Cuộc tấn công căn cứ Nga ở Syria: Tiết lộ giật mình của Bộ Quốc phòng Nga

Bộ Quốc phòng Nga tiết lộ các tình tiết về cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) của bọn khủng bố vào các căn cứ ở Hmeimim và Tartus, Syria vào đêm 5, rạng sáng 6/1/2018. Cuộc tấn công này thu hút nhiều sự chú ý của các giới ở Nga và phương Tây, để lại nhiều bài học.
Những chiếc UAV tham gia vụ tấn công căn cứ không quân Nga tại Syria
Những chiếc UAV tham gia vụ tấn công căn cứ không quân Nga tại Syria
Theo Bộ Quốc phòng Nga, cuộc tấn công này đã được thực hiện bằng 13 UAV. “Khi trời sập tối, các phương tiện phòng không Nga đã phát hiện ở cự ly khá xa 13 mục tiêu bay nhỏ không rõ lai lịch đang tiếp cận các mục tiêu quân sự của Nga”, thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết. Trong đó, 10 UAV bay đến gần căn cứ không quân Hmeimim và 3 chiếc khác bay đến trạm bảo đảm vật chất kỹ thuật của Hải quân Nga ở Tartus. Cuộc tấn công không gây ra thương vong hay tốn hải vật chất tại các mục tiêu quân sự của Nga, các cơ sở này tiếp tục hoạt động bình thường.
Tất cả các UAV đã bị đánh chặn và tiêu diệt. Quân Nga đã cướp được quyền điều khiển đối với 6 UAV khủng bố. Trong số đó, ba chiếc đã bị buộc hạ cánh xuống khu vực thuộc quyền kiểm soát bên ngoài căn cứ, 3 chiếc kia đã phát nổ sau khi va chạm với mặt đất. Bảy chiếc còn lại đã bị hệ thống tên lửa-pháo phòng không Pantsir-S1 bắn hạ. Cuộc tấn công được lên kế hoạch thực hiện từ hướng Latakia, ở phía tây bắc khu vực. Trước đó, căn cứ Hmeimim cũng đã bị pháo kích bằng súng cối vào ngày 31/12/2017.
Ngày 10/1/2018, Bộ Quốc phòng bác bỏ tin nói rằng, đã có 31 UAV chứ không phải 13 chiếc đã tấn công các mục tiêu của Nga ở Syria hôm 6/1/2018.
“Trong cuộc tấn công vào các mục tiêu quân sự của Nga ở Syria ngày 5-6/1, phiến quân đã sử dụng 13 UAV tấn công kiếu máy bay: 10 chiếc tấn công căn cứ không quân Hmeimim và 3 chiếc nữa tấn công trạm bảo đảm vật chất kỹ thuật ở Tartus. Thông tin nói đến số lượng UAV tấn công lớn hơn là không đúng sự thật”.
Bộ Quốc phòng Nga còn cho rằng, bọn khủng bố đã chỉ có thể có được các UAV đã dùng để tấn công các căn cứ Nga ở Syria từ một quốc gia phát triển, có khả năng công nghệ cao. 
“Các giải pháp kỹ thuật mà bọn khủng bố sử dụng khi tấn công các mục tiêu Nga ở Syria chỉ có thể có được từ một trong những nước có khả năng công nghệ cao về bảo đảm dẫn đường vệ tinh và điều khiển từ xa việc thả các thiết bị nổ tự tạo được lắp ráp một cách chuyên nghiệp ở các tọa độ đã định”, thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho hay.
Các UAV đã được trang bị các cảm biến khí áp và các bộ dẫn động servo điều khiển cánh lái độ cao. Ngoài ra, các thiết bị nổ gắn kèm các UAV có sử dụng các ngòi nổ do nước ngoài sản xuất. Các kênh cung cấp công nghệ và thiết bị cho bọn khủng bố đang được xác định.
Tại cuộc họp báo ngày 11/1/2018 ở Moskva, đại diện Bộ Quốc phòng Nga đã cho các phóng viên xem các UAV đã dùng để tấn công căn cứ Hmeimim. Thiếu tướng Igor Konashenkov, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga cũng nói: “Việc phát triển các cỗ máy chết người như thế này đòi hỏi những kiến thức chuyên ngành tốt, những kỹ năng thực hành và kinh nghiệm sử dụng UAV”.
Bộ Quốc phòng Nga cũng cảnh báo phiến quân ở Syria đã tiếp cận được các công nghệ cho phép sử dụng UAV ở bất kỳ nước nào trên thế giới. “Việc phiến quân sử dụng các UAV tấn công kiểu máy bay cho thấy rằng, chúng đã được chuyển giao những công nghệ cho phép tiến hành các hành động khủng bố bằng cách sử dụng các UAV đó ở bất kỳ nước nào”, thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cảnh báo.
Ngày 8/1/2018, Lầu Năm góc cho rằng, bọn khủng bố dễ dàng mua sắm trên thị trường tự do các UAV và công nghệ sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công như cuộc tấn công bằng UAV của khủng bố ngày 6/1/2018 vào các mục tiêu quân sự của Nga ở Syria và đó là điều đáng lo ngại.
Đáp lại, Bộ Quốc phòng Nga bình luận: “Chỉ riêng để lập trình cho các bộ điều khiển UAV dạng máy bay và thả bom đạn trong hệ thống GPS cũng cần có trình độ kỹ thuật khá mạnh của một trong các nước phát triển. Ngoài ra, không phải cũng đủ sức có được các tọa độ chính xác trên cơ sở dữ liệu trinh sát vũ trụ”.
Bộ Quốc phòng Nga cũng nhấn mạnh rằng, “cho đến gần đây thì bọn khủng bố chưa hề có tất cả những thứ đó” vì thế tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ gây quan ngại. Ngoài ra, phía Nga cũng nói đến chiếc máy bay do thám Poseidon của Hải quân Mỹ với sự trùng hợp kỳ lạ đã quần đảo trên Địa Trung Hải, giữa Tartus và chính vào lúc diễn ra cuộc tấn công của các UAV khủng bố vào các căn cứ quân sự Nga ở Syria.
Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và an ninh Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga), cựu Tư lệnh Không quân-vũ trụ Nga, Thượng tướng Viktor Bondarev ngày 9/1/2018 đã nói rằng, người cung cấp các UAV đã tấn công các căn cứ Nga ở Syria chỉ có thể là Mỹ. 
“Kẻ đứng sau phiến quân, tôi nghĩ tất cả đều biết. Người cung cấp các UAV đã bắn phá các căn cứ của chúng tôi chỉ có thể là một quốc gia mạnh về công nghệ. Ở đó, họ có cả định vị vệ tinh, cả các cảm biến khí áp, cả điều khiển từ xa thả các thiết bị nổ được lắp ráp một cách chuyên nghiệp ở các tọa độ đã định”, ông Bondarev nói.
Vị thượng nghị sĩ Nga nói rằng, quân đội Mỹ hiện có mặt ở Syria mà không có sự cho phép của LHQ và nhiều lần bị phát hiện tiếp tay cho bọn khủng bố đang rút chạy.
“Mỹ ban đầu thì dưới vỏ bọc chống chế độ chuyên chế <…> đã xâm nhập một quốc gia có chủ quyền mà không có sự cho phép của LHQ, nuôi dưỡng cuộc nội chiến, vũ trang, cung cấp tài chính và huấn luyện các tổ chức khủng bố. Sau đó là cứu vớt tàn quân khủng bố sau khi các nhóm chính bị đánh tan. Nay họ cũng với các nước tay sai cung cấp cho bọn khủng bố các UAV công nghệ cao”, ông Bondarev nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Hội đồng Liên bang Nga, ông Frants Klintsevich cũng nói rằng, có dấu vết của Mỹ trong cuộc tấn công khủng bố. Bọn khủng bố sẽ không thể triển khai một chiến dịch quy mô như vậy mà không có sự giúp đỡ của tình báo nước ngoài.

Ngày 9/1/2018, Tờ Kommersant của Nga dẫn nguồn tin của mình cho rằng, nhóm khủng bố Ahrar al-Sham rất có thể có liên quan đến cuộc tấn công bằng UAV này. Nhóm khủng bố này từng nhiều lần sử dụng UAV để tấn công các đơn vị công binh Syria ở Homs, nhưng lần nào cũng bị phát hiện và tiêu diệt. Các dữ liệu được giải mã từ các UAV thu được cũng nói lên sự dính líu của nhóm này. Tuy nhiên, chính quyền Syria thì cho rằng, đứng sau cuộc tấn công là các phiến quân thuộc tổ chức khủng bố Jebhat al-Nusra.
Gặp gỡ các nhà báo hôm 11//1/2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, các UAV tấn công căn cứ Nga ở Syria chỉ cải trang thành UAV thô sơ, thủ công chứ trên thực tế chúng có các thiết bị công nghệ cao. “Vụ khiêu khích này nhằm phá vỡ các thỏa thuận đạt được trước đó. Còn mục tiêu thứ hai dĩ nhiên là quan hệ của chúng ta với các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Đây là nỗ lực phá vỡ mối quan hệ này”, ông Putin tuyên bố.
Trước đó, chuyên gia về UAV của Nga Denis Fedutinov nói rằng, các UAV bắn hạ được ở Hmeimim là loại sản xuất thủ công. Còn ngày 11/1/2018, khi trưng bày các UAV của khủng bố, các đại diện Bộ Quốc phòng Nga lưu ý đến việc các UAV được lắp ráp thô sơ, nhưng cũng nhấn mạnh các giải pháp kỹ thuật ứng dụng trên các UAV này thì hoàn toàn khác.
“Các phương tiện bay này được cải trang, tôi muốn nhấn mạnh điều này, cải trang như được sản xuất thủ công. Trên thực tế, ở đó hoàn toàn rõ là có những bộ phận có tính công nghệ cao”, ông Putin nói và khẳng định, phía Nga biết những kẻ tổ chức khiêu khích với cuộc tấn công bằng UAV. Ông không chỉ đích danh nước tổ chức, nhưng nói rằng, cuộc tấn công không liên quan gì đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga ngày 11/1/2018 cho biết, Bộ Quốc phòng Nga đang theo dõi việc sử dụng tất cả các loại vũ khí trang bị của bọn khủng bố ở Syria. “Các biện pháp đối phó cần thiết đang được nghiên cứu đưa ra. Điều đó cũng liên quan cả đến các UAV”, Cục trưởng Cục Sản xuất và phát triển UAV thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga, Thiếu tướng Aleksandr Novikov nói. 
Tướng Novikov đã thông báo kết quả phân tích thiết kế và tính năng của các UAV khủng bố sử dụng ngày 6/1/2018, cho rằng, bọn khủng bố đã được sự trợ giúp của nước ngoài khi chế tạo các UAV dùng để tấn công ồ ạt căn cứ Hmeimim ở Syria. Theo đó, các UAV này chỉ có thể sản xuất được với sự tham gia của các chuyên gia kỹ thuật tay nghề cao, có sử dụng các công nghệ mà chỉ quân đội các nước công nghiệp phát triển mới có.
Tướng Novikov cũng lưu ý đến các thiết bị nổ đã sử dụng - đó là các quả nổ nặng gần 400 g chứa các phần tử sát thương dưới dạng các viên bi kim loại. Mỗi UAV tham gia cuộc tấn công đã mang 10 quả nổ như vậy. Thành phần chính trong thuốc nổ trên các UAV đã tấn công các căn cứ Nga ở Syria là chất TEN đang được sản xuất ở một số nước, trong đó có Ukraine: “Chất nổ nói trên đang được sản xuất ở nhiều nước, trong đó có ở Ukraine, tại nhà máy thuốc thử hóa học Shostkin”. TEN có uy lực mạnh hơn Hexogen, chất này có thể sản xuất trong điều kiện thủ công hay rút ra từ các bom đạn khác. Hiện, Nga đang tiến hành cuộc điều tra đặc biệt nhằm xác định nước sản xuất.
“Chế tạo các UAV như thế là không thể trong điều kiện thủ công. Khi phát triển và sử dụng chúng đã huy động các chuyên gia từng được đào tạo chuyên môn ở các nước sản xuất và sử dụng các hệ thống trang bị UAV”, ông Novikov nói.
Các chuyên gia Bộ Tổng tham mưu Nga cho rằng, để UAV có được các tính năng kỹ thuật cần thiết cần phải thực hiện các tính toán đặc biệt và tiến hành bay thử, việc tổ chức sử dụng ồ ạt UAV chiến đấu cũng đòi hỏi việc huấn luyện và kiến thức tương ứng. 
Theo các chuyên gia, các chi tiết đã biết về cuộc tập kích cho thấy khủng bố đã có các công nghệ cao và kiến thức chiến thuật sử dụng UAV chiến đấu. Tướng Novikov tuyên bố, nguy cơ khủng bố sử dụng UAV ở bất cứ nơi nào trên thế giới đã xuất hiện sau cuộc tấn công vào căn cứ không quân Hmeimim ở Syria. “Kết quả phân tích các mẫu UAV thu được và việc sử dụng chúng cho phép đưa ra các kết luận: xuất hiện mối đe dọa thực sự liên quan đến việc sử dụng UAV vào mục đích khủng bố ở bất kỳ nơi nào trên thế giới và nó đòi hỏi áp dụng các biện pháp tương ứng để hóa giải nó”.
Nhà sử học quân sự Dmitri Boltenkov thì cho rằng, các UAV khủng bố đã mang vũ khí khá yếu, các quả nổ đó không hiệu quả đối với các công trình, nhưng có thể dễ dàng loại khỏi vòng chiến một máy bay hay trực thăng với điều kiện phải thả được quả nổ trong bán kính cách mục tiêu không quá 50 m. Các máy bay ở Hmeimim không đứng yên một chỗ. Hoạt động chiến đấu diễn ra thường xuyên, các máy bay bay đi, bay đến, chúng được kéo đi, chuẩn bị cho xuất kích. UAV của khủng bố không có điều khiển từ xa. Các điểm thả quả nổ đã được lập trình trước khi xuất phát. Vì vậy, phiến quân đã cần có những dữ liệu trinh sát mới nhất. Những dữ liệu đó không thể có được từ các nguồn công khai.
Đại biểu Duma Quốc gia Nga vùng Crime, ông Ruslan Balbek thì cảnh báo tình báo Ukraine đang lên kế hoạch tiến hành “một cuộc tấn công bằng UAV” vào Crimea giống như cuộc tấn công diễn ra đêm 5, rạng sáng 6/2018 vào căn cứ Hmeimim của Nga ở Syria nhằm mục đích chính là gây ồn ào, với một máy bay do thám Poseidon của Mỹ bay ở vùng biển quốc tế sẽ cung cấp thông tin chỉ thị mục tiêu cho các UAV của Ukraine.
Khoảng 1 tháng trước cuộc tấn công bằng UAV vào Hmeimim và Tartus, các trận địa của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DNR), phóng viên chiến trường của Đài truyền hình REN TV, ông Semyon Pegov cho biết.
Cuộc tấn công đã nhằm vào trận địa của quân đội DNR ở khu vực Gorlovka, nơi thường bố trí quân. Một chiếc UAV đã thả một thiết bị nổ làm một chỉ huy lữ đoàn suýt mất mạng khi đang đi trên chiếc xe con Niva. Ông Pegov ghi nhận đã có ít nhất 2 cuộc tấn công bằng UAV của quân đội Ukraine vào các trận địa của dân quân ly khai. Ông Pegov cũng cho rằng, Mỹ có thể dính líu đến cuộc tấn công vào quân Nga này. “Các chuyên gia quân sự Mỹ đang làm việc cả ở Ukraine lẫn Syria. Nay chỉ cần đặt một câu hỏi: Vụ khiêu khích gây bất hòa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có lợi cho ai? Câu trả lời của tôi là rõ ràng - đó là có lợi cho kẻ có kinh nghiệm sử dụng UAV trong chiến đấu và đồng thời có thể đưa thuốc nổ của Ukraine đến Syria dễ dàng”, ông Pegov nói.
Theo các quan chức Bộ Quốc phòng Nga, tại căn cứ không quân Hmeimim và cảng Tartus đã thiết lập hệ thống phòng thủ nhiều tầng chống UAV chiến đấu, bao gồm các phương tiện phát hiện, tiêu diệt và chế áp bằng hỏa lực và vô tuyến điện tử.
Được biết, để đánh trả cuộc tập kích căn cứ Hmeimim tối 5, rạng sáng 6/1/2018, quân Nga đã sử dụng hệ thống chống UAV cơ động mới nhất. Bộ Quốc phòng Nga đã lần đầu tiên triển khai hệ thống này ở Syria vào năm 2016. Hồi đó, hệ thống đã trải qua thử nghiệm chiến đấu một cách thành công. Từ năm 2017, hệ thống đã được đưa vào trực chiến, các tính năng kỹ-chiến thuật của hệ thống không được tiết lộ, chỉ biết rằng, hệ thống dùng nhiễu mạnh định hướng “đè” các kênh điều khiển, cũng như các tín hiệu của các hệ thống định vị vệ tinh.
Chuyên gia quân sự Anton Lavrov cho rằng, trước cuộc tấn công ồ ạt bằng UAV vào Hmeimim, chỉ có tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) là đã sử dụng UAV tiến công ở Syria. Tất cả các nhóm còn lại hiếm khi sử dụng ngay cả UAV trinh sát. Đáng chú ý là trong cuộc tấn công đã sử dụng các UAV bán kính hoạt động trung bình, đến 100 km. Loại UAV tiến công này lần đầu tiên hoạt động ở Syria. Tất cả những điều đó cho thấy, cuộc tấn công đã được lên kế hoạch và phối hợp tốt.
Cuộc tấn công này không phải là lần sử dụng UAV duy nhất chống các mục tiêu của Nga ở Syria. Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Nga, chỉ trong năm 2017, các hệ thống phòng không của các căn cứ Hmeimim và Tartus đã đánh chặn 6 UAV. Đó không chỉ là các UAV tự tạo mà cả các Uav sản xuất loạt ở Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, cụ thể là các UAV Heron và Bayraktar, thậm chí cả loại UAV tối tân RQ-21 Blackjack do Boeing sản xuất mà Hải quân Mỹ mới bắt đầu nhận được vào năm 2014. Ngày 27/5/2017, một chiếc Blackjack đã bị hệ thống tên lửa-pháo phòng không Pantsir-S của Nga bắn rơi cách căn cứ ở Tartus 5 km.
Theo VND