GS.TS. Nguyễn Thanh Long trở thành Bộ trưởng Bộ Y tế từ hôm nay, 12/11/2020
GS.TS. Nguyễn Thanh Long trở thành Bộ trưởng Bộ Y tế từ hôm nay, 12/11/2020

E-magazine Tân Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long - từ một góc nhìn báo chí

VietTimes –  Sau 4 tháng đảm đương vị trí Bộ trưởng tạm quyền, hôm nay 12/11/2020, GS.TS. Nguyễn Thanh Long được Quốc hội chính thức phê chuẩn bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Y tế.

Ngành Y tế có nhiều lĩnh vực, gồm điều trị, nghiên cứu đào tạo, dược, y học cổ quyền, trang thiết bị vật tư, v.v., song ở một đất nước nhiệt đới quanh năm có dịch bệnh như Việt Nam, ngoài vững vàng những lĩnh vực trên, thì am hiểu tường tận và dạn dày kinh nghiệm thành công về dự phòng là một thế mạnh quan trọng của vị tân Bộ trưởng.

Do công việc, tôi được gặp gỡ GS.TS. Nguyễn Thanh Long khá nhiều, nên có điều kiện chứng kiến những dấu ấn mạnh mẽ của ông kể từ khi ông mới nhậm chức Thứ trưởng Bộ Y tế vào năm 2011 cho đến nay. GS. Long là một trong số ít lãnh đạo Bộ được cánh nhà báo chúng tôi yêu mến và quý trọng, bởi ngoài trình độ và bề dày kinh nghiệm, ông còn là người thông minh, có bản lĩnh, tính quyết đoán, dám chịu trách nhiệm trước công việc, còn trong cuộc sống lại rất dễ gần và luôn sẵn sàng hợp tác tích cực với báo giới, đặc biệt là những khi có dịch bệnh.

Ngay từ khi nhậm chức Thứ trưởng, ông Long đã được giao phụ trách mảng y tế dự phòng. Phải nói đây là lĩnh vực đầy những khó khăn khi năm nào Việt Nam cũng phải đối mặt với đủ loại dịch bệnh: sởi, sốt xuất huyết, lao, rồi hàng loạt bệnh nguy hiểm mới nổi như HIV, MERS-CoV, Ebola, Zika, cúm A/H6N6, cúm A/H5N7 v.v. trong khi nền tảng y tế của ta còn chưa mạnh.

Thử thách đầu tiên với tân Thứ trưởng dạo ấy là căn “bệnh lạ” đột ngột xuất hiện ở Ba Tơ, Quảng Ngãi. Có thôn, gần như mỗi tháng đều có người chết vì “bệnh lạ”, nên dư luận rất xôn xao. GS. Long lập tức đến ngay nơi khởi phát của “bệnh lạ” - huyện miền núi khó khăn bậc nhất Quảng Ngãi - để cùng chính quyền địa phương chỉ đạo các biện pháp khống chế căn bệnh, đồng thời, cử các chuyên gia hàng đầu ở các bệnh viện tuyến Trung ương vào tìm hiểu nguyên nhân, đưa ra hướng xử lý, phòng, chống bệnh cho người dân và xác định được căn bệnh “lạ” là Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân v.v.

Ngay sau đó, Việt Nam lại cùng thế giới đối mặt với những căn bệnh khủng khiếp với tỷ lệ tử vong cao như dịch bệnh MERS-CoV, Ebola, hay bệnh Zika gây di tật đầu nhỏ cho trẻ sơ sinh, rồi A/H6N6, cúm A/H5N7 v.v. Hầu hết các bệnh nguy hiểm mới nổi đều chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, cũng như vaccine phòng bệnh. Thực trạng này luôn đặt ngành y tế trong tư thế phải sẵn sàng “chiến đấu” với dịch.

Là Thứ trưởng trực tiếp phụ trách y tế dự phòng, GS. Long cùng lãnh đạo Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch ứng phó với dịch bệnh nguy hiểm trong từng tình huống, từng mức độ, đồng thời, kích hoạt các đội chống dịch lưu động trong toàn ngành Y tế. Kịch bản đó là cơ sở để ngành Y tế chủ động được kể cả khi dịch bệnh xuất hiện bất ngờ.

Ông luôn trực tiếp có mặt ở các điểm nóng dịch bệnh, ở vùng sâu, vùng cao kiểm tra việc phòng, chống dịch; đến từng khoa, phòng của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương kiểm tra công tác chuẩn bị đón tiếp bệnh nhân để có các chỉ đạo phù hợp. Còn nhớ là chưa đầy 24h sau khi nhận quyết định quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, ông đã có mặt ở Đắk Nông để đôn đốc, giải quyết trận dịch bạch hầu vừa tái phát. Bởi điều ông luôn đau đáu là làm sao để tránh tình trạng “trên nóng dưới lạnh” mới có thể chống dịch được.

Năm 2014, dịch sởi bùng phát rất mạnh, khiến riêng ở Bệnh viện Nhi Trung ương đã có khoảng 150 trẻ ra đi. Đó là một năm kinh hoàng khi các bệnh viện truyền nhiễm hoặc có chuyên khoa truyền nhiễm đều quá tải, bởi không chỉ ở trẻ em mà cả người lớn cũng mắc sởi. Để giảm tải cho các bệnh viện, mảng dự phòng lúc này có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Cùng với việc chỉ đạo tăng cường các hoạt động giám sát, báo cáo ca bệnh, hướng dẫn việc cách ly, Thứ trưởng Long yêu cầu mở rộng tiêm phòng vaccine sởi, đặc biệt chú trọng các nhóm người có nguy cơ cao như trẻ em từ 9 tháng tới 10 tuổi, người di cư thường xuyên, người chưa được tiêm phòng sởi, để hạn chế tối đa các trường hợp mắc và tử vong do sởi.

Tôi còn nhớ đó là những ngày tháng căng thẳng với lãnh đạo Bộ Y tế, khi dư luận và báo chí đều đòi hỏi Bộ phải công bố dịch với những lời chỉ trích mạnh mẽ. Trong nhiều cuộc họp do Thứ trưởng Long chủ trì, ông đều kiên trì giải thích: Trong các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế đều ghi rõ là "dịch sởi" và Bộ Y tế thông báo tình hình dịch hàng ngày với báo chí, để nhân dân biết và chủ động phòng, tránh. Còn việc công bố dịch hay không là quyền của các địa phương. Việc công bố dịch phải tuân theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Bằng việc truyền thông qua báo chí như vậy, người dân đã hiểu được rằng Bộ Y tế không phải là nơi công bố dịch và đó chính là cơ sở để khi dịch Zika, dịch COVID-19 xảy ra, không ai còn đòi hỏi Bộ Y tế phải công bố dịch nữa.

Nhờ các biện pháp ngăn chặn mạnh mẽ ở các cửa khẩu, giám sát tất cả những người từ vùng dịch về, Việt Nam đã giữ vững “thành trì”, không để “lọt lưới” các bệnh nguy hiểm mới nổi vào nội địa trong nhiều năm liền.

Riêng lĩnh vực phòng, chống HIV thì theo UNAIDS, trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam là nước có số ước tính ca nhiễm mới HIV năm 2018 giảm lớn nhất (64%) so với năm 2010, tránh cho gần nửa triệu người nhiễm HIV và hơn 200 ngàn người tử vong vì HIV/AIDS. Với kết quả có được, Việt Nam đang tiệm cận mục tiêu chấm dứt dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Trong mọi đợt dịch, ngoài công việc hàng ngày, dường như ngày nào Thứ trưởng Long cũng chủ trì các cuộc họp về phòng, chống dịch vào sau giờ làm việc, hay buổi tối, để nghe báo cáo tình hình, đưa ra các biện pháp phù hợp với từng giai đoạn, từng địa phương. (Lịch họp của ông “báo hại” cánh phóng viên cũng luôn phải làm việc ngoài giờ, kể cả buổi tối!) Điều ấn tượng là chỉ đạo của ông không chung chung, mà cụ thể, chi tiết, chứng tỏ ông nắm bắt tình hình rất sát.

Trở lại ngành Y tế sau gần 2 năm sang Ban Tuyên giáo Trung ương, nhưng trong các cuộc họp của “mùa” dịch COVID-19 do ông chủ trì, tôi ngạc nhiên thấy ông như thể chưa rời ngành Y tế ngày nào, khi từng đề xuất, ý kiến của các Sở Y tế, bệnh viện đều được ông lắng nghe và đưa ra giải pháp xử lý phù hợp ngay lập tức.

Là một người lãnh đạo có trình độ và kinh nghiệm phòng, chống thành công nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm mới nổi, nên ngay khi dịch COVID-19 bất ngờ xâm nhập vào Việt Nam, GS. Nguyễn Thanh Long lập tức được điều trở lại làm Thứ trưởng Bộ Y tế, sau 2 năm đảm trách cương vị Phó Ban tuyên giáo Trung ương, đủ thấy vai trò của ông trong công tác phòng, chống dịch, cũng như Đảng và Chính phủ đã đánh giá thực lực của ông ra sao.

Trở lại Bộ, ông nhanh chóng phát huy vai trò của mình, xứng đáng với sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Là “cánh tay đắc lực” của người phụ trách Bộ Y tế giai đoạn đó là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, GS. Nguyễn Thanh Long đã tham mưu và chủ trì thực hiện nhiều quyết sách quan trọng để ứng phó với dịch COVID-19. Kết quả là trong khi thế giới chao đảo vì COVID-19, thì Việt Nam đã nhanh chóng khống chế được giai đoạn đầu với 100 ngày không có ca lây nhiễm cộng đồng, những bệnh nhân nặng nhất đã được chữa khỏi.

Dịch COVID-19 quay trở lại Đà Nẵng ngay khi GS. Long nhận quyết định quyền Bộ trưởng, cũng đúng lúc dịch bạch hầu tái phát ở Tây Nguyên, là một thử thách lớn với ông trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng trên thế giới. Đặc biệt, khác với giai đoạn trước là giãn cách toàn xã hội, lần này, Chính phủ yêu cầu phải thực hiện mục tiêu kép là chống dịch hiệu quả, nhưng vẫn phải đảm bảo phát triển kinh tế. Vì thế công tác chống dịch khó khăn hơn nhiều khi việc cách ly, phong tỏa chỉ thực hiện ở diện hẹp.

Với vai trò “thuyền trưởng”, GS. Long đã chèo lái vững vàng bằng các chỉ đạo mang tầm chiến lược và đầy sức quyết đoán. Lần đầu tiên, Bộ Y tế đưa ra những giải pháp quyết liệt và mạnh mẽ chưa từng có: Tung lực lượng tinh nhuệ nhất và đông đảo nhất vào điểm nóng Đà Nẵng, Quảng Nam cùng thuốc men, trang thiết bị y tế để trợ giúp tối đa các địa phương ứng phó với dịch. Bên cạnh đó, việc xét nghiệm tầm soát được thực hiện trên diện rộng ở Hà Nội và nhiều địa phương, góp phần khoanh vùng nhanh, xử lý dứt điểm đợt dịch trong vòng chưa đầy 30 ngày. Số người mắc và tử vong được hạn chế tối đa. Cho đến nay, đã hơn 2 tháng, Việt Nam duy trì không có ca lây nhiễm cộng đồng, đã chứng tỏ hướng đi trong phòng, chống dịch COVID-19 là hoàn toàn đúng đắn.

Có lẽ, những thành công trong chỉ đạo phòng, chống dịch ở người “thuyền trưởng” này là luôn đánh giá đúng tình hình thực tế, dự báo chính xác và “khâu nối” sự phối hợp giữa các đơn vị trong ngành y tế chặt chẽ.

Những năm GS. Nguyễn Thanh Long phụ trách lĩnh vực y tế dự phòng cũng là giai đoạn Việt Nam có nhiều thành quả đáng ghi nhận về sản xuất vaccine, tất nhiên, dựa trên sự kế thừa thành tựu của các thế hệ đi trước.

Năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã trao chứng chỉ Hệ thống quản lý quốc gia về vaccine của Việt Nam đạt tiêu chuẩn của WHO, mở ra cơ hội xuất khẩu vaccine cho nước ta, khi “khẳng định vaccine được sản xuất tại Việt Nam đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế”, như đánh giá của TS. Shin Young-soo - Giám đốc WHO Khu vực Tây Thái Bình Dương.

Một năm sau, 2016, Việt Nam là nước thứ hai ở Tây Thái Bình Dương được WHO lựa chọn tổ chức đánh giá độc lập chung (JEE) việc thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) sau 9 năm Điều lệ có hiệu lực. Kết quả chung về 19 lĩnh vực kỹ thuật thuộc bộ công cụ đánh giá thực hiện IHR cho thấy Việt Nam đã thực hiện cam kết triển khai đầy đủ và duy trì, củng cố kết quả thực hiện IHR trong việc Phát hiện - Đáp ứng - Dự phòng các sự kiện y tế công cộng.

Năm 2018, WHO đã đặt hàng Việt Nam sản xuất vaccine cúm mùa để phục vụ phòng chống đại dịch trên thế giới. Trước khi sản xuất thành công vaccine cúm mùa 3 trong 1, Việt Nam đã sản xuất thành công các loại vaccine lao, sởi, rubella, rota, tả, thương hàn, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi-rubella, cúm A/H5N1.

Tháng 4/2018, Việt Nam đưa vaccine sởi-rubella do Việt Nam sản xuất vào chương trình Tiêm chủng mở rộng, thay thế vaccine của Ấn Độ. Việt Nam lọt vào danh sách 25 quốc gia trên thế giới và là nước thứ 4 tại châu Á sản xuất thành công vaccine sởi-rubella, sau Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc. Hiện Việt Nam là 1 trong 42 quốc gia sản xuất được vaccine phòng bệnh và đã sản xuất được 10 loại vaccine.

Đây chính là cơ sở để Việt Nam có thể sớm sản xuất thành công vaccine COVID-19 - điều không chỉ nhiều người Việt Nam mà trên thế giới đang mong chờ. Vaccine COVID-19 “made in Việt Nam” chỉ còn là vấn đề thời gian.

Đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Bộ Y tế thật vinh dự nhưng cũng là “ngồi ghế nóng”. Ở đâu và bao giờ cũng vậy, chăm sóc sức khoẻ là câu chuyện của toàn dân, của mọi gia đình. Đất nước ta ngót trăm triệu đồng bào đặt niềm tin nơi ngành Y tế, nhưng cũng trông đợi, “đòi hỏi” và không có giây phút nào ngưng giám sát ngành, nhất là vị "thuyền trưởng" của ngành.

Chúc tân Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long tiếp tục có thật nhiều cống hiến vinh quang!

Trình bày: Lê Đăng Khoa

Ảnh: Trần Minh - Thanh Hằng