Trước hết, xin ông cho biết đâu là nguyên nhân kết quả môn Lịch sử có tỷ lệ dưới trung bình lên tới gần 84% tại kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua.
-Nhiều năm nay, Bộ GD-ĐT đã bỏ kỳ thi chung cho tuyển sinh đại học, cao đẳng và chỉ còn kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Như thông cáo báo chí về cuộc họp của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với các chuyên gia giáo dục ngày 30/7, mục tiêu chính của kỳ thi này là phục vụ cho tốt nghiệp THPT. Các đại học, cao đẳng không nhất thiết phải dựa vào kết quả kỳ thi đó để xét tuyển.
Tuy nhiên, thực ra chúng ta đang thực hiện cả 2 mục tiêu, cả để tốt nghiệp THPT và cả để xét tuyển đại học, cao đẳng. Vì thế, trong đề thi mới có những câu hỏi khó để thí sinh phải có kiến thức tốt mới làm được. Và tuy rằng, tinh thần mà Bộ GD-ĐT đề ra là kết quả thi này chỉ để tham khảo cho việc xét tuyển đại học, cao đẳng nhưng tuyệt đại đa số các đại học, cao đẳng đang căn cứ vào đó để thực hiện việc tuyển sinh cho mình.
Việc tổ chức thi tốt nghiệp theo hình thức trắc nghiệm, theo nhiều đánh giá là văn minh, tiết kiệm. Nhưng vấn đề tồn tại chính là ở khâu ra đề. Riêng với môn lịch sử, tại kỳ thi năm trước về cơ bản là đề thi đã bám sát chương trình. Tuy nhiên, tại kỳ thi năm nay, kết quả thi đạt trên trung bình là rất thấp. Cũng có ý kiến cho rằng, kết quả thấp với môn lịch sử năm nay là do người dạy, chưa đáp ứng được với thực tế đặt ra của kỳ thi và “phù hợp với chiến lược học tập của học sinh”.
Song trên thực tế thì nhiều chuyên gia khẳng định là do đề thi không phù hợp. Và cũng phải kể thêm một cái khó nữa là đề thi năm nay giới hạn không chỉ với chương trình lớp 12 mà cả với lớp 11. Bộ GD-ĐT cũng không cho biết giới hạn ra đề với chương trình lớp 11 và học sinh phải học tất cả, mặc dù chỉ có 20% đề thi là với kiến thức lớp 11. Thực tế này là trái với quan điểm giảm tải chương trình đào tạo.
Như vậy, vấn đề tồn tại nằm chính ở khâu ra đề và phản biện đề. Lý ra, sau khi có đề thi chính thức thì hội đồng phản biện phải làm việc nghiêm túc để đánh giá xem đề thi đã thực sự phù hợp với mục tiêu của kỳ thi và bám sát với sách giáo khoa hay chưa để có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Tại buổi tọa đàm mà Khoa Lịch sử, trường Đại học Sư phạm Hà Nội cùng Hội Giáo dục Lịch sử Việt Nam vừa tổ chức, nhiều giáo viên đại diện cho các vùng miền của đất nước rất bất an. Họ cho biết là tuy họ đã dốc toàn bộ tâm huyết để có thể chuẩn bị tốt nhất cho học sinh, nhưng sau kỳ thi thì nhiều em rất hoang mang. Bản thân các giáo viên không biết là sang năm sau phải làm như thế nào để cải thiện tình hình và giúp cho học sinh của mình tốt nhất.
Nếu như kỳ thi năm nay là phục vụ mục tiêu tốt nghiệp THPT là chính thì các mã đề thi phải hỏi những kiến thức rất cơ bản. Và nếu học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản của sách giáo khoa thì đều có thể đạt điểm trên trung bình. Cùng với đó, sẽ có sự phân tốp điểm cao hơn ngưỡng trung bình để tạo nguồn cho các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh đầu vào.
Trên thực tế của kỳ thi, với việc chỉ có hơn 16 % thí sinh đạt điểm trên trung bình thì vấn đề lại rất không ổn. Khảo sát lại đề thi, các kiến thức được hỏi là khá vụn vặt, kiến thức cơ bản không được coi trọng. Thứ nữa là có những câu hỏi đã đưa vào những khái niệm quá mới, không có trong sách giáo khoa. Điều đó cho thấy việc ra đề là không ổn và khâu phản biện đề thi là không tốt. Nhiều câu hỏi đã vượt quá chương trình THPT và phải là trình độ đại học mới biết để trả lời.
Vì thế, buổi tọa đàm vừa tổ chức là để bàn trên góc độ khoa học, phân tích làm sao để việc thi môn lịch sử phải đạt được quan điểm chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Tức là đạt được mục tiêu “phục vụ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia” và không gây hoang mang cho học sinh cùng giáo viên. Vấn đề đặt ra là tại sao các môn địa lý, giáo dục công dân cũng là cùng tổ hợp về khoa học xã hội nhưng lại không có kết quả quá thấp như lịch sử (?).
Có những mâu thuẫn đang tồn tại là nếu trọng tâm kỳ thi là để tốt nghiệp THPT thì Ban ra đề chỉ nên ra đề với những kiến thức cơ bản nhất, những vấn đề lớn nhất của lịch sử dân tộc và không mang tính đánh đố học sinh, đảm tính thống nhất và rõ ràng trong đáp án ở tất cả các mã đề.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - nơi đã diễn ra buổi tọa đàm “Chất lượng môn Lịch sử từ kỳ thi THPT quốc gia năm 2018”
|
Quan điểm cá nhân của tôi cho rằng, nếu như để phục vụ mục đích tốt nghiệp THPT mà kiểm tra kiến thức trên diện rộng thì phương pháp thi trắc nghiệm có thể đạt được. Tuy nhiên, phương pháp này không thể thay được những câu hỏi tự luận như các kỳ thi trước đây. Lịch sử cũng như văn học, đó là những môn học tư duy, đòi hỏi người học phải biết phân tích, lập luận, biết thu thập các thông tin từ nhiều nguồn khác nhau để đưa ra quan điểm, chính kiến của mình.
Vậy trên quan điểm cá nhân, ông có ủng hộ hình thức thi trắc nghiệm với môn lịch sử không?
Với cá nhân tôi, trước hết phải đặt vấn đề xem mục đích của kỳ thi là gì. Nếu như chỉ để phục vụ tốt nghiệp thì vẫn có thể duy trì phương pháp trắc nghiệm. Cũng cần phải nhìn vào thực tế rất tốt của thi trắc nghiệm với môn địa lý. Như vậy, một lần nữa phải nhắc lại vấn đề tồn tại đang nằm ở khâu ra đề.
Còn nếu bên cạnh mục đích phục vụ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia đề thi còn phục vụ cả mục đích tuyển chọn, tạo nguồn cho tuyển sinh đại học, cao đẳng thì hệ thống câu hỏi tuy vẫn phải nằm trong nội dung cơ bản của sách giáo khoa nhưng những câu hỏi ở phần “vận dụng” và “vận dụng cao” phải có chất lượng tốt hơn, đòi hỏi học sinh phải vận dụng kiến thức nhiều hơn, có liên hệ với thực tiễn.
Và điều quan trọng nhất là không đánh đố học sinh, không hỏi những kiến thức mà các em không được học hoặc không được đề cập đến trong nội dung của sách giáo khoa, hỏi những kiến thức cơ bản, cốt lõi, mỗi câu chỉ có duy nhất một đáp án đúng, cần tránh tình trạng hỏi chỉ để hỏi, không nhằm mục đích gì cả, cũng chẳng kiểm tra được cái gì.
Một điều rất quan trọng nữa là những người tham gia đề thi, nhất là người chịu trách nhiệm chính phải nắm vững lý thuyết kiểm tra đánh giá, làm sao để các câu hỏi ở các mã đề tất cả học sinh phải hiểu như nhau, chỉ nên hỏi những kiến thức cơ bản, không râu ria, từ ngữ trong mỗi câu hỏi phải chuẩn xác tiếng Việt, tránh việc dẫn đến hiểu lập lờ, không rõ ràng.
Từ thực tế của ngoại ngữ mà đa phần là tiếng Anh, nếu như chỉ thi hoàn toàn trắc nghiệm thì cũng không đánh giá được hết trình độ của học sinh. Với hình thức trắc nghiệm cho tiếng Anh, nhiều em đã đạt điểm tối đa song nếu khi trong đề thi có cả phần thi tự luận thì rất ít em đạt điểm tối đa.
Vì thế, với môn lịch sử nên kết hợp cả phần thi trắc nghiệm (chiếm 60%) và phần thi tự luận (chiếm 40%). Phần tự luận cần có đáp án rõ ràng, barem điểm và tổ chức chấm độc lập. Các phiếu trả lời trắc nghiệm và phần tự luận tách thành hai bài thi có cùng mã phách, chấm xong ghép điểm để ra điểm chung.
Theo ý kiến của một giáo viên lịch sử đã được VietTimes phản ánh, việc thi trắc nghiệm với môn lịch sử đang làm khó cho giáo viên. Thay vì những bài giảng mang tính truyền cảm thì họ phải chuyển sang giảng dạy xung quanh những câu hỏi cùng phương án trả lời. Ông nghĩ gì về ý kiến này?
Tôi cho rằng ý kiến này cũng hoàn toàn có cơ sở. Lịch sử và văn học là những môn về khoa học xã hội và có quan hệ mật thiết với nhau. Dạy lịch sử thay vì hành văn để truyền cảm mà chuyển sang dạng câu hỏi và các phương án trả lời thì đúng là có phần gây khó với nhiều người.
Nhiều giáo viên môn lịch sử cho rằng hình thức thi trắc nghiệm đang làm khó với các bậc thầy trong việc dạy học
|
Có thể lấy một thí dụ cụ thể, nếu muốn kiểm tra thí sinh về Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam, để thực sự hiểu được những vấn đề cơ bản liên quan đến cuộc cách mạng này thì thí sinh phải hiểu những thay đổi của bối cảnh lịch sử trong nước và quốc tế trong những năm 1939-1945 có ảnh hưởng và tác động như thế nào đến cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc, để thấy được việc Mặt trận Việt Minh đã tranh thủ được cơ hội “ngàn năm có một” để giành chính quyền như thế nào, Đảng Cộng sản Đông Dương đã tiến hành chuẩn bị cho cuộc cách mạng này trong suốt 15 năm (1930-1945) ra sao v.v... Điều này chỉ thể hiện đạt được với hình thức thi tự luận. Còn với hình thức trắc nghiệm cho những kiến thức này thì không thể đánh giá hết được trình độ lập luận và năng lực tư duy của học sinh.
Theo các thông tin được một số báo chí phản ánh về buổi tọa đàm vừa qua, Hội Giáo dục Lịch sử sẽ chính thức kiến nghị với Bộ GD-ĐT về hình thức thi tốt nghiệp THPT với môn lịch sử. Xin ông cho biết, quan điểm của Hội có là đề nghị bỏ thi trắc nghiệm hay không?
Trong dự thảo kiến nghị, lãnh đạo Hội Giáo dục Lịch sử Việt Nam đưa ra một số kiến nghị để gửi đến Bộ GD-ĐT và một số cơ quan chức năng:
1. Chất lượng dạy học lịch sử ở trường phổ thông hiện nay, bên cạnh những ưu điểm, vẫn còn tồn tại không ít hạn chế, bất cập và chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới, cũng như mong muốn của toàn xã hội.
Thực trạng trên đây là hệ quả của nhiều nguyên nhân, trong đó, bên cạnh những nguyên nhân sâu xa, như sự coi nhẹ vị trí môn học của không ít học sinh, phụ huynh và các cấp quản lý, còn có nguyên nhân từ những hạn chế về Nội dung, về Chương trình và Sách giáo khoa, về Phương pháp và Phương tiện dạy học, đặc biệt là về quan điểm, nội dung và hình thức Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập lịch sử của học sinh.
Việc khắc phục và tiến tới thay đổi cơ bản những hạn chế trên đây là yêu cầu cấp bách, nhưng cần phải có thời gian và sự vào cuộc của các ngành, các cấp, trong đó có vai trò và vị trí trực tiếp của đội ngũ đông đảo những người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy lịch sử trong cả nước.
2. Liên quan đến kết quả môn lịch sử của kỳ thi THPT 2018, Hội nghị khẳng định, bên cạnh tác động của cơ cấu môn học khi chọn nghề, thì nguyên nhân quan trọng nhất, giữ vai trò chủ yếu và trực tiếp nhất dẫn đến kết quả yếu kém một cách đột xuất ở đồng loạt các địa phương trong cả nước vừa qua, là những hạn chế của đề thi, từ quan điểm đến nội dung và cách thức ra đề cụ thể.
Việc lẫn lộn và đánh tráo giữa nguyên nhân sâu xa và nguyên nhân trực tiếp, dẫn tới việc đổ lỗi cho chất lượng dạy học của đội ngũ giáo viên cũng như năng lực của học sinh trong kỳ thi vừa qua là không đúng, thiếu cơ sở khoa học, thực tiễn và sẽ để lại những tác động không tốt đối với giáo viên và học sinh trong dạy học lịch sử ở trường phổ thông hiện nay.
Chính vì thế, bên cạnh việc tiến hành đồng bộ các biện pháp đổi mới, hội nghị kiến nghị Bộ GD và ĐT cần quan tâm nhiều hơn đến hoạt động kiểm tra – đánh giá, đặc biệt khi tổ chức Ban đề thi môn lịch sử, cần chọn lựa các chuyên gia không chỉ về khoa học lịch sử, mà còn phải nắm vững lý luận dạy học, có trình độ chuyên môn về kiểm tra đánh giá, cũng như am hiểu thực tiễn phổ thông.
3. Kết quả yếu kém của bộ môn lịch sử qua kỳ thi THPT quốc gia 2018 vừa qua, cho dù xuất phát từ những nguyên nhân sâu xa và trực tiếp như thế nào đi nữa, thì hơn lúc nào hết, đó tiếp tục là tiếng chuông cảnh báo về chất lượng dạy học và giáo dục lịch sử hiện nay trước yêu cầu của công cuộc đổi mới.
Nhân dịp này, BCH Hội Giáo dục Lịch sử Việt Nam và các đại biểu tham dự hội nghị trân trọng đề nghị Đảng và Nhà nước, Bộ GD-ĐT cùng các cơ quan, ban ngành và lãnh đạo các địa phương cũng như nhân dân cả nước, tiếp tục giành cho việc dạy học lịch sử sự quan tâm đặc biệt, nhằm sớm khắc phục những hạn chế và bất cập trong dạy học lịch sử hiện nay.
Bởi vì, sự hứng thú, ý thức trách nhiệm và chất lượng nhận thức lịch sử của học sinh luôn là nhân tố trực tiếp và nền tảng trong trong hành trang tri thức và nhân cách của thế hệ trẻ - một trong những hạt nhân trung tâm góp phần vào việc giáo dục tư tưởng, đạo đức, giáo dục truyền thống dân tộc và truyền thống cách mạng, giáo dục lý tưởng và niềm tin của thế hệ trẻ đối với đất nước và dân tộc trong hôm nay và tương lai mai sau.
Xin cám ơn ông!
Câu 35 mã đề 301 viết: Trong thời kỳ 1954 - 1975, đâu là một trong những nguyên nhân trực tiếp làm cho Việt Nam trở thành nơi diễn ra "sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và tính thời đại sâu sắc"? Đáp án của câu này là "Ý chí thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam". Câu 30 mã đề 302 cũng hỏi như vậy nhưng đáp án là một ý đúng khác: "Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược toàn cầu sang Việt Nam". Hai câu trên cho thấy đây là kiểu câu giải thích, trong đó đề thi chia tách các ý giải thích cho một câu thành nhiều phương án đúng cho các câu khác nhau. Muốn trả lời nhanh và đúng câu này, thầy - trò phổ thông phải chuẩn bị trước, tức là biết đặt ra và đi tìm nguyên nhân cho câu hỏi nói trên. Việc này khó cho thí sinh vì câu hỏi trên đây cao hơn kiến thức phổ thông, quá sức học sinh, thậm chí với không ít sinh viên. TS Tưởng Phi Ngọ - nguyên Phó chủ nhiệm Khoa Lịch sử-Trường ĐH Sư phạm TPHCM |