Đào Tiến Thi
Đào Tiến Thi

Nhà giáo - nhà nghiên cứu ngôn ngữ

E-magazine Đang có sự hiểu sai về "văn mẫu"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau phát biểu của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn về "văn mẫu", nhà giáo - nhà nghiên cứu ngôn ngữ Đào Tiến Thi đã bày tỏ quan điểm cá nhân về vấn đề này. 

Theo tường thuật của báo VietnamNet, tại hội nghị tổng kết năm học 2020 - 2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nói: "Riêng với môn Ngữ văn, cần chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu, dẫn tới triệt tiêu sự sáng tạo của thầy và trò". (VietTimes ngày 14/8/2021 cũng có bài bình luận của tác giả Minh Tuấn cổ vũ chủ trương này, gây được không khí thảo luận rất sôi nổi – BBT).

Phát biểu trên của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã dẫn đến những cuộc tranh luận trong giáo giới và văn giới, người đồng ý, người phản đối. Lẽ ra, thông thường, trước khi đưa ra quan điểm, người nói phải giới thuyết để "khoanh vùng" khái niệm thế nào là "văn mẫu", "bài mẫu", thế nào là "học theo văn mẫu, bài mẫu", thì việc trao đổi, tranh luận dễ dàng hơn, tránh tình trạng "ông nói gà, bà nói vịt" và nhiều ngộ nhận cho vấn đề.

Đã có một đối tượng gọi là "mẫu" thì tất có sản phẩm sinh ra từ mẫu. Ta tạm quy ước bài văn mẫu là "bài mẹ", bài sinh ra từ bài văn mẫu là "bài con", thì "bài con" sẽ có những nét tương tự "bài mẹ", nhưng không phải là "bài mẹ". Như vậy, nó khác hẳn trường hợp học sinh sao chép (copy), tức là nhân ra nhiều bản cùng nội dung y hệt nhau; theo cách này dẫu nhân ra cả triệu bản thì vẫn chỉ có một bài (một văn bản), khi đó không có "bài mẹ", cũng chẳng có "bài con". Như thế không thể gọi là "học theo văn mẫu" theo đúng nghĩa của từ "học" trong giáo dục.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chắc chắn không thể hiểu sai nghĩa của từ "học". Cho nên, theo tôi hiểu, câu nói của ông "Cần chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu, dẫn tới triệt tiêu sự sáng tạo của thầy và trò" không thể dùng theo nghĩa "copy" nói trên mà chắc hẳn phải theo nghĩa đúng, nghĩa chân chính của từ này.

Và nếu cách hiểu của tôi là đúng thì đó là một quan điểm sai và hoàn toàn phi thực tế.

Một số sách giáo khoa môn Tập làm văn những năm 1980 và 1990 thế kỷ trước

Một số sách giáo khoa môn Tập làm văn những năm 1980 và 1990 thế kỷ trước

Việc dùng bài văn mẫu để dạy trong phân môn Tập làm văn (Làm văn) là phương pháp có từ xưa đến nay, có thể nói đã trở thành kinh điển, Quy trình thông thường là:

Bước 1. Dùng một hoặc một vài bài văn hay và tiêu biểu cho kiểu văn bản làm mẫu mực (bài mẫu), đem ra phân tích để hiểu rõ về chủ đề, cảm hứng, giọng điệu, nội dung, bố cục, cách sử dụng từ ngữ, sử dụng các phép tu từ, v.v. trong bài văn.

Bước 2. Từ kết quả phân tích ở bước 1 rút ra các đặc trưng kiểu của văn bản (tả người, con vật, tả cảnh thiên nhiên, tả cảnh sinh hoạt, kể chuyện, nghị luận xã hội, nghị luận văn học, thuyết minh (khoa học), hành chính - công vụ, v.v.) và phương pháp làm các kiểu bài này. Khi nêu các kết luận, để học sinh có cái nhìn rộng hơn về một kiểu văn bản, sách giáo khoa và thầy cô còn có thể mở rộng thêm bằng một số văn bản (hay trích đoạn văn bản) khác. Văn bản để củng cố lý thuyết này cũng là mẫu cho một khía cạnh nào đó.

Bước 3. Vận dụng vào bài viết. Ví dụ, từ trích đoạn Hội vật (truyện Ông Cản Ngũ của Kim Lân), học sinh tả một hội vật ở quê mình, từ bài văn Phong cảnh làng mạc ngày mùa (Tô Hoài), học sinh tả cảnh làng quê mình vào mùa gặt. Từ bài nghị luận Sức sống của dân Việt Nam qua ca dao, cổ tích của Nguyễn Đình Thi, học sinh viết về tinh thần lạc quan của nhân dân Việt Nam thể hiện trong một hoặc một số truyện cổ tích theo yêu cầu của thầy cô giáo. v.v. Cũng như vậy khi các em tả con chó, bác hàng xóm, dòng sông, phân tích nhân vật Thúy Kiều,... mỗi em sẽ có con chó nhà em, bác hàng xóm của gia đình em, dòng sông quê em, nàng Thúy Kiều của em,...

Một số sách giáo khoa Quốc văn của miền Nam trước 1975

Một số sách giáo khoa Quốc văn của miền Nam trước 1975

Sơ qua như thế cũng đã thấy: việc sử dụng bài văn mẫu là tất yếu, là chuyện phải "có bột mới gột nên hồ". Không có bài văn mẫu không thể dạy học sinh làm văn được.

Trong cuộc sống, ta thấy rất nhiều kiểu học theo mẫu. Trẻ em học tiếng mẹ đẻ bằng cách mô phỏng mẫu ngữ âm, từ vựng, cú pháp,... mà người lớn nói. Học ngoại ngữ cũng bắt đầu từ các mẫu như vậy. Các nhà văn khi bắt đầu viết văn cũng thường mô phỏng các nhà văn đi trước. Nhìn rộng ra, hầu như bất cứ ai học một công việc, một nghề gì cũng bắt đầu từ làm theo mẫu,... Mẫu ngự trị ở khắp nơi, sao lại bảo không học theo bài văn mẫu?

Học theo văn mẫu có hạn chế sáng tạo không? Không hề. Trái lại, phải biết làm theo mẫu (cái chuẩn mực) đến mức nào đó thì sau đó mới có sáng tạo.

Vả lại, phải hiểu như thế nào là sáng tạo? Sáng tạo ít nhất có hai mức độ: 1. Biết vận dụng lý thuyết (cái chung, cái chuẩn mực) vào hoàn cảnh, đối tượng cụ thể; 2. Biết tạo ra cái hoàn toàn mới (vượt qua cái chuẩn mực).

Theo mức độ thứ nhất, học sinh biết vận dụng vào đối tượng cụ thể như nêu ở các ví dụ trên, thế là sáng tạo. Còn theo nghĩa thứ hai, nhìn chung là rất hiếm với học sinh, nếu có được là một sự may mắn, chứ trong dạy học cũng không yêu cầu phải đạt như thế.

Một trang trong sách Việt luận của nhà giáo Nghiêm Toản (miền Nam trước 1975)

Một trang trong sách Việt luận của nhà giáo Nghiêm Toản (miền Nam trước 1975)

Trong môn Ngữ văn, hiện tượng dạy và học theo lối "mì ăn liền" – học thuộc lòng "bài mẫu" hay cóp nhặt những đoạn "mẫu" để ghép thành bài, phục vụ cho kiểm tra, thi cử – là hiện tượng phải chống. Đó không phải là học theo văn mẫu. Nhưng nếu nhầm lẫn từ hiện tượng sao chép đó sang việc sử dụng văn mẫu để rồi nêu thành mệnh đề chống học theo mẫu là sai lầm còn nghiêm trọng hơn, vì như thế là đi ngược quy luật dạy học nói chung và đi ngược quy luật dạy và học phân môn Tập làm văn nói riêng.