Loạt ngân hàng chưa thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tính đến hết năm 2023, Vietinbank, Agribank, Vietcombank và PG Bank... nằm trong danh sách những ngân hàng chưa thực hiện theo kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước.

Vietcombank nằm trong danh sách những ngân hàng chưa thực hiện theo kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước.
Vietcombank nằm trong danh sách những ngân hàng chưa thực hiện theo kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước.

Thực hiện Nghị quyết số 91/2023/QH15 của Quốc hội và Quyết định số 02/2022/QĐ-KTNN của Tổng Kiểm toán nhà nước, vừa qua, danh sách các tổ chức, cá nhân chưa thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước tính đến thời điểm 31/12/2023 đã được công bố.

Danh sách này được Vụ Tổng hợp (Kiểm toán nhà nước) rà soát, thống kê dựa trên Báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2023 của các đơn vị chủ trì kiểm toán năm 2022 đối với niên độ ngân sách Nhà nước 2021 và các kiến nghị từ các năm trước chưa hoàn thành. Theo danh sách công bố của Kiểm toán nhà nước, một loạt ngân hàng chưa thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước tính đến thời điểm 31/12/2023 được chỉ ra.

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) tại năm kiểm toán 2020 trở về trước (niên độ ngân sách Nhà nước 2019 trở về trước) có số chưa thực hiện là 96,470 tỷ đồng.

Còn Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) được xác định tổng con số chưa thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước là 18,794 tỷ đồng, tại Báo cáo kiểm toán Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam năm 2021 và năm kiểm toán 2020 trở về trước (niên độ ngân sách Nhà nước 2019 trở về trước).

Năm kiểm toán 2019 (niên độ ngân sách Nhà nước 2018), tại Báo cáo kiểm toán Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) và việc triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Kiểm toán nhà nước xác định con số chưa thực hiện của Vietinbank là 13,384 tỷ đồng.

Như vậy, tính đến thời điểm công bố danh sách, Vietinbank có 109,854 tỷ đồng chưa thực hiện theo kết luận của Kiểm toán nhà nước.

Tính đến ngày 31/12/2023, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng được xác định còn 5,079 tỷ đồng chưa thực hiện theo kết luận của Kiểm toán nhà nước.

Con số này được xác định tại Báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2021 của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam; Kiểm toán việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 được ban hành theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2027 của Thủ tướng Chính Phủ.

Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) chưa thực hiện theo kết luận của Kiểm toán nhà nước là 3,503 tỷ đồng, đối với năm kiểm toán 2021 (niên độ ngân sách Nhà nước 2020), tại Báo cáo kiểm toán Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex năm 2020.

Có tên trong danh sách này, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) được xác định có con số chưa thực hiện kết luận, kiến nghị là 121,193 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo giải thích của VDB, trong 29 năm quản lý và cho vay lại các dự án sử dụng vốn nước ngoài, VDB và các tổ chức tiền thân đã trải qua nhiều giai đoạn thành lập, chia tách và thay đổi phần mềm quản lý nên chế độ hạch toán kế toán không đồng nhất, gây khó cho việc thống kê số liệu.

Trước năm 2006, các dự án vay lại vốn nước ngoài có thể trả bằng ngoại tệ hoặc VNĐ quy đổi tỷ giá từng thời kỳ. Do đó, số liệu thu nợ vốn nước ngoài qua VDB dựa trên 2 loại tỷ giá hạch toán lúc giải ngân và trả nợ có lúc không đồng nhất. Ngoài ra, việc thu hồi nợ của chủ đầu tư nước ngoài còn sử dụng nhiều loại ngoại tế khác nhau. Nhiều dự án trải qua 3 thời kỳ chuyển đổi đồng tiên vay lại. Do đó khi có ý kiến của Kiểm toán nhà nước, ngân hàng đã rà soát toàn bộ số liệu phát sinh giai đoạn 1995-2020 để có con số chính xác.

VDB đã xác định được số liệu phát sinh ở thời điểm thu nợ năm 2006-2007-2008. Những năm qua, ngân hàng này tiếp tục rà soát số liệu giải ngân, thu nợ và chuyển trả Bộ Tài Chính theo định kỳ đến 31/12/2023. Nếu phát sinh chênh lệch chưa trả, Ngân hàng Phát triển sẽ chuyển trả Quỹ tích lũy nước ngoài theo quy định.

Ngoài ra, danh sách của Kiểm toán nhà nước công bố còn có nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân khác nâng tổng số kiến nghị liên quan đến tài chính chưa được thực hiện lên tới trên 60.000 tỷ đồng, trong đó có những kiến nghị kéo dài, tính đến thời điểm 31/12/2023.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nhìn nhận, việc chậm thực hiện kiến nghị kiểm toán về tăng thu, giảm chi ngân sách Nhà nước ngoài việc kỷ luật tài chính chưa được thực hiện nghiêm, còn có thể có tác động về hiệu quả kinh tế khi không kịp thời huy động các khoản thu ngân sách Nhà nước, thu hồi kịp các khoản chi sai để đáp ứng nhu cầu chi ngân sách Nhà nước, giảm bội chi.

Kiểm toán Nhà nước công khai danh sách này nhằm thực thi nghiêm túc các quy định tại Nghị quyết của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước, đồng thời tăng cường theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.

Đây là một trong những biện pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán và góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản công.