Đó là thông tin được ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.Đà Nẵng cho biết tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT vừa được Bộ TT&TT tổ chức.
Cũng theo ông Thạch, thời gian qua, các ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp cũng đã được Thành phố quan tâm, liên tục đầu tư và cải tiến nhằm tạo ra nhiều phương tiện thuận lợi giúp cho việc giao tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền Thành phố ngày càng tốt hơn; tiếp cận thông tin, sử dụng các dịch vụ qua mạng nhằm giảm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Một số ứng dụng tiêu biểu có thể kể đến là: Cổng thông tin điện tử thành phố, Cổng thông tin dịch vụ công và các trang thông tin điện tử chuyên ngành; Tổng đài thông tin dịch vụ công với số tắt là 1022; Ứng dụng “Góp ý trực tuyến” tại địa chỉ http://gopy.danang.gov.vn; Hệ thống đào tạo trực tuyến công tại địa chỉ http://daotao.danang.gov.vn; Ứng dụng quản lý xe buýt công cộng (qua tin nhắn 8188, qua Tổng đài 1022, qua ứng dụng web và ứng dụng di động); hẹn giờ làm dịch vụ, tra cứu tình trạng hồ sơ qua tin nhắn SMS…
Hiện, Đà Nẵng đã triển khai cung cấp 550 dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 trong các lĩnh vực, chiếm gần 50% số thủ tục hành chính. Hiện nay, trung bình mỗi tháng có gần 40.000 hồ sơ trực tuyến được xử lý, chiếm gần 12% trong tổng số hồ sơ.
Về giám sát và điều khiển giao thông, Đà Nẵng đã xây dựng và đưa vào vận hành Hệ thống quản lý xe buýt bằng các thiết bị giám sát hành trình được lắp đặt trên từng xe buýt. Hiện nay, người dân TP.Đà Nẵng còn có thể tra cứu hành trình xe buýt trên website, qua tin nhắn SMS, qua mạng xã hội và Apps Danabus.
Đối với việc giám sát an ninh, trật tự, Đà Nẵng đã triển khai hệ thống camera giám sát an ninh trật tự, với số lượng camera chuyên dụng do Thành phố đầu tư hiện có 1.800 chiếc; số camera xã hội hóa người dân và doanh nghiệp đầu tư là 23.000 chiếc trên toàn thành phố.
Đối với lĩnh vực giáo dục, đại diện Sở TT&TT Đà Nẵng thông tin, đến nay Thành phố đã xây dựng Cơ sở dữ liệu dùng chung và Cổng giao tiếp dữ liệu ngành Giáo dục thực hiện liên thông tích hợp dữ liệu của các phần mềm quản lý trường học tại các trường trong toàn thành phố, tiến đến hình thành Cơ sở dữ liệu học sinh (quá trình học tập từ lớp 1 đến lớp 12) và giáo viên của Thành phố.
Về ứng dụng thông minh trong y tế, đến nay đã có 3 phần mềm được xây dựng hoàn thiện và đưa vào sử dụng, bao gồm: phần mềm Y tế xã phường đã được 100% xã, phường sử dụng; Phần mềm quản lý bệnh viện tại Trung tâm y tế cấp quận; Phần mềm Hồ sơ Y tế điện tử và quản lý ID bệnh nhân.