Theo Economist, một loại hàng hoá mới tạo ra một ngành công nghiệp phát triển nhanh và sinh lợi, khiến các nhà quản lý chống độc quyền phải tiến hành kiềm chế những công ty đang kiểm soát nó. Cách đây một thế kỷ, tài nguyên được đề cập trong nhận định trên là dầu mỏ. Giờ đây, mối lo ngại tương tự đang diễn ra với các công ty dữ liệu khổng lồ - thứ dầu mỏ của kỷ nguyên số.
Dường như không có gì ngăn cản được những người khổng lồ - Alphabet (công ty mẹ của Google), Amazon, Apple, Facebook và Microsoft. Họ là 5 công ty có giá trị cao nhất trên thế giới hiện nay. Lợi nhuận của họ đang tăng lên, chỉ tính riêng trong quý 1/2017, những công ty này đã thu về 25 tỷ USD lợi nhuận hoạt động. Amazon chiếm một nửa số đô la chi tiêu trực tuyến ở Mỹ. Google và Facebook chiếm gần như tất cả sự tăng trưởng doanh thu trong quảng cáo số ở Mỹ năm ngoái.
Sự thống trị này đã làm bùng phát các tranh luận về độc quyền, phá vỡ sự cân bằng của thị trường giống như từng diễn ra với dầu mỏ những năm đầu thế kỷ 20. Quy mô khổng lồ của các công ty này không vi phạm pháp luật. Sự thành công của những gã khổng lồ đã mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Rất ít người muốn sống mà không có công cụ tìm kiếm của Google, dịch vụ giao hàng một ngày của Amazon hoặc Facebook newsfeed. Và không thể phủ nhận rằng nhiều dịch vụ của họ là miễn phí (người dùng có thể trả phí để được thêm tính năng hoặc dữ liệu). Và sự xuất hiện của những công ty mang tính tiên phong như Snapchat cho thấy những cái tên mới tham gia thị trường vẫn có thể gặt hái được thành công.
Nhưng có nhiều lý do để lo lắng. Kiểm soát dữ liệu của các công ty Internet mang lại cho họ sức mạnh to lớn. Những cách suy nghĩ cũ về cạnh tranh, được nghĩ ra trong thời đại dầu lửa, đã trở nên lỗi thời trong "nền kinh tế dữ liệu". Vì vậy, một cách tiếp cận vấn đề mới là cần thiết.
Số lượng dữ liệu có ý nghĩa riêng của nó
Những gì đã thay đổi? Điện thoại thông minh và Internet đã làm cho dữ liệu phong phú, phổ biến và có giá trị hơn rất nhiều. Cho dù bạn đang chạy, xem truyền hình hay thậm chí chỉ ngồi trên xe cộ, hầu như mọi hoạt động tạo ra một dấu vết kỹ thuật số, hay nói cách khác là nguyên liệu cho các bộ máy lưu trữ dữ liệu.
Khi các thiết bị từ đồng hồ đến ôtô đều sử dụng kết nối Internet, khối lượng dữ liệu ngày càng tăng: người ta ước tính rằng một chiếc xe tự lái tạo ra 100 gigabyte dữ liệu mỗi giây. Trong khi đó, trí thông minh nhân tạo (AI) như máy học rút ra được nhiều giá trị hơn từ dữ liệu. Các thuật toán có thể dự đoán khi nào một khách hàng sẵn sàng để mua hoặc một vị khách có nguy cơ bị mắc bệnh hay không. Các đại gia công nghiệp như GE và Siemens bây giờ phải bán mình cho các công ty dữ liệu.
Sự phong phú của dữ liệu này làm thay đổi bản chất của cạnh tranh. Những người khổng lồ công nghệ luôn có lợi từ hiệu ứng mạng: càng có nhiều người dùng đăng ký Facebook thì mạng xã hội này càng trở nên hấp dẫn với những người khác. Bằng cách thu thập thêm dữ liệu, một công ty có nhiều lợi thế hơn để cải tiến sản phẩm, thu hút thêm người dùng, tạo ra nhiều dữ liệu hơn, v.v ... Tesla tập trung vào xe hơi tự lái. Trong quý đầu tiên, họ chỉ bán được 25.000 chiếc ô tô nhưng nhờ các hiệu ứng truyền thông, giờ đây công ty này có giá trị hơn GM – công ty bán ra được 2,3 triệu chiếc cùng thời điểm.
Truy cập dữ liệu cũng bảo vệ các công ty khỏi các đối thủ bằng một cách khác. Hệ thống giám sát của những người khổng lồ vượt lên trên cả nền kinh tế: Google có thể nhìn thấy những gì mọi người tìm kiếm, Facebook kiểm soát những gì bạn chia sẻ, Amazon thống kê được những gì bạn mua. Họ sở hữu các cửa hàng ứng dụng, hệ điều hành và họ nhìn rõ những gì đang xảy ra trong lĩnh vực của mình và xa hơn nữa. Họ có thể nhìn thấy khi nào một sản phẩm hoặc dịch vụ mới có được sức hút.
Chính điều này giúp các công ty lớn quyết định mua lại các công ty nhỏ hơn hoặc startup trước khi nó trở thành mối đe dọa. Nhiều người cho rằng việc mua lại WhatsApp – một ứng dụng với công ty chưa đầy 60 nhân viên - năm 2014 của Facebook là nhằm loại bỏ đối thủ tiềm năng. Bằng cách cung cấp và nắm những các cảnh báo sớm, những gã khổng lồ này sẽ làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường.
Chống độc quyền dữ liệu như thế nào?
Bản chất của dữ liệu khiến cho các biện pháp chống độc quyền truyền thống ít có hiệu quả. Vì vậy, cần phải có một cách tiếp cận mới đối với vấn đề này:
Thứ nhất, các cơ quan chống độc quyền cần phải chuyển tư duy từ kỷ nguyên công nghiệp sang thế kỷ 21. Ví dụ, khi xem xét việc sáp nhập, họ thường đánh giá mức độ lớn nhỏ của các công ty để xác định khi nào cần canh thiệp. Bây giờ họ cần phải tính đến phạm vi tài sản dữ liệu của công ty khi đánh giá tác động của giao dịch. Giá mua cũng là một yếu tố cho thấy giao dịch này có ảnh hưởng nhiều đến thị trường hay không. Ví dụ, Facebook sẵn sàng chi trả rất nhiều cho WhatsApp, vốn không có doanh thu. Các cơ quan chống độc quyền phải có nhiều dữ liệu hơn để phân tích động lực của các vụ sáp nhập này.
Nguyên tắc thứ hai là các công ty có thể buộc phải tiết lộ cho người tiêu dùng những thông tin họ nắm giữ và họ kiếm được bao nhiêu tiền từ nó. Các chính phủ có thể khuyến khích sự xuất hiện của các dịch vụ mới bằng cách mở thêm kho dữ liệu của họ hoặc quản lý những phần quan trọng của nền kinh tế dữ liệu như là cơ sở hạ tầng công cộng, ví dụ như Ấn Độ với hệ thống nhận diện số Aadhaar. Họ cũng có thể yêu cầu chia sẻ một số loại dữ liệu nhất định, với sự đồng ý của người dùng. Châu Âu hiện nay yêu cầu các dịch vụ tài chính ngân hàng phải làm cho dữ liệu khách hàng có thể truy cập được từ một số bên thứ 3 (đặc biệt là với các cơ quan thực thi pháp luật).
Việc chống độc quyền trong thời đại thông tin sẽ không dễ dàng. Nó sẽ gây ra những rủi ro mới: ví dụ như chia sẻ dữ liệu nhiều hơn có thể đe dọa đến sự riêng tư. Nhưng nếu các chính phủ không muốn một nền kinh tế dữ liệu thống trị bởi một vài gã khổng lồ, họ sẽ phải hành động sớm.
Liệu bạn đã bao giờ tự hỏi, mỗi ngày bạn lên mạng đã "cho đi" bao nhiêu dữ liệu và những dữ liệu về bạn đáng giá bao nhiêu?