do như thương hiệu, tính năng. Nếu iPhone X thất bại với giá 1.000 USD, nếu người tiêu dùng đổ xô tìm đến những thương hiệu rẻ hơn, có lẽ đó là lần cuối cùng một chiếc smartphone bán đại trà với mức giá như vậy. Đáng buồn là viễn cảnh này đã không xảy ra.

OnePlus 6T có cấu hình cực mạnh nhưng giá bán dễ chịu. Ảnh: Slashgear.

Tuy nhiên, mức giá ngày càng tăng cao chưa hẳn là tín hiệu tích cực dành cho các nhà sản xuất. Bong bóng tăng giá có thể sẽ sớm vỡ. Một khi đã bỏ ra thật nhiều tiền để sở hữu smartphone, người dùng sẽ có xu hướng giữ sản phẩm lâu hơn, điều này dẫn đến doanh số của các công ty giảm xuống. Mặt khác, điều đó lại buộc đối thủ của họ tăng giá bán nhằm bù đắp cho doanh số thấp.

Người tiêu dùng đang có xu hướng quan tâm đến những thương hiệu nhỏ có giá bán hợp lí hơn. Giá bán smartphone của OnePlus vẫn đang tăng nhưng còn thấp hơn đáng kể so với 3 tên tuổi hàng đầu là Apple, Samsung và Huawei. Người dùng Mỹ cũng bắt đầu quan tâm đến Xiaomi, Hornor và một số thương hiệu khác đến từ Trung Quốc.

Theo ICT News

https://ictnews.vn/the-gioi-so/di-dong/dien-thoai-ngay-cang-dat-hon-mot-phan-loi-o-chung-ta-177157.ict