Tốc độ phát triển công nghệ có thể dùng từ "vũ bão" để miêu tả, bởi nó liên tục được cải tiến và đổi mới. Lấy cột mốc iPhone làm ví dụ, trước khi smartphone này ra đời, thị trường hầu hết dùng những chiếc điện thoại "cục gạch" với tính năng hạn chế. Nhưng 10 năm sau, thế giới hầu hết đã tràn ngập smartphone từ giá rẻ đến cao cấp. Tất nhiên, giá bán của chúng không còn cao nhưng chức năng phải nói là vượt trội.
Tốc độ phát triển nhanh, nhưng con người đáng lẽ đã và đang được sử dụng thiết bị di động với các công nghệ tân tiến hơn nữa nếu như không có sự trì hoãn của Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC). Theo nghiên cứu của Reason.com, tổ chức này đã ưu tiên cho truyền hình hơn là mạng di động.
Tại Mỹ, công nghệ dịch vụ điện thoại di động (MTS) đã được thành lập vào năm 1946. Nhà cung cấp dịch vụ điện thoại cố định AT&T (trước đây là Western Bell Corporation) muốn phát triển một mạng dành cho điện thoại di động.
Tuy nhiên, FCC đã gạt đi vì khi đó, tổ chức này cho rằng điện thoại cầm tay chỉ là món đồ thời trang sang trọng chứ không phải là thiết bị cần thiết cho người dùng và truyền hình mới là thứ thực sự cần thiết. Do đó, khi phân bổ tần số vô tuyến vào năm 1949, FCC đã chia tới 59,2% tần số vô tuyến cho truyền hình, 25% phục vụ cho các mục đích của chính phủ và chỉ vỏn vẹn 4,7% cho di động. Với "miếng bánh" cỏn con này, ngành công nghiệp viễn thông không thể làm được nhiều điều.
Kết quả, truyền hình (bao gồm cả phát thanh) phát triển mạnh tại Mỹ, nhưng nó không sử dụng hết tất cả các tần số, từ đó gây lãng phí tài nguyên. Các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cố gắng thuyết phục FCC về vấn đề này nhưng đáp lại là sự lắc đầu.
Tất nhiên, đây chỉ là câu chuyện của phạm vi nước Mỹ, nhưng nó ảnh hưởng đến thế giới do đây là trung tâm phát triển khoa học kỹ thuật khi đó. Thậm chí, nếu FCC có tầm nhìn hơn, mạng di động phải được phát triển từ những năm 1940, nhưng phải tới 1973 mới có. Chi tiết này được tiết lộ trong bản báo cáo "Ước tính thiệt hại cho nước Mỹ và các quốc gia do sự chậm trễ của FCC trong việc cấp phép viễn thông di động" được Hiệp hội nghiên cứu kinh tế quốc gia nêu ra năm 1991.
Không những thế, cuộc chiến pháp lý tranh giành tần số vô tuyến giữa tivi và điện thoại di động tiếp tục diễn ra từ năm 1970 đến 1982. Kết quả, những người theo khuynh hướng tiếp tục phát triển TV đã thua. Giấy phép phổ biến sóng điện thoại đã được phê duyệt và công lao lớn thuộc về Motorola.
DynaTAC 8000X, chiếc điện thoại di động được thương mại hóa đầu tiên trên thế giới
Năm 1973, Motorola phát minh ra chiếc điện thoại di động đầu tiên mang tên DynaTAC 8000X, nhưng mãi đến 1983 mới được thương mại hóa. Tuy nhiên, đây lại là tiền đề cho những chiếc điện thoại di động khác sau này, cũng như biến Motorola thành "ông lớn" trên thị trường di động. Hãng là công ty điện thoại di động đứng thứ 2 thế giới vào năm 2006 trước khi sụp đổ và bán mình nhiều lần.