UBND TP Đà Nẵng vừa phê duyệt thông tin dự án đầu tư kinh doanh và bảng theo dõi tiến độ lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án nhà máy xử lý chất thải đa năng tại bãi rác Khánh Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu).
Theo thiết kế, dự án nhà máy xử lý chất thải đa năng được xây dựng trên diện tích 25.000 m2 tại bãi rác Khánh Sơn với tổng mức đầu tư hơn 164,4 tỷ đồng. Trong đó, chi phí thực hiện dự án khoảng 162,5 tỷ đồng (còn lại là chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư).
Dự án có tổng công suất xử lý chất thải từ 136 tấn/ngày đến 461,4 tấn/ngày; thời gian hoạt động 50 năm. Dự án được giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng mời thầu với hình thức đăng ký không qua mạng.
Dự án này yêu cầu vốn chủ sở hữu đảm bảo tối thiếu 20% tổng chi phí thực hiện dự án, tương đương gần 32,9 tỷ đồng. Vốn huy động hợp pháp khác khoảng 131,5 tỷ đồng.
Để tham gia dự án, ngoài yêu cầu về vốn, nhà thầu phải đệ trình hồ sơ xuất xứ công nghệ tiên tiến, ưu việt phù hợp các tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ so với quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn Việt Nam hoặc tiêu chuẩn của các nước G7, Hàn Quốc về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Khuyến khích áp dụng công nghệ thân thiện môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất, công nghệ xử lý kết hợp với thu hồi năng lượng…
Theo UBND TP Đà Nẵng, dự án nhà máy xử lý chất thải đa năng sẽ có 18 tháng để lựa chọn nhà đầu tư, kể từ khi phê duyệt danh mục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Thời gian lắp đặt máy móc thiết bị của dự án; hoàn công; nghiệm thu đưa dự án vào hoạt động là 24 tháng kể từ ngày chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án.
Nhà máy được đầu tư nhằm tái chế tận thu và xử lý chất thải nguy hại, đồng thời đảm bảo thu gom, phân loại, vận chuyển, lưu trữ, xử lý, tái chế, tiêu hủy chất thải nguy hại trên địa bàn TP.
Hiện Đà Nẵng có khoảng 1.100 tấn/ngày, được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh tại bãi rác Khánh Sơn. Dự báo, đến năm 2025 lượng rác phát sinh của toàn TP Đà Nẵng sẽ gần 1.500 tấn/ngày và đến 2030 sẽ tăng lên 2.500 tấn/ngày và đến 2040 khoảng trên 3.000 tấn/ngày.
Ngoài phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh, Đà Nẵng cũng đã kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công suất 1.000 tấn/ngày và nhà máy đốt rác phát điện công suất 650 tấn/ngày tại bãi rác Khánh Sơn. Tuy nhiên, đến nay hai dự án này vẫn chưa triển khai hoàn thành khiến Đà Nẵng đối mặt với nguy cơ không có chỗ chôn lấp rác vào quý I/2025, do bãi rác Khánh Sơn sẽ đầy và dừng vận hành.
Để giải quyết thực trạng rác thải rắn phát sinh trên địa bàn toàn TP, Đà Nẵng đã quyết định chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp, cải tạo một số hạng mục Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn giai đoạn 2, tổng kinh phí hơn 225 tỷ đồng trong đó có việc đầu tư xây dựng thêm hộc rác số 7. Tuy nhiên, theo Ban Quản lý các dự án phát triển hạ tầng Khu công nghiệp và Công nghệ cao, dù rút ngắn tối đa thời gian các bước thực hiện thì dự án Hộc rác số 7 tại bãi rác Khánh Sơn phải đến tháng 1/2026 mới đưa vào vận hành.