Đó là một trong những nội dung được thống nhất tại cuộc làm việc của Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập xây dựng Chiến lược phát triển thông tin quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030 (gọi tắt là Chiến lược) đã họp và cho ý kiến góp ý hoàn thiện Chiến lược để trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất.
Theo dự thảo, Chiến lược phát triển thông tin quốc gia tập trung định hướng phát triển trên phạm vi cả nước các lĩnh vực thông tin như: Thông tin trên báo chí (bao gồm báo in, báo nói, báo hình và báo điện tử); Thông tin hoạt động xuất bản, bao gồm cả xuất bản điện tử; Thông tin trên mạng Internet (bao gồm thông tin trên trang thông tin điện tử và các trang mạng xã hội); Thông tin qua hệ thống thông tin cơ sở và hệ thống đài truyền thanh – truyền hình cấp huyện.
Về quan điểm phát triển của Chiến lược: Hoạt động thông tin và các loại hình thông tin ở nước ta đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và hoạt động theo quy định của pháp luật; Phát triển nhanh, mạnh, vững chắc hệ thống thông tin, đảm bảo phát triển đi đôi với quản lý tốt, phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phát triển hệ thống thông tin theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, hiệu quả gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Kết hợp chặt chẽ giữa thông tin đối ngoại và thông tin đối nội, giữa đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân đảm bảo lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc; Thông tin phải đảm bảo tính giáo dục, tính nhân văn, tính phản biện, tính chiến đấu, phù hợp với lợi ích của đất nước và nhân dân; phát triển thông tin phải đảm bảo an ninh, an toàn thông tin…
Theo dự thảo báo cáo, trong những năm qua, hệ thống thông tin không ngừng được phát triển và hiện đại hóa, chất lượng các sản phẩm, dịch vụ phát thanh, truyền hình, báo chí xuất bản được nâng cao, cơ bản đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân. Nhân lực trong lĩnh vực thông tin tăng nhanh, trình độ chính trị, kỹ năng nghiệp vụ cũng được nâng cao.
Cụ thể hơn 10 năm trở lại đây, số lượng báo chí in đã tăng nhanh, từ 486 cơ quan báo, tạp chí với 606 ấn phẩm năm 2001, đến nay (tính đến tháng 12 năm 2016) cả nước đã có 859 cơ quan báo chí, trong đó có 199 báo (trung ương 86, địa phương 113); 660 tạp chí (trung ương 523, địa phương 137).
Tính đến hết tháng 12/2016, cả nước có 135 báo, tạp chí điện tử, tăng 30 báo, tạp chí điện tử so với năm 2015, trong đó có 112 báo, tạp chí điện tử của cơ quan báo chí in và 23 báo, tạp chí điện tử độc lập. Ngoài hệ thống báo, tạp chí điện tử còn có 258 trang thông tin điện tử tổng hợp của cơ quan báo chí và hơn 1600 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Đến nay cả nước có 71 đơn vị phát thanh, truyền hình, gồm 03 đài Trung ương, 64 đài phát thanh – truyền hình địa phương và 4 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng, với 268 kênh đã được cấp phép.
Nhân lực làm báo tăng nhanh trong thời gian vừa qua, từ 31.000 người năm 2010, lên gần 40.000 người năm 2016, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 6,5%, tỷ lệ nhân lực làm báo có trình độ dưới đại học đã giảm.
Về xuất bản, cả nước hiện có 60 nhà xuất bản (NXB), trong đó có 49 NXB thuộc các cơ quan Trung ương và 11 NXB địa phương.
Việc thu hẹp khoảng cách về thụ hưởng thông tin của nhân dân giữa các vùng, miền được chú trọng, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo được tiếp cận với thông tin ngày một tốt hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, hoạt động thông tin và hệ thống thông tin vẫn còn những tồn tại, hạn chế: Tổ chức bộ máy và mô hình hoạt động của một số cơ quan báo chí và hệ thống thông tin cơ sở chưa thống nhất, hiệu quả công tác thông tin chưa cao; Trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, ngoại ngữ của đội ngũ làm công tác thông tin, quản lý thông tin đã có nhiều tiến bộ nhưng còn chưa đáp ứng được nhu cầu đặt ra, chưa theo kịp tốc độ phát triển; Đang có sự mất cân đối giữa khả năng phát sóng truyền hình và năng lực sản xuất chương trình truyền hình địa phương, gây lãng phí về vùng phủ sóng truyền hình địa phương…
Cũng theo dự thảo Chiến lược, mục tiêu cụ thể đối với báo in, báo điện tử đến năm 2025, 90% người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có thể đọc miễn phí báo in hoặc báo điện tử phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu; Giảm tỷ lệ mất cân đối trong thụ hưởng các sản phẩm báo in giữa các khu vực thành phố, thị xã và các vùng nông thôn, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, đạt mức 60%/40%.
Dự kiến mục tiêu đến năm 2030, cơ bản các cơ quan báo chí in, điện tử hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, vận hành các hệ thống thông tin điện tử phù hợp với xu hướng công nghệ tiên tiến trên thế giới, các sản phẩm báo chí có chất lượng cao.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu kết luận cuộc họp.
Đối với báo nói, báo hình mục tiêu đến năm 2025 tiếp tục nâng cao chất lượng sóng phát thanh, truyền hình, đảm bảo 100% dân số có khả năng nghe, xem các kênh phát thanh, kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu với chất lượng cao.
Tăng thời lượng phát sóng các chương trình sản xuất trong nước của kênh phát thanh, kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia và địa phương; đạt tỷ lệ tối thiểu 70% tổng thời lượng phát sóng trong 1 ngày của từng kênh chương trình (trong đó, thời lượng chương trình tự sản xuất mới phải đạt tối thiểu 50% thời lượng các chương trình sản xuất trong nước); tỷ lệ thời lượng chương trình nước ngoài khai thác trên một số kênh chương trình không vượt quá 30% tổng thời lượng phát sóng trong 1 ngày của kênh đó… Đến năm 2030, 100% các đài phát thanh – truyền hình tự chủ về kinh phí chi thường xuyên.
Đối với thông tin điện tử, đến năm 2025, 100% các website ứng dụng dịch vụ thông tin mạng đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, nội dung thông tin, xác thực người dùng, 100% các cơ quan hành chính Nhà nước có trang thông tin điện tử thích ứng với các thiết bị di động, dễ dàng tra cứu, sử dụng do chương trình Chính phủ điện tử cung ứng; đến năm 2030, 100% các trang thông tin điện tử, mạng xã hội của cơ quan, tổ chức Việt Nam đảm bảo quy chuẩn về thông tin, an toàn thông tin…
Về xuất bản, đảm bảo cơ cấu xuất bản hợp lý, duy trì số lượng xuất bản phẩm, trong đó 20-30% là xuất bản điện tử, đến năm 2025, đạt khoảng 580 triệu bản, tương đương 6 bản sách/người/năm, năm 2030 đạt khoảng 700 triệu bản, tương đương 7 bản sách/người/năm…
Đối với hệ thống thông tin cơ sở, ứng dụng công nghệ hiện đại để tổ chức các hoạt động thông tin cơ sở, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động thông tin cơ sở phù hợp với từng đối tượng, điều kiện kinh tế - xã hội từng vùng, miền; tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin truyền thông cơ sở; đưa quy hoạch hạ tầng thông tin cơ sở vào nội dung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, địa phương…
Dự thảo cũng nêu một số giải pháp về bộ máy, nguồn nhân lực. Theo đó, cần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; tiêu chuẩn hóa các chức danh lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan thông tin, đặc biệt là các cơ quan thông tin phục vụ công tác tuyên truyền thiết yếu của Đảng, Nhà nước. Đầu tư kinh phí để tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng định kỳ nhằm nâng cao nhận thức, lý luận chính trị, ngoại ngữ, trình độ CNTT, kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan thông tin, cán bộ phóng viên, biên tập viên, người làm công tác thông tin cơ sở và cán bộ, công chức trong hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước. Xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực ứng dụng CNTT và truyền thông, nhằm phát triển thông tin mạng theo từng giai đoạn cụ thể…