90% điểm Sử đạt dưới trung bình, giới sử học muốn bỏ thi trắc nghiệm THPT môn Lịch sử

VietTimes -- Sáng 29/7, tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã diễn buổi tọa đàm “Chất lượng môn Lịch sử từ kỳ thi THPT quốc gia năm 2018”. Trước đó, tại kỳ thi năm 2017, hơn 40% bài thi môn Lịch sử đạt điểm trên trung bình, trong đó hơn 100 bài đạt điểm 10 tuyệt đối. Nhưng chỉ sau một năm, có đến 90% thí sinh đạt điểm Sử dưới trung bình.
Với hình thức thi trắc nghiệm, giáo viên không thể truyền cảm hứng cho học sinh với môn Lịch sử.
Với hình thức thi trắc nghiệm, giáo viên không thể truyền cảm hứng cho học sinh với môn Lịch sử.

Trước buổi tọa đàm, không ít giáo viên dạy lịch sử đã bày tỏ sự bức xúc trên các diễn đàn mạng, khi bị “đổ lỗi” về chất lượng thi của môn học này. Còn tại tọa đàm, vấn đề được tập trung vào nguyên nhân chính: đó là đề thi.

Theo GS Đỗ Thanh Bình – giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đề thi môn lịch sử năm nay có rất nhiều vấn đề, chẳng hạn như: nhiều câu hỏi mang tính đánh đố (không hẳn là phân hóa), chưa phù hợp với tư duy lứa tuổi học sinh; nhiều câu hỏi quá khó; nhiều khái niệm thuật ngữ quá khó, mang tính “đánh lừa” học sinh. Có những thí sinh phản ánh đã “quét sạch sách giáo khoa mà không thể làm được”. Nhóm làm đề ra nhiều thuật ngữ khó đến mức thí sinh đọc không hiểu gì. Thậm chí có câu hỏi có 2 đáp án đúng…

Khá nhiều giáo viên đã cho biết, chính họ cũng gặp khó khăn với đề thi lịch sử. Bên cạnh những câu hỏi có nhiều đáp án đúng nên khó có thể chọn phương án nào thì có điểm còn nhiều câu khó hiểu, không hỏi trúng bản chất của sự kiện lịch sử.

Đề nghị đưa môn lịch sử về hình thức thi tự luận như trước đây là ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà giáo tại tọa đàm. Một số giáo viên cho rằng để học sinh thích học sử, cần có những đổi mới sáng tạo để các em được trải nghiệm qua hoạt động, mở rộng không gian lớp học ra bảo tàng, di tích, nghe các nhà sử học nói chuyện…

Riêng với hình thức thi trắc nghiệm, hệ quả là sự vụn vặt, thậm chí máy móc khiến học sinh bị áp lực, căng thẳng, sợ học lịch sử hoặc từ chối chọn lịch sử để tập trung vào các môn học khác.

PGS Trịnh Đình Tùng - Tổng thư ký Hội Giáo dục Lịch sử Việt Nam nhất trí với đề nghị bỏ thi trắc nghiệm môn Lịch sử. Ảnh: VnExpress
 PGS Trịnh Đình Tùng - Tổng thư ký Hội Giáo dục Lịch sử Việt Nam nhất trí với đề nghị bỏ thi trắc nghiệm môn Lịch sử. Ảnh: VnExpress

Đáp lại bức xúc và kỳ vọng của các đại biểu, PGS Trịnh Đình Tùng, Tổng thư ký Hội Giáo dục Lịch sử Việt Nam, cho biết Hội sẽ gửi văn bản đến Bộ GD-ĐT đề nghị bỏ thi trắc nghiệm môn Lịch sử, thay bằng tự luận. Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam Trần Đức Cường cũng khẳng định sẽ có kiến nghị chính thức đến Nhà nước, Quốc hội, Bộ GD-ĐT về vấn đề thi tốt nghiệp THPT với môn Lịch sử.

Nhà giáo Trần Trung Hiếu – Giáo viên môn Lịch sử tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An):

"Năm 2016, khi Bộ GD-ĐT quyết định thi tốt nghiệp THPT bằng hình thức trắc nghiệm trong đó có môn Lịch sử thì tôi là một trong những người đầu tiên phản đối trên công luận.

Trước hết, chính đội ngũ giáo viên lịch sử phải đối mặt với hình thức thi mới vì phải dạy và học xung quanh những câu hỏi và phương án trả lời, không truyền cảm được cho học sinh.

Hình thức thi trắc nghiệm sẽ rất khó đánh giá chính xác chất lượng học của học sinh, khó đánh giá chính xác chất lượng của bài thi."