Ngữ liệu, bao gồm từ ngữ, câu, đoạn văn, văn bản, trong dạy học môn Tiếng Việt – với tư cách dạy tiếng mẹ đẻ – là vô cùng quan trọng. Ngoài dùng để dạy kiến thức, kỹ năng ngôn ngữ, nó còn bồi dưỡng cho học sinh (HS) các tình cảm nhân bản, trong đó có tình yêu tiếng mẹ đẻ.
GS. Hồ Ngọc Đại, tác giả bộ sách Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục (TV1 – CNGD), chủ trương “chân không về nghĩa”, tức là không cần hiểu nghĩa (chỉ cốt HS đọc được, viết được, bằng cách phân giải cấu trúc ngữ âm của tiếng).
Điều này, một mặt, không đúng với bản chất của ngôn ngữ, như nhiều nhà nghiên cứu đã nói. Mặt khác, trong thực tế, nhiều giáo viên (GV) cho chúng tôi biết, gặp những từ ngữ này, HS luôn luôn hỏi và khi HS hỏi thì thầy cô không thể không trả lời. Và nhìn chung GV rất lúng túng, bởi nhiều khi chính họ cũng không hiểu, hoặc dù biết rõ thì diễn giải được nghĩa đó cho HS nhỏ cũng chẳng dễ dàng gì. Cách đây mấy năm đã có một số bài báo phê phán việc chọn dùng ngữ liệu trong bộ sách Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục (TV1 – CNGD).
Bài viết này nói riêng về ngữ liệu từ ngữ.
Ngữ liệu từ ngữ nói ở đây bao gồm từ, cụm từ, thành ngữ, và một phần nào đó có cả một số câu tục ngữ. Trừ từ “biển” nằm trong một tổ hợp gồm 2 câu luyện đọc còn tất cả thuộc loại ngữ liệu dùng “rời” (tách khỏi văn bản), chúng tôi xin gọi chung là ngữ liệu từ ngữ để phân biệt với ngữ liệu văn bản sẽ nói ở phần 2.
Sách giáo khoa thử nghiệm Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục
|
Ngữ liệu từ ngữ trong TV1 – CNGD có một số ưu điểm nhất định. Đó là sự phong phú, đa dạng. Tác giả đã cố gắng tận dụng lời ăn tiếng nói của người Việt ở mọi miền đất nước. Để phục vụ việc học âm, vần, tác giả chọn ra những cặp từ ngữ có âm đầu hoặc phần vần đối lập, từ đó giúp HS phân biệt các âm, vần dễ lẫn, nhất là khi viết chính tả, ví dụ: giắt màn/dắt xe, nấn ná/lấn át, vằng vặc/dằng dặc, ăn lạt/ăn lạc, con lươn/tiền lương,…
Ở cuối trang sách của tập 2 (tập học chính về vần), luôn luôn có một thành ngữ chứa vần đó để củng cố, khắc sâu.
Tuy nhiên, TV1 – CNGD cũng có nhiều sai lầm, thiếu sót trong việc chọn dùng ngữ liệu từ ngữ.
Xin lưu ý, những ví dụ dưới đây lấy từ sách TV1 – CNGD, bản in bản năm 2016 trở về trước. Bởi vì năm 2017 và 2018, Bộ Giáo dục – Đào tạo đã thành lập Hội đồng Quốc gia Thẩm định TV1 – CNGD, do đó, như chúng ta thấy, sách in năm 2017 và 2018 đã sửa chữa khá nhiều (chúng tôi sẽ liệt kê một số thay đổi điển hình ở phần Phụ lục).
Với cách phân loại dưới đây, một vài thành ngữ có thể được nhắc đến hơn một lần, vì nó vừa thuộc loại ít dùng, vừa có thể thuộc loại “phản cảm”.
Nhà nghiên cứu ngôn ngữ Đào Tiến Thi. Ảnh: Nhân vật cung cấp
|
1. Từ ngữ khó hiểu với trẻ em lớp 1
Nhận thức của trẻ em lớp 1 (6 tuổi) chủ yếu là nhận thức cảm tính, do đó, những từ ngữ chỉ khái niệm, những từ ngữ mang nghĩa bóng, nhất là các thành ngữ, nhìn chung là khó với các em. Dưới đây là một số ví dụ:
Tập 1: ngã giá (tr.44, tập 1), nhẹ dạ (tr.46), ngô nghê (tr.70), trì trệ (tr.60), nhổ cỏ nhổ cả rễ (tr.54), vô tư vô lự (tr.64).
Tập 2: thu đủ bù chi (tr.4), cò kè, cà kê (tr.5), quỵ lụy (tr.15), giải trình, giãi bày (tr.51), dĩ hòa vi quý (tr.14, thả săn sắt, bắt cá rô (tr.24), lẫn cẫn (tr.26), nham nháp (tr.30), sàm sỡ (tr.31), tạp nham (tr.31), trăm thứ bà giằn (tr.33), vắt chanh bỏ vỏ (tr.44), tào lao, bắt khoan bắt nhặt (tr.59), thấy kẻ sang bắt quàng làm họ (tr.61), biết thân biết phận (tr.71), chí tình chí nghĩa (tr.73), quyết chí tu thân (tr.74), ruột để ngoài da (tr.77), của thiên trả địa (tr.78), tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa (tr.82), quét nhà ra rác (tr.95), hàng thịt nguýt hàng cá (tr.97), con chẳng chê cha mẹ khó (tr.99), bút sa gà chết (tr.101), xung lực (tr.115), xoi mói, nỗi lòng (tr.121), quýt làm cam chịu (tr.128), cứu khổ cứu nạn (tr.129), bâng khuâng trong dạ (tr.135), lưỡi không xương nhiều đường lắt léo (tr.141),…
Những trường hợp trên, nếu giải thích cho HS ở độ tuổi còn non nớt quả là khó. Ví dụ, giải thích “sàm sỡ” là “suồng sã trong quan hệ nam nữ” Đại Từ điển tiếng Việt (TĐTV) được tác giả trích dẫn bổ sung vào sách cho GV sau thẩm định). Ta thấy suồng sã cũng chẳng dễ hiểu hơn sàm sỡ, hơn nữa, với đứa trẻ 6 tuổi, cũng chẳng biết thế nào là “quan hệ nam nữ”.
2. Từ ngữ ít dùng
Cơ sở để xếp vào loại từ ngữ ít dùng, chúng tôi căn cứ vào: 1. Phần chú “id” (ít dùng) trong các từ điển thông dụng; 2. Nó không có trong TĐTV do Hoàng Phê chủ biên, một cuốn từ điển thông dụng nhất mấy chục năm qua, và theo tác giả từ điển, nó đủ dùng cho “những người muốn học tập, trao đổi, tìm hiểu tiếng Việt”.
Những từ ngữ đó chỉ có trong Đại TĐTV do Nguyễn Như Ý chủ biên, một cuốn từ điển đồ sộ, gần như tập hợp tất cả vốn từ vựng có trong tiếng Việt. Ngoài ra, có một vài từ ngữ không thấy ở từ điển nào, nghĩa là từ ngữ đó quá ít dùng, có lẽ chỉ tác giả biết. Một số ví dụ:
Tập 1: bè nhè (tr.46, tập 1), vô tư vô lự (tr.64), bé xé ra to (tr.66).
Tập 2: túy lúy (tr.14), bạt ngàn man dã (tr.21), dặt dè (tr.25), câng cấc (tr.40), cà rịch cà tàng (tr.47), lay bay (tr.50), xập xí xập ngầu (tr.55), luốt đi (tr.77), lút chai, bút sa gà chết (tr.101), xềm xệp (tr.102), xung lực (tr.115), quằm quặm, khuýp khuỳm khuỵp (tr.132), quềnh quàng, huyếch hoác (tr.136).
Tập 3: nên đường (tr.39), quýnh quỳnh (tr.55, tập 3), tiếng bước (tr.61, tập 3)
Một vài nhận xét:
- Các từ ngữ như dặt dè, quýnh quỳnh, nên đường, tiếng bước không rõ nghĩa là gì. Không rõ đó là phương ngữ hẹp (thổ ngữ) hay tác giả tự đặt ra những từ này (nhà văn cũng có thể sáng tạo ra từ ngữ mới, nhưng phải có ngữ cảnh hợp lý; ở đây không có ngữ cảnh thì không ai hiểu dặt dè, quýnh quỳnh là gì).
- Từ luốt (trong luốt đi) chỉ có trong Đại TĐTV với nghĩa “Bị cái lớn hơn át đi, làm cho lu mờ hoặc tiêu tan”. Thành ngữ cà rịch cà tàng cũng chỉ có trong Đại TĐTV, và trong trường hợp này, nhìn vào các thành tố cũng khó mà suy đoán nghĩa.
- Xập xí xập ngầu là một thành ngữ mới du nhập từ tiếng Hán hiện đại, vẫn còn rõ dấu vết ngữ âm phương ngữ tiếng Hán, chưa được đọc theo kiểu Hán – Việt truyền thống.
- Bạt ngàn man dã là một thành ngữ nửa Việt nửa Hán, vừa trừu tượng, vừa ít dùng. Nó không có trong TĐTV mà phải Đại TĐTV mới có. Với vốn đọc của tôi, cho đến nay, tôi chỉ gặp thành ngữ này một lần trong tiểu thuyết Trường đời của Lê Văn Trương (in lần đầu trên Phổ thông bán nguyệt san, 1940) nhưng là bạt ngàn san dã[i].
3. Từ ngữ cổ, thành ngữ gốc Hán
Ví dụ, từ “bể” trong “Hè, cả nhà đi bể nghỉ” (tr.47, tập 1) và “bé Ngân đi nghỉ mát ở bể” (tr.29, tập 2) được tác giả dùng thay cho từ “biển”. Ngày xưa từ bể, ngoài để chỉ bể cá cảnh, bể nước mưa, cũng để chỉ biển (Chớp bể mưa nguồn; Bể sâu còn có người dò/ Lòng người nham hiểm ai đo cho tường), nhưng trong tiếng Việt toàn dân hiện nay, bể không dùng để chỉ biển nữa; bể chỉ là bể bơi, bể cá cảnh (đã thu hẹp nghĩa).
Tác giả dùng số lượng không nhỏ các thành ngữ gốc Hán ở tập 2: dĩ hòa vi quý (tr.14), dĩ ân báo oán (tr.58), quang minh chính đại (tr.60), chí nghĩa chí tình (tr.73), của thiên trả địa (tr.78), nếm mật nằm gai (tr.103), cứu khổ cứu nạn (tr.129). Có cả thành ngữ gốc Hán hiện đại như xập xí xập ngầu (đã nói ở mục 2). Trước khi đi học, vốn từ của độ tuổi này chủ yếu là các từ ngữ liên quan đến cuộc sống hằng ngày, nay bỗng nhiên gặp nhiều thành ngữ này sẽ là một khó khăn không cần thiết cho HS.
4. Từ ngữ là phương ngữ
Thuật ngữ “phương ngữ” để chỉ từ địa phương. Nhưng địa phương ở nước ta được hiểu ở các phạm vi rất khác nhau. Có thể là hai miền Bắc, Nam, có thể là các khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ,… Địa phương có khi chỉ là một huyện, một xã, thậm chí một làng (phương ngữ trong phạm vi làng xã gọi là thổ ngữ). Trong một mức độ nhất định, sách giáo khoa vẫn có thể dùng phương ngữ làm ngữ liệu. Tuy nhiên với những phương ngữ quá hẹp (thổ ngữ) thì không thể dùng, vì không mấy ai hiểu, các từ điển nhiều khi cũng không có. Thế nhưng trong sách này, tác giả khá lạm dụng phương ngữ. Ví dụ, ở tập 2, tác giả dùng: tâng hẩng (tr.40), lềnh đềnh (tr.44), hoan nghinh (tr.59), giải nhứt (tr.101), trời túi, kính gởi (123) làm rùm, (tr.109), nuốm (tr.109), bươi (trong gà bươi, tr.125),... Tập 3 có: nước rặc (tr.35), ná (tr.39).
Lạm dụng phương ngữ, ngoài gây ra khó hiểu, còn ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt.
Trong một số trường hợp, tác giả dùng phương ngữ còn làm rối khái niệm. Ví dụ cái ná trong ngôn ngữ toàn dân chính là cái nỏ (xem TĐTV), nhưng ở đây lại để chỉ cái súng cao su (theo cách gọi miền Bắc) hay giàng thun (theo cách gọi Nam Bộ); gọi là ná (ná thun) có lẽ chỉ một số nơi ở Trung Bộ. Hay lềnh đềnh là con bồ nông, dù có vẽ con bồ nông bên cạnh thì cũng không thể bắt HS gọi con bồ nông là con lềnh đềnh.
5. Từ ngữ “phản cảm” với học sinh còn quá nhỏ
Bản thân từ ngữ không có “từ tốt”, “từ “xấu”, nhưng một số từ ngữ chỉ có thể dùng hạn chế trong những hoàn cảnh nhất định. Chẳng hạn, Nguyễn Du cũng có lúc phải chửi “chém cha” – Chém cha cái số hoa đào/ Cởi ra rồi lại buộc vào như chơi (Truyện Kiều) – khi nàng Kiều rơi vào bế tắc cùng cực; Nguyễn Công Trứ có lúc chửi tục: Đ. mẹ nhân tình đã biết rồi/ Nhạt như nước ốc bạc như vôi khi cần phản ứng gay gắt với xã hội kim tiền bạc bẽo.
Những tiếng chửi nói trên là đích đáng, vì phù hợp ngữ cảnh. Nhưng nếu dùng không đúng ngữ cảnh hoặc dùng với tần suất cao đến mức nào đó thì sẽ gây hiệu ứng “phản cảm”, nhất là đối với trẻ nhỏ.
Với quan niệm như trên, chúng ta thật không yên tâm với các từ, thành ngữ, tục ngữ (chủ yếu nằm ở tập 2 của bộ sách) kiểu như tào lao, kèn cựa (tr.91), quằm quặm (tr.132); mồm loa mép giải (tr.107), vắt chanh bỏ vỏ (tr.43), xập xí xập ngầu (tr.55) nhổ cỏ nhổ cả rễ (tr.54), hàng thịt nguýt hàng cá (tr.97, ki cóp cho cọp nó ăn (tr.105), lưỡi không xương nhiều đường lắt léo (tr.141), Ăn cây nào rào cây ấy (tr.52),…
Những thành ngữ như Xập xí xập ngầu (gian lận, tính toán, không rành mạch, để lấp liếm, bớt xén của người khác - Đại TĐTV) Câu tục ngữ Nhổ cỏ nhổ cả rễ (muốn không còn hậu họa thì cần phải tiêu diệt tận gốc, giống như nhổ cỏ phải nhổ hết gốc để cỏ không mọc lại - TĐTV) thể hiện cách cư xử sát phạt nặng nề, hay câu tục ngữ có cả hai mặt đúng sai như Ăn cây nào rào cây ấy (nhấn mạnh lợi ích cục bộ, dễ dẫn người ta đến hành động che chắn, bảo vệ lợi ích cục bộ bằng bất cứ giá nào) là chưa nên dạy HS lớp 1. Chưa kể, những thành ngữ, tục ngữ nói trên chỉ đưa vào đọc mà không hề được phân tích, giải thích (do quan điểm “chân không về nghĩa”) nên có thể đem lại suy nghĩ sai lệch cho HS còn quá nhỏ.
Thay lời kết
Chúng tôi biết, trong soạn sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, chọn ngữ liệu là cả một vấn đề khó khăn và tốn rất nhiều công phu. Ngữ liệu đáp ứng những kiến thức, kỹ năng ngôn ngữ cần dạy thì có khi lại không đáp ứng các mặt khác. Với trẻ em lớp 1, càng không thể vì lý do cần dạy âm, vần mà bất chấp các đặc điểm về nhận thức, về tình cảm.
Ngữ liệu trong TV1 - CNGD quả là có rất nhiều chỗ khó chấp nhận. Lý do, ngoài sự tùy tiện, như phần đầu đã nói, đó là do quan điểm “chân không về nghĩa” (không cần quan tâm đến nghĩa, chỉ cốt để luyện đọc âm, vần, tiếng) của GS. Hồ Ngọc Đại.
Chúng tôi nghĩ, dù tác giả cố tình “chân không về nghĩa” thì cũng không thể chống lại bản chất vốn có của ngôn ngữ. Ngôn ngữ là một hệ thống tín hiệu của con người, khác hẳn âm thanh của tự nhiên, nếu không chứa nghĩa thì không còn là ngôn ngữ nữa. Và cái nghĩa đằng sau âm thanh hay chữ viết, muốn hay không, nó vẫn cứ đập vào tai, vào mắt, vào trí óc, tránh đi đâu cho được. Chưa kể, với quan điêm dạy học mới, đọc hiểu là một yêu cầu rất quan trọng (chúng tôi sẽ nói ở phần 2 – Ngữ liệu văn bản trong TV1 – CNGD)
Sau hai lần thẩm định, với kết luận của Hội đồng Quốc gia Thẩm định Tài liệu TV1 – CNGD (2017, 2018), tác giả cũng đã tiếp thu, sửa chữa khá nhiều (xem Phụ lục). Tuy nhiên, do kiên định quan điểm “chân không về nghĩa” cho nên tác giả chỉ sửa những chỗ “khó coi” nhất. Còn lại, đưa hàng loạt từ ngữ khó vào giải thích trong sách thiết kế (sách hướng dẫn GV). Nhưng theo chúng tôi cũng không khắc phục được bao nhiêu. Vì các nghĩa đó đều là nghĩa trích dẫn ở từ điển, nhiều trường hợp không phù hợp với HS, có khi không thể đem ra giải thích cho HS. Đối với nhà sư phạm, đúng ra có những cách riêng để giải nghĩa từ ngữ khó, chứ không phải cứ “gắp” ở từ điển ra là được.
Phụ lục một số từ ngữ đã được thay thế hoặc bỏ sau thẩm định (2017-2018)
|