Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư Hà Nội), vụ việc này có dấu hiệu phạm tội hình sự. Ông Vũ Trọng Lương – Phó phòng Khảo thí và Quản lý Chất lượng Sở GD-ĐT Hà Giang đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để can thiệp sửa kết quả bài thi.
Theo luật sư Thơm, bước đầu hành vi này có dấu hiệu phạm tội giả mạo trong công tác được quy định tại điều 359 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ để sửa chữa, làm sai lệch nội dung, giấy tờ, tài liệu sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt cao nhất là 20 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội có có thể bị phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng.
Trong quá trình điều tra, nếu phát hiện ông Lương nhận tiền hoặc lợi ích vật chất thì cần truy cứu trách nhiệm hình sự tội “nhận hối lộ” tại điều 354 Bộ luật Hình sự 2015.
Còn theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn Luật sư TPHCM), ông Vũ Trọng Lương đã vi phạm điểm d, khoản 1 điều 48 Thông tư 04 năm 2017 của Bộ GD-ĐT về quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Theo đó, người vi phạm sẽ bị buộc thôi việc hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi “cố ý chữa điểm trên bài thi, trên biên bản chấm thi hoặc trong bảng điểm”.
Xung quanh sự việc này, TS Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT - cho rằng, để làm được việc thay đổi điểm thi, chắc chắn ông Vũ Trọng Lương phải có sự thông đồng với người khác.
Cũng không loại trừ việc ông này chịu áp lực nào đó và có “chống lưng”, chứ chỉ một mình thì không thể làm được. Để sửa điểm một bài thi thì không thể nào thực hiện trong mấy giây được - TS Vinh khẳng định.
ThS Hứa Minh Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – Marketing cũng khẳng định, với quy trình chấm thi trắc nghiệm hiện nay thì không thể có chuyện một mình ông Lương gian lận được. Thành phần tổ xử lý bài thi trắc nghiệm gồm tổ trưởng là lãnh đạo ban chấm thi; các thành viên là cán bộ và kỹ thuật viên; bộ phận giám sát gồm công an và cán bộ thanh tra. Bất kỳ một cá nhân nào đều không được phép một mình tự ý mở khóa phòng chấm thi để vào xử lý được. Như vậy, phải có sự tham gia của toàn bộ ban chấm thi, thư ký, giám sát, chứ không chỉ có một người.
Cần làm rõ trách nhiệm của trưởng ban chấm thi và tất cả những người liên quan trong hội đồng chấm thi - ThS Tuấn kiến nghị.
PGS TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho rằng, việc chấm thi THPT Quốc gia không nên giao cho các địa phương chấm nữa, mà nên trả lại cho các trường ĐH chấm dưới sự quản lý của Bộ GD-ĐT và cơ quan chức năng thì sẽ khách quan, công bằng và chọn lựa được đúng thí sinh xuất sắc nhất vào trường ĐH.
TS Quách Tuấn Ngọc - nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ GD-ĐT - thì đề xuất tổ chức chấm thi theo Cụm (theo vùng miền) do trường ĐH chủ trì. "Nghĩa là sau khi thi xong thì niêm phong ngay túi bài thi, chuyển về chấm theo Cụm” - ông Ngọc giải thích thêm.
Theo thông tin từ Công an tỉnh Hà Giang, hiện cơ quan điều tra chưa khởi tố hình sự liên quan đến vụ việc này. Một cán bộ của Công an tỉnh cho biết, sự việc mới dừng ở mức họp báo để công khai thông tin của đoàn thanh tra Bộ GD-ĐT. Còn các nội dung khác thì cơ quan công an đang tính. Các bước xử lý tiếp theo sẽ được thực hiện khi có kết quả công khai.
Qua rà soát về điểm thi ở Hà Giang, có 114 thí sinh với 330 bài thi được nâng điểm, mức điểm chênh lên từ 1,0 đến 8,75 điểm.
Sau khi chấm thẩm định lại, tỉnh Hà Giang đã cập nhật lại điểm thi của thí sinh. Theo đó, nhiều thí sinh của tỉnh đã giảm điểm và không không còn nằm trong nhóm các thí sinh có số điểm cao nhất cả nước.
|