Ai có nguyện vọng đều được dự xét tuyển
Đây là thực tế đang diễn ra mà PGS. TS Trần Diên Hiển, nguyên Chủ nhiệm Khoa Giáo dục Tiểu học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho chúng tôi biết xung quanh câu chuyện đào tạo tiến sĩ hiện nay.
Là người có nhiều năm tham gia đào tạo cho các nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ, PGS Hiển cho biết, trước đây, để được làm tiến sĩ các nghiên cứu sinh phải đảm bảo rất nhiều yếu tố: Thứ nhất là công chức trong cơ quan nhà nước, có thành tích trong công tác và hoạt động chuyên môn, được cơ quan cử đi; thứ 2 phải trải qua kỳ thi tuyển rất vất vả với tỷ lệ chọi cao.
“Hiện nay nghiên cứu sinh chỉ phải qua xét tuyển mà không cần thi tuyển. Trong đó, hồ sơ xét tuyển chỉ cần các văn bằng chứng chỉ theo chuyên ngành; các đóng góp về khoa học đã tích lũy được; chứng chỉ về tiếng Anh”- PGS Hiển nói.
PGS Hiển cũng cho biết thêm, hiện nay đào tạo NCS đáp ứng cho các đối tượng có nguyện vọng, không cần công chức nhà nước cũng không cần xác nhận thành tích khoa học; không cần cơ quan cử đi. Ai có nguyện vọng đều được dự xét tuyển. Vì vậy cơ hội làm nghiên cứu sinh hiện nay rộng mở hơn nhiều so với ngày trước.
Chấn chỉnh lại công tác đào tạo
Với cách xét tuyển như vậy, PGS Hiển cho biết chắc chắn sẽ tác động đến chất lượng đào tạo tiến sĩ. Trả lời câu hỏi của phóng viên, vậy quá trình chấm luận án tiến sĩ hiện nay có dễ dàng hơn ngày trước không, PGS Hiển cho rằng, quy trình chấm luận án không có thay đổi lớn. Vẫn phải qua công đoạn NCS báo cáo luận án ở cấp bộ môn; Hội đồng bảo vệ cấp bộ môn sẽ đánh giá và cho ý kiến để NCS sửa chữa và hoàn thiện.
Sau đó, cơ quan đào tạo gửi luận án NCS cho một chuyên gia đọc và đánh giá (phản biện kín) – NCS không biết là ai. Tiếp theo, thành lập hội đồng bảo vệ cấp trường hoặc học viện, trong đó có 1 chủ tịch, 1 thư ký, 3 phản biện và 2 ủy viên. Và Hội đồng bảo vệ luận án cấp trường hoặc học viện sẽ quyết định việc cấp bằng tiến sĩ hay không?
Nói về bất cập trong đào tạo tiến sĩ hiện nay, PGS Hiển cho rằng đây là câu chuyện phải trao đổi rộng rãi và đầy đủ nhưng ở góc độ cá nhân PGS thấy công tác xét tuyển đầu vào hiện nay quá dễ dàng. Nếu quy trình xét tuyển không đảm bảo thì sẽ tác động đến chất lượng đào tạo.
“Đối tượng được tham dự xét tuyển nên đưa vào một số yêu cầu cụ thể: về chuyên môn; cũng như đóng góp … để những người được đào tạo tiến sĩ thực sự xứng đáng. Ngoài ra, vấn đề xác định đề tài cho các nghiên cứu sinh người hướng dẫn cùng NCS phải lý giải được nó phục vụ gì cho công tác chuyên môn hoặc sản xuất và quá trình phát triển xã hội” – PGS Hiển nhấn mạnh.
PGS Hiển cho rằng, chúng ta cần xem lại chỉ tiêu đào tạo cho từng chuyên ngành đảm bảo 2 yêu cầu: có đội ngũ các nhà khoa học đủ trình độ hướng dẫn; xã hội có nhu cầu sử dụng sau khi đào tạo.
Ngoài ra, nên xem xét chế độ đãi ngộ đối với cán bộ hướng dẫn nghiên cứu sinh thỏa đáng hơn.
“Cuối cùng việc bổ nhiệm các cán bộ quản lý ở một số lĩnh vực không nên lấy học vị tiến sĩ là một tiêu chí” – PGS Hiển nhấn mạnh.
Theo Infonet