Việc cô lập ngoại giao Qatar có thể là sự khởi đầu của một cuộc chiến tranh mới, theo Simon Henderson, Giám đốc Chương trình quan hệ chính trị với các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư và các vấn đề năng lượng tại Đại học Washington chuyên về chính sách vùng Cận Đông, viết trên tạp chí Foreign Policy.
Các quốc gia theo dòng Sunni từ lâu đã tìm cách gây chiến với Iran. Vấn đề Qatar có lẽ chỉ là cái cớ mà họ đã quyết định sử dụng", Simon Henderson nhận định.
Từ quan điểm của tác giả, hiện nay chúng ta có thể đang đứng trên ngưỡng cửa của một thời khắc lịch sử, có thể so sánh với vụ ám sát hoàng tử nước Áo Franz Ferdinand tại Sarajevo vào năm 1914. Sự kiện này như một cái cớ chính thức cho sự bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ nhất.
Trong trường hợp này, mục tiêu của Saudi Arabia và UAE không phải Iran mà là Qatar, quốc gia từ lâu đã đứng ngoài thỏa thuận chung của các nước Ả Rập vùng Vịnh liên quan đến mối quan hệ với Teheran.
Hồi đầu tuần, một số nước Ả Rập đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Doha, cáo buộc vương quốc này hỗ trợ bọn khủng bố. Bên cạnh đó, Riyadh cũng công bố lệnh cấm bay đối với hãng hàng không Qatar Airways, đóng cửa biên giới và các cảng của Ả Rập Xê-út với nước này.
Được biết, Teheran đã lên tiếng ngỏ ý hỗ trợ và sẵn sàng cung cấp 3 cảng của mình cho Qatar sử dụng. Riyadh và Abu Dhabi coi động thái này như là một sự xác nhận của mối quan hệ "nguy hiểm" giữa Doha và Teheran.
Theo quan điểm của ông Henderson, Washington có thể đóng vai trò quan trọng trong việc xoa dịu tình hình có khả năng bùng nổ này. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hiện đang ở một vị trí thuận lợi, vì trước khi nhậm chức, ông đã lãnh đạo ExxonMobil - công ty nước ngoài chính hoạt động trong lĩnh vực năng lượng ở Qatar.
"Washington phải hành động nhanh chóng và ngăn chặn các bước tiến hướng đến chiến tranh chứ không phải chờ cho đến khi cuộc chém giết bắt đầu", ông Henderson viết.
Vào cuối tháng 5, trên trang web của hãng thông tấn nhà nước QnA lớn nhất Qatar, đã có một bản tin trên danh nghĩa là của tiểu vương Tamim bin Hamad Al Tani, trong đó tuyên bố sẽ hỗ trợ Iran, đối thủ chính của Saudi Arabia trong khu vực, và phát triển mối quan hệ tốt với Israel.
Chính quyền Qatar sau đó cho biết hãng tin này đã bị tin tặc tấn công bởi một tổ chức không xác định. Tuy nhiên, Riyadh và Abu Dhabi không chấp nhận hành động bác bỏ bản tin của Qatar .