Đại biểu Quốc hội chất vấn Tổng Kiểm toán Nhà nước về vi phạm của Tập đoàn Thuận An, Phúc Sơn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết 2 tập đoàn bị Bộ Công an điều tra là Phúc Sơn, Thuận An không thuộc đối tượng được kiểm toán nhà nước.

050620240931-z5508567058388_5ded.jpg
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn. Ảnh: Quochoi.vn

Sáng 5/6, chất vấn Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) đặt vấn đề: “Từ các vụ án Phúc Sơn, Thuận An và nhiều vụ án tham nhũng khác cho thấy có sự câu kết giữa doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước và các cán bộ, công chức trong các dự án đầu tư công để trục lợi. Những vụ án này đều liên quan đến tài sản công, Tổng Kiểm toán nhà nước có kiến nghị gì để Kiểm toán nhà nước có thể tham gia phát hiện, phòng ngừa ngăn chặn những vụ việc trong thời gian tới?

Cùng chung sự quan tâm với ông Cường, đại biểu Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) cũng mong muốn được lý giải về một số dự án lớn đã được kiểm toán nhưng sau đó cơ quan chức năng vẫn phát hiện sai phạm trong đấu thầu?

Theo ông Ngô Văn Tuấn, Kiểm toán nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, với chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Như vậy, đơn vị được kiểm toán Nhà nước là đơn vị sử dụng tài chính công, tài sản công theo quy định của pháp luật.

Lý giải về một số vụ án lớn liên quan đấu thầu, cụ thể như vụ án Phúc Sơn và Thuận An, ông Tuấn cho biết cả hai đơn vị đều không có vốn Nhà nước nên “không nằm trong danh sách được kiểm toán Nhà nước”.

tong-kiem-toan-nha-nuoc-ngo-van-tuan-lan-dau-tra-loi-chat-van-1142.jpg
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn

Tuy nhiên, hai đơn vị đều có liên quan đến một số chủ đầu tư, nhà thầu có vốn Nhà nước nên Kiểm toán Nhà nước vẫn rà soát lại toàn bộ theo hồ sơ họ cung cấp để ra kiến nghị theo thẩm quyền.

Trên cơ sở hồ sơ đơn vị được kiểm toán, Kiểm toán nhà nước tiến hành thu thập hồ sơ của chủ đầu tư về lựa chọn nhà thầu, hồ sơ thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu. Trong quá trình kiểm tra, Kiểm toán nhà nước đã kiểm tra và chỉ ra những sai phạm.

“Vấn đề kiểm toán điều tra được tranh luận ở nhiều diễn đàn quốc tế và chưa được thực hiện ở đông đảo các nước. Việt Nam cũng chưa đưa kiểm toán điều tra vào thực hiện nên chúng tôi chỉ thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ”, ông Tuấn cho biết thêm.

67.000 tỷ đồng chưa thu hồi theo kiến nghị Kiểm toán nhà nước, trách nhiệm do ai?

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, trong giai đoạn 2019 - 2023, Kiểm toán nhà nước đã kiểm toán và phát hành 1.345 báo cáo kiểm toán, kiến nghị trên 331.367 tỷ đồng.

Trong đó, tăng thu ngân sách Nhà nước trên 30.539 tỷ đồng; giảm chi ngân sách Nhà nước hơn 96.183 tỷ đồng; kiến nghị khác 204.644 tỷ đồng.

Đáng chú ý, 663 báo cáo kiểm toán có kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan. Kiểm toán Nhà nước đã chuyển 19 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua kiểm toán cho cơ quan cảnh sát điều tra các cấp để xem xét xử lý.

Tuy nhiên, đơn vị này cũng cho biết số lượng chưa thực hiện kết luận Kiểm toán nhà nước còn lớn. Đây cũng là vấn đề được đông đảo đại biểu quan tâm tại phiên chất vấn.

050620241123-z5509094494760_3669.jpg
Đại biểu Quốc hội chất vấn ông Ngô Văn Tuấn. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) cho biết, có nhiều kiến nghị kiểm toán tính đến 31/12/2023 chưa được thực hiện, Kiểm toán nhà nước có giải pháp như thế nào để khắc phục hạn chế này?

Tiếp nối câu hỏi của bà Hà, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) phân tích, thực tế hiện nay một số kết luận kiến nghị của Kiểm toán nhà nước mặc dù đúng pháp luật nhưng không thể thực hiện được do đơn vị được kiểm toán không còn khả năng thực hiện, hoặc do vướng mắc chính sách pháp luật, vướng mắc trong xác định rủi ro trọng yếu đánh giá rủi ro, yếu tố loại trừ là một trong những nguyên nhân đến chất lượng báo cáo không cao.

Do vậy, ông Sơn đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, trong tổng số 1.069 văn bản kiến nghị sửa đổi bổ sung tại 1.345 báo cáo kiểm toán có tỷ lệ thực hiện được bao nhiêu? Trong 663 báo cáo kiểm toán đã có kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tỷ lệ xử lý ra sao?

Trả lời chất vấn của các câu hỏi của đại biểu về vấn đề này, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, tiến độ và ý thức chấp hành của các đơn vị đã cao hơn nhưng vẫn còn hơn 67.000 tỷ đồng chậm thực hiện thu hồi.

Nguyên nhân do đơn vị được kiểm toán chiếm tỷ lệ cao nhất 59,5%. Bên cạnh đó, một tỷ lệ phần trăm nhỏ nguyên nhân đến từ đơn vị kiểm toán là 0,4% và 21% đến từ các bên thứ ba.

Trong đó, những lý do của đơn vị được kiểm toán đến từ ý thức trách nhiệm, vai trò người đứng đầu, năng lực thực thi và thậm chí có những đơn vị đã giải thể nhưng vẫn trong diện theo dõi.

Theo ông Tuấn, nguyên nhân cơ bản vướng ở khâu tổ chức thực hiện. Thời gian tới, Kiểm toán nhà nước sẽ nâng cao chất lượng kiểm toán sao cho thật đúng, thật trúng, đôn đốc thực hiện, phối kết hợp với các bên liên quan chặt chẽ hơn để thực hiện triệt để các kết luận Kiểm toán nhà nước.

050620241001-z5508933198978_26bc.jpg
Tổng Kiểm toán nhà nước trả lời chất vấn sáng 5/6. Ảnh: Quochoi.vn

Chất vấn làm rõ bên thứ ba mà Tổng Kiểm toán nhà nước nhắc tới trong nguyên nhân chậm thu hồi là các đơn vị cụ thể thể nào, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) đề nghị ông Tuấn giải thích rõ?

Về vấn đề này, người đứng đầu Kiểm toán nhà nước lý giải, bên thứ ba là những bên có liên quan theo quy định của Luật Kiểm toán sửa đổi. Đây là những nhà thầu chây ì hoặc phá sản, “mất tích”.

Giải pháp cho nhóm nguyên nhân này được ông Tuấn nhìn nhận, trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước phải đốc thúc, trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán phải báo cáo kịp thời tình hình để nhanh chóng thu hồi vốn từ các bên liên quan.

Một câu hỏi khác liên quan đến nhóm vấn đề chậm thu hồi vốn theo kết luận của Kiểm toán nhà nước, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) đặt câu hỏi: “Kiểm toán Nhà nước đã chuyển 19 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua kiểm toán cho cơ quan cảnh sát điều tra các cấp để xem xét xử lý. Số vụ việc chuyển cơ quan điều tra còn hạn chế, nguyên nhân do đâu”?

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhận thấy, việc chủ động chuyển 19 vụ việc so với 1.609 hồ sơ tài liệu theo yêu cầu là còn ít và đây là tồn tại, hạn chế trong thời gian qua.

Do đó, ông Ngô Văn Tuấn đề xuất giải pháp khắc phục trong thời gian tới là áp dụng các biện pháp để nâng cao chất lượng kiểm toán, kịp thời phát hiện các sai phạm và thu thập bằng chứng để kịp thời chuyển cho cơ quan điều tra.

“Trong 5 năm qua, Kiểm toán nhà nước đã phát hành 1.345 báo cáo tài chính, quan điểm ‘vụ việc phải chín, phải rõ’ mới chuyển cơ quan điều tra, nhưng không đồng nghĩa là trách nhiệm ít đi. 1609 hồ sơ báo cáo là tài liệu đầu vào giúp cơ quan điều tra có thông tin đầy đủ là cơ sở để điều tra thuận lợi hơn giúp cơ quan chức năng nhanh chóng đưa ra ánh sáng các vụ việc tiêu cực”, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định.