Mặc dù dịch COVID-19 trên địa bàn Đà Nẵng cơ bản được kiểm soát, nhưng với những gì đang diễn ra, các doanh nghiệp du lịch ở Đà Nẵng vẫn tiếp tục lâm vào tỉnh cảnh khó khăn nặng nề do dịch COVID-19 để lại. Để rõ hơn về những khó khăn cũng như kịch bản vực dậy ngành du lịch Đà Nẵng, VietTimes đã có cuộc phỏng vấn ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng - về các giải pháp phục hồi du lịch Đà Nẵng trong thời gian tới.
Doanh thu giảm khoảng 80%
- Xin ông cho biết hiện trên địa bàn TP Đà Nẵng có bao nhiêu doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực du lịch? Và dịch COVID-19 đã gây hại như thế nào đến cộng đồng doanh nghiệp ngành du lịch Đà Nẵng?
Ông Cao Trí Dũng: Theo thống kê chưa đầy đủ của Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, hiện TP. có hơn 2.000 doanh nghiệp và hàng ngàn hộ kinh doanh cá thể, bán lẻ... trực tiếp từ hoạt động du lịch. Trong số hơn 60.000 lao động mất việc đến thời điểm này do COVID-19, thì ngành du lịch chiếm hơn 75%, tương đương hơn 45.000 lao động bị ảnh hưởng nặng nề.
Vì vậy, có thể nói chưa bao giờ ngành du lịch Đà Nẵng nói riêng, du lịch Việt Nam nói chung, lại đứng trước những thách thức to lớn, thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng lâu dài như khi đối mặt với COVID-19. Hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa, một số đứng trước nguy cơ giải thể, phá sản, nguồn khách và chuỗi cung ứng đứt gãy, doanh thu gần như về 0, dòng tiền thiếu hụt nghiêm trọng...
Cho đến nay vẫn chưa tính hết được thiệt hại, tuy nhiên hầu hết các doanh nghiệp dự đoán tổng doanh thu của mình năm 2020 chỉ đạt khoảng 20-25% so với năm 2019. Như vậy, con số thiệt hại là vô cùng lớn.
Ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng
|
- Tính đến nay, đã có bao nhiêu doanh nghiệp du lịch phải đóng cửa do ảnh hưởng của dịch COVID-19? Hiệp hội đã làm gì để hỗ trợ các thành viên?
Ông Cao Trí Dũng: Tính đến thời điểm này, mặc dù đã có những tín hiệu rất lạc quan về kiểm soát dịch bệnh, nhưng vẫn có khoảng hơn 80% số doanh nghiệp chưa thể mở cửa trở lại.
Đây là quyết định khó khăn khi doanh nghiệp phải đứng trước cân nhắc về doanh thu và chi phí bỏ ra, giữa việc chấp nhận lỗ để duy trì hoạt động và lỗ bao nhiêu thì chấp nhận được, duy trì nhân viên, giữ thương hiệu, nguồn khách...
Trước tình hình đó, Hiệp hội đã nhanh chóng thiết lập các kênh kết nối doanh nghiệp với các cơ quan chức năng, tập hợp ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp để kiến nghị với các bên hữu quan, giúp doanh nghiệp tồn tại. Mặt khác, Hiệp hội đã triển khai hàng loạt giải pháp giúp các doanh nghiệp phục hồi, trong đó có chương trình kích cầu điểm đến từ 23/5/2020 và một số hoạt động từ tháng 9/2020 sau khi đã kiểm soát được đợt bùng phát COVID-19 lần 2.
- Trong thời gian tới, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng sẽ làm gì để vực lại ngành du lịch địa phương? Phân khúc khách hàng, thị trường, sản phẩm ra sao?
Ông Cao Trí Dũng: Với kịch bản lạc quan nhất là không ghi nhận thêm ca lây nhiễm trong cộng đồng, thì ngay trong tháng 9 này, Hiệp hội Du lịch sẽ phối hợp với Sở Du lịch TP Đà Nẵng triển khai ngay một số chương trình dành cho khách du lịch tại Đà Nẵng và Quảng Nam, sau đó sẽ mở rộng ra các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên vào nửa đầu tháng 10/2020.
Nếu điều kiện cho phép thì sẽ khai thác khách du lịch nội địa đến từ khu vực phía Bắc và phía Nam từ cuối tháng 10/2020 và chuẩn bị đón khách quốc tế trở lại vào cuối tháng 12/2020.
Chỉ có thể hồi phục khi có vaccine
- Trong những kịch bản đó, Đà Nẵng sẽ kỳ vọng tập trung những sản phẩm nào để thúc đẩy ngành du lịch phục hồi trở lại?
Ông Cao Trí Dũng: Hiện nay, các kịch bản và kế hoạch vẫn đang trong quá trình xây dựng, tuy nhiên có thể khẳng định thông điệp mà du lịch Đà Nẵng sẽ triển khai trong thời gian tới là du lịch an toàn, đặt mục tiêu an toàn phòng dịch cho du khách lên trên hết. Du khách sẽ vẫn cảm thấy an toàn với bộ tiêu chí sẽ được xây dựng và cam kết triển khai trong cộng đồng doanh nghiệp khi đón khách quay trở lại.
Bên cạnh đó, các sản phẩm mới, sản phẩm làm tăng trải nghiệm, sản phẩm chất lượng cao, sản phẩm kích cầu vẫn sẽ được các doanh nghiệp triển khai đồng thời để gia tăng lợi ích cho du khách khi đến với Đà Nẵng trong thời gian tới.
Tuyến đường du lịch Võ Nguyên Giáp (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) vắng bóng du khách vì dịch COVID-19 (ảnh Dương Đức Khánh)
|
- Ông kỳ vọng du lịch Đà Nẵng sẽ khôi phục như thế nào với các mục tiêu đón khách trở lại, doanh thu và lợi nhuận v.v...?
Ông Cao Trí Dũng: Du lịch chỉ có thể phục hồi đầy đủ khi có vaccine và thuốc đặc trị, vì vậy cần khoảng thời gian tương đối dài. Với kịch bản lạc quan nhất thì năm 2020 cố gắng đạt mức 30% so với năm 2019 về tổng doanh thu, năm 2021 đạt trên dưới 70% và năm 2022 phục hồi như năm 2019 là đã vượt quá mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp.
- Hiệp hội Du lịch sẽ phối hợp thế nào với Sở Du lịch địa phương và chính quyền sở tại, cũng như với Bộ VHTTDL để thúc đẩy du lịch Đà Nẵng trở lại?
Ông Cao Trí Dũng: Hiệp hội Du lịch đã bàn bạc cụ thể với Sở Du lịch TP Đà Nẵng, với các Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, Thừa THiên Huế, với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch và đã có các kiến nghị gửi Chính phủ, Bộ VHTTDL, lãnh đạo TP Đà Nẵng về việc giúp doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn và đặc biệt là phục hồi các hoạt động du lịch.
Tới đây, chúng tôi sẽ triển khai ký cam kết thực hiện bộ tiêu chí phục vụ khách an toàn với Sở Du lịch Đà Nẵng, phối hợp với nhiều bên liên quan trong việc quyết liệt triển khai các kế hoạch khôi phục thị trường, tạo sản phẩm, đẩy mạnh truyền thông để có thể nhanh chóng thúc đẩy du khách cả trong và ngoài nước quay lại Đà Nẵng.
- Xin cảm ơn ông!