Ngày 5/6/2017, các nước Saudi Arabia, Bahrain, UAE (Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất) đồng loạt ra tuyên bố chấm dứt quan hệ ngoại giao với Qatar với lý do Chính quyền Doha “tài trợ các tổ chức khủng bố Anh em Hồi giáo”("Muslim Brotherhood"), Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant (ISIL)-tiền thân của IS, Al-Qaeda và kết giao với Iran”. Ngay sau đó, Yemen, Egypt, Lybia và Mandives cũng đưa ra quyết định tương tự. Theo khẳng định của chính quyền Riyadh, quyết định này là nhằm "bảo vệ an ninh quốc gia khỏi nguy cơ khủng bố và chủ nghĩa cực đoan". Liên đoàn Arab do Saudi Arabia đứng đầu chống lại phiến quân Houthi ở Yemen cũng trục xuất Qatar khỏi liên minh này.
Sau quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao, các nước trên đây quyết định phong tỏa mọi tuyến giao thông trên không, trên biển và một phần trên bộ với Qatar. Động thái này đẩy Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC)-một liên minh khu vực có ảnh hưởng lớn nhất ở Trung Đông bao gồm các nước Saudi Arabia, UAE, Bahrain, Oman và Qatar lâm vào cuộc khủng hoảng chia rẽ sâu sắc chưa từng có trong 36 năm qua [1].
Hành động “ném bùn sang ao”
Những cáo buộc của của các nước Vùng Vịnh trên đây nhằm vào Qatar được giới phân tích nhìn nhận chẳng khác gì chuyện “ném bùn sang ao”, bởi đó là sự thật hiển nhiên trong những năm gần đây.
Thực tế là, trong nhiều năm gần đây, đặc biệt là kể từ khi bùng nổ các biến động chính trị mang tên “Mùa xuân Arab”, nhiều phương tiện truyền thông trong và ngoài khu vực Trung Đông đã đăng tải các bài viết và tin nói về các hoạt động của nhà chức trách Qatar tài trợ và cung cấp vũ khí cho các chiến binh Hồi giáo cực đoan cũng như các tổ chức khủng bố Muslim Brotherhood, ISIL, IS, Al-Qaeda [2-8].
Gần đây nhất, trong chuyến thăm nước ngoài đầu tiên tới Trung Đông, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng tuyên bố: “Các nhà lãnh đạo trong khu vực đang nói về chuyện đã đến lúc Qatar cần chấm dứt tài trợ cho các lực lượng cực đoan” [9].
Còn về quan hệ gần gũi của Qatar với Iran cũng không có gì là lạ, là mới. Mặc dù là quốc gia theo dòng Hồi giáo Sunni có hệ tư tưởng mâu thuẫn đối kháng với dòng Hồi giáo Shiite ở Iran, nhưng trong nhiều năm qua Qatar đã thiết lập quan hệ hợp tác và hữu nghị thân thiện với chính quyền Teheran. Đây là điều khác biệt với Arabia Saudi-quốc gia theo dòng Hồi giáo Sunni luôn coi Iran là “kẻ thù không đội trời chung”.
Thế nhưng, Qatar đã lên tiếng chỉ trích những cáo buộc của các nước Vùng Vinh nhằm vào Qatar để cắt đứt quan hệ ngoại giao dựa là trên những lập luận “không có căn cứ và cơ sở trên thực tế". Phía Qatar còn giải thích rằng tin tặc đã tấn công trang website của chính phủ để làm giả lời lẽ của Quốc vương Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump, ủng hộ Iran và đe dọa rút đại sứ Qatar ở nhiều nước Trung Đông.
Cách giải thích này của Qatar đã không được các nước Vùng Vịnh chấp nhận vì nó trái với thực tế hiển nhiên. Vì thế, những thông tin trên trang website của chính phủ Qatar chỉ có tác động như “giọt nước làm tràn ly” dẫn tới quyết định của hàng loạt nước trong khu vực tuyên bố tuyệt giao với chính quyền Doha.
Liệu có phải là một kịch bản được dàn dựng?
Cuộc chiến tranh ngoại giao nhằm vào Qatar bùng phát trong khu vực Trung Đông, nơi đang diễn ra những biến động chính trị, an ninh và kinh tế-xã hội vô cùng phức tạp, nhiều chiều, da sắc màu và cực kỳ năng động đã khiến giới phân tích đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau để lý giải hiện tượng này. Tuy nhiên, bất kỳ giả thuyết nào cũng phải ghi nhận rằng những sự kiện và biến cố gần đây ở Vùng Vịnh không diễn ra một cách độc lập mà gắn kết và phụ thuộc vào nhau, trong đó nổi lên một sự kiện chưa từng có.
Đó là, Trung Đông được Tổng thống Mỹ Donald Trump lựa chọn là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông sau khi nhậm chức. Giới quan sát cho rằng có nhiều khả năng, kịch bản cuộc chiến tranh ngoại giao nhằm vào Qatar có liên quan chặt chẽ với chuyến thăm này. Theo chuyên gia nghiên cứu chính trị Nga Stanislav Tarasov, nguyên nhân đích thực của việc hàng loạt quốc gia Arab tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar ẩn giấu rất sâu dưới những ngôn từ được công bố chính thức. Giả thuyết này dựa trên những cơ sở thực tế khó có thể bác bỏ.
Một là, việc hàng loạt quốc gia cùng đồng thời đưa ra tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar là điều chưa từng có trong lịch sử quan hệ quốc tế trong nhiều thập kỷ gần đây. Rõ ràng, có nhiều khả năng đây là một “quả bom ngoại giao” đã được nạp sẵn, chỉ chờ tín hiệu và thời điểm kích nổ là bùng phát.
Hai là, những cơ sở cáo buộc Qatar chỉ là hành động “ném bùn sang ao” chứ không có gì là mới, cũng không có gì là lạ đối với Arabia Saudi, bởi chính quyền Riyadh hiện đang đi đầu trong cuộc chiến tranh ngoại giao này, lại cũng là quốc gia đi đầu trong hoạt động tài trợ và cung cấp vũ khí cho các tổ chức Hồi giáo vũ trang, trước hết là ISIL, IS và Al-Qaeda [7]
Ba là, bất đồng và mâu thuẫn giữa Qatar và các nước láng giềng leo thang với tốc độ quá nhanh, chỉ một tuần sau Hội nghị thượng đỉnh của Mỹ với các nước Arab ở Vùng Vịnh với kết quả thành lập “NATO của các nước Hồi giáo Arab” do Saudi Arabia đứng đầu. Cũng tại Hội nghị này, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố IS và Iran hình thành “trục tội ác” ở Trung Đông, còn Quốc vương Arabia Saudi Salman bin Abdulaziz thay mặt tất cả các vị khách lên án Tehran có "chính sách thù địch", trong khi đó Qatar lại kêu gọi các nước trong khu vực cải thiện quan hệ với Iran. Những động thái này là động lực mạnh mẽ thúc đây hành động của chính quyền Riyadh [10].
Bốn là, để đánh lạc hướng dư luận, giới chức Mỹ cáo buộc có thể tin tặc Nga đã tiến hành tấn công mạng nhằm vào các website Chính phủ Qatar để tung tin bịa đặt gây ra cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa các nước Vùng Vịnh. Câu chuyện này cũng tương tự như việc giới chức ở Washington cáo buộc Nga sử dụng tin tặc tấn công mạng thông tin của chính phủ Mỹ để đem về thắng lợi cho ứng cử viên Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2016 [11].
Năm là, trên Twitter cá nhân, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói việc các nước Vùng Vịnh đồng loạt cô lập ngoại giao Qatar với những câu chữ như sau: “Thế là chuyến thăm tới Abu-Dabi đã có kết quả. Việc tẩy chay Qatar sẽ là mở đầu sự kết thúc của chủ nghĩa khủng bố dã man”. Vấn đề chưa thể xác định rõ “chủ nghĩa khủng bố” mà ông Donald Trump nói tới là ai, bởi cũng tại Hội nghị ở Arabia Saudi, Tổng thống Mỹ Donald Trump coi Tổng thống Syria Bashar al-Assad - người đang ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống khủng bố- “là tội phạm với bàn tay đã nhuốm máu người dân Syria”, còn IS và Iran-quốc gia đang giúp Syria chống IS, là “trục tội ác” (!?) [12].
Nguy cơ bùng nổ thêm một cuộc chiến tranh ở Vùng Vịnh
Hiện nay, các nước tuyên chiến ngoại giao với Qatar đã cấm tất cả các tàu đi ra và đi tới quốc gia này cập bến cảng của tất cả các quốc gia trong thế giới Arab tham gia lệnh cấm vận này. Nghĩa là, cấm vận mọi hàng hóa xuất nhập khẩu vào Qatar qua đường biển. Đối với quốc gia xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt hàng đầu thế giới như Qatar thì đây là tối hậu thư có thể dẫn tới chiến tranh. Theo giới quan sát, dĩ nhiên quyết định này của Arabia Saudi phải nhận được “tín hiệu đèn xanh” từ Washington bởi lúc này chính quyền Riyadh đã đảm nhận vai trò chỉ huy “NATO của các nước Arab” theo sự sắp đặt của Washington, tương tự như NATO ở châu Âu.
Nhận định về tình huống này, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Gabriel Sigmar cảnh báo các nước Vùng Vịnh rằng các nước tham gia cuộc chiến tranh ngoại giao nhằm vào Qatar có thể đang diễn khúc dạo đầu dẫn tới cuộc chiến tranh nóng đầu tiên dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhìn chung, gần như tất cả các đời tổng thống Mỹ đều gắn với ít nhất một cuộc chiến tranh, hơn nữa lịch sử chứng tỏ rằng chiến tranh là cách làm giàu nhanh nhất của nước Mỹ. Từ đây, có thể phần nào giải mã được mục đích của hợp đồng buôn bán vũ khí trị giá gần 400 tỷ USD mà Mỹ và Arabia Saudi vừa ký cuối tháng 5/2017 chưa hẳn là để “chống khủng bố” [13]
Nhà báo Rafael Bustos phụ trách chuyên trang trong bài viết trên báo “El País” của Tây Ban Nha đưa ra nhận định: “Cuộc khủng hoảng ngoại giao Qatar không đơn thuần là cuộc xung đột giữa các nước Arab, có thể là khúc dạo đầu của một cuộc chiến tranh lớn được dàn dựng giữa các cường quốc dầu mỏ (Arabia Saudi, Qatar và Iran), tạo điều kiện cho Mỹ thực hiện chủ trương đẩy mạnh khai thác dầu khí, đưa Mỹ vượt lên giành ưu thế trên thị trường thế giới. Đây là một trong những đòn bẩy kinh tế quan trọng để thực hiện chủ trương “Make America Great Again”. Do đó, các nước trong khu vực Vùng Vịnh cũng như thế giới cần hành động để ngăn chặn cuộc chiến tranh này [14]./.
***
Tài liệu tham khảo
[1] Saudi Arabia’s diplomatic war with Qatar, explained.https://www.vox.com/world/2017/6/6/15739606/saudi-arabia-ties-qatar-trump
[2] David Andrew Weinberg. Qatar and Terror Finance. https://www.defenddemocracy.org/content/uploads/publications/Qatar_Part_I.pdf
[3] Time for the US to stop Qatar’s support for terror. http://nypost.com/2017/04/20/time-for-the-us-to-stop-qatars-support-for-terror/
[4] Why does Qatar finance Islamic terrorism? https://www.quora.com/Why-does-Qatar-finance-Islamic-terrorism
[5] How Qatar is funding the rise of Islamist extremists
[6] Leaked Hillary Clinton emails show U.S. allies Saudi Arabia and Qatar supported ISIS. http://www.salon.com/2016/10/11/leaked-hillary-clinton-emails-show-u-s-allies-saudi-arabia-and-qatar-supported-isis/
[7] США, Саудовская Аравия и Катар предоставляют массированную военную помощь джихадистам в Алеппо. http://inosmi.ru/military/20160812/237531956.html
[8] WikiLeaks: США знали о поддержке ИГ Катаром и Саудовской Аравией.http://www.ntv.ru/novosti/1815879/
[9] Trump takes credit for Arab nations cutting ties with Qatar. http://nypost.com/2017/06/06/trump-takes-credit-for-arab-nations-cutting-ties-with-qatar/
[10] Saudi Arabia’s diplomatic war with Qatar, explained.https://www.vox.com/world/2017/6/6/15739606/saudi-arabia-ties-qatar-trump
[11] US intelligence says Russian hackers set off Qatar diplomatic crisis: report
[12] Трамп считает изоляцию Катара своей заслугой — Die Zeit. https://regnum.ru/news/polit/2285085.html
[13] Саудовская Аравия передала Катару ультиматум: Война, похоже, не за горами. http://x-true.info/56681-saudovskaya-araviya-peredala-kataru-ultimatum-voyna-pohozhe-ne-za-gorami.html
[14] ЕС Россия и Китай должны остановить первую войну Трампа». https://regnum.ru/news/polit/2285542.html