Những gã khổng lồ công nghệ trên khắp thế giới đang phải đối mặt với những rào cản quy định chống mở rộng ngày càng tăng. Từ lâu, bất an với độc quyền, các chính phủ và người tiêu dùng ở Bắc Mỹ, Châu Âu và bây giờ là Trung Quốc đang muốn kiểm soát chặt chẽ hơn quyền lực thị trường của Big Tech.
Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm kiềm chế các hãng công nghệ trong nước đã lên đến đỉnh điểm vào cuối tuần trước khi Cơ quan giám sát thị trường Trung Quốc (SAMR) đưa ra mức phạt kỷ lục 2,8 tỉ USD với tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba về vấn đề độc quyền. Công ty con Ant Group của Alibaba cũng bị yêu cầu cải tổ hoạt động và một loạt các công ty công nghệ bị đánh đòn phủ đầu, cuộc chiến chống độc quyền của Trung Quốc đang mạnh hơn hơn bao giờ hết.
Tuần này, Ủy ban Tư pháp Hạ viện Hoa Kỳ chính thức được phê duyệt báo cáo tháng 10/2020 cáo buộc các gã khổng lồ công nghệ của Mỹ mua hoặc chèn ép các công ty nhỏ hơn. Đây sẽ là kế hoạch chi tiết cho luật chống độc quyền nhằm kiềm chế sự bành trướng quyền lực của Google, Amazon, Facebook và Apple.
Marcus Pollard, cố vấn chống độc quyền và đầu tư nước ngoài tại công ty luật Linklaters cho biết: "Việc giám sát chặt chẽ hơn lĩnh vực công nghệ không phải là duy nhất của Trung Quốc và mức độ nghiêm trọng của việc thực thi chống độc quyền không mới. Alibaba rõ ràng là một tuyên bố mạnh mẽ của cơ quan quản lý về sứ mệnh giữ cho thị trường mở rộng với các lựa chọn đa dạng cho người tiêu dùng".
Cuộc chiến chống độc quyền xuất hiện từ bao giờ?
Ở cả Trung Quốc và phương Tây, sự trỗi dậy của Big Tech hầu như không được kiểm soát trong nhiều năm, nhiều người tán dương vai trò của công nghệ trong tăng trưởng kinh tế và cải thiện cuộc sống của con người. Việc giám sát theo quy định của Hoa Kỳ đối với các công ty công nghệ đã bắt đầu ngừng hoạt động kể từ khi vụ kiện chống độc quyền năm 1998 chống lại Microsoft cuối cùng thất bại.
Đồng sáng lập Microsoft điều trần trước Quốc hội Mỹ năm 1998 về chống độc quyền. Ảnh: Getty Images. |
Tuy nhiên, đến khoảng hai năm trước, khi các nhà hoạch định chính sách và người tiêu dùng nhận thức được những gã khổng lồ công nghệ - đặc biệt là những tập đoàn lớn về Internet đang kiểm soát mọi thứ từ tìm kiếm đến mua sắm và tương tác xã hội, công cuộc giám sát mới mạnh mẽ trở lại. Tệ hơn là khi các công ty công nghệ ngày càng lớn mạnh, họ bắt đầu chèn ép các đối thủ và công ty khởi nghiệp nhỏ hơn.
Google, Amazon, Facebook và Apple đã xung đột với các cơ quan quản lý ở nhiều khu vực pháp lý, bao gồm Mỹ, Anh, EU, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ. Trong báo cáo dài hơn 450 trang, Ủy ban Tư pháp Mỹ chỉ ra ba vấn đề phổ biến của Big Tech là tước quyền tiếp cận thị trường, lạm dụng quyền lực thị trường và củng cố địa vị thống trị.
Việc giám sát chống độc quyền của Trung Quốc theo Luật chống độc quyền đã bắt đầu cách đây 12 năm trong ngành công nghiệp dược phẩm và các công ty cấp nước thành phố, theo nghiên cứu của South China Morning Post.
Chống độc quyền vươn xúc tua đến các công ty công nghệ vào tháng 11/2020, khi Cơ quan giám sát thị trường Trung Quốc đột ngột rút lệnh phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá 37 tỉ USD của Ant Group 48 giờ trước khi cổ phiếu dự kiến bắt đầu giao dịch tại Thượng Hải và Hồng Kông.
Cơ quan quản lý buộc tội Ant coi thường các quy định tài chính và thu thập dữ liệu cá nhân quá mức. Sau nhiều tháng điều tra, kết quả là Ant Group phải tái cấu trúc hoạt động kinh doanh sao cho phù hợp với quy định.
Các cơ quan quản lý đặc biệt cảnh giác với những vi phạm có thể xảy ra trong việc sử dụng, khai thác và lạm dụng dữ liệu cá nhân. Một mối quan tâm cụ thể ở Trung Quốc là việc các nền tảng lớn áp đặt các giao dịch độc quyền ngăn cản người người bán bán hàng trên các nền tảng cạnh tranh, buộc các thương gia phải "chọn một trong hai".
Đây là chủ đề trong cuộc điều tra của SAMR đối với Alibaba.
Hơn ba mươi công ty công nghệ bao gồm Tencent, ByteDance, Meituan, Baidu đã bị SAMR và Cục Quản lý Thuế Nhà nước cảnh báo để giải quyết các vấn đề bao gồm các hành vi độc quyền và cạnh tranh không lành mạnh.
Bắc Kinh ngày càng lo ngại trước tầm ảnh hưởng của các công ty công nghệ trong nước. |
Trước khi bị giám sát, các điều kiện thị trường độc đáo của Trung Quốc đã giúp những hãng công nghệ trong nước phát triển mạnh trong những năm đầu. Trung Quốc đã ngăn chặn nhiều đối thủ nước ngoài xâm nhập vào nội địa, chẳng hạn như Google và Facebook. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng điều kiện thuận lợi này điều này đi kèm với cạm bẫy.
Zhao Xiaofeng, trợ lý giáo sư tại Đại học Lingnan (Hồng Kong), cho biết: "Mức phạt đối với Alibaba cho thấy tại sao các công ty trong nước nên mở rộng ra nước ngoài, vì sự giám sát trong nước sẽ thắt chặt hơn. Chống độc quyền là cuộc chơi của sự công bằng và hiệu quả. Trước đây, các doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc còn nhỏ, và chính phủ chủ yếu đối xử với họ bằng tâm lý hỗ trợ. Giờ đây, các doanh nghiệp này đã dần lớn mạnh và thậm chí có danh tiếng quốc tế tốt. Sự phát triển nhanh chóng quả thực đã kéo theo những vấn đề xã hội."
Zhao cho biết các công ty này cần phải đa dạng hóa bên ngoài Trung Quốc. Ông nói: "Đừng dựa vào một quốc gia và một chính phủ duy nhất."
Mark Tanner – nhà sáng lập của China Skinny, cho biết: "Khi những quy định mới đối với Ant và án phạt 2,8 tỷ USD cho Alibaba được đưa ra, thì thời kỳ hoàng kim đối với các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc đã kết thúc. Ngay cả những doanh nghiệp không bị nhắm đến cũng sẽ sớm phải giảm bớt quy mô mở rộng và điều chỉnh nhiều yếu tố cho môi trường mới."
Ngay cả những công ty ít chịu sự giám sát nghiêm ngặt hơn – như Tencent hay Meituan và Pinduoduo, cũng có thể chứng kiến cơ hội tăng trưởng bị hạn chế.
Mối quan tâm mới của Bắc Kinh trong việc điều chỉnh Big Tech cũng đặt ra câu hỏi về sự thay đổi môi trường chính trị đối với các công ty Internet lớn.
Điểm khác biệt trong cuộc chiến chống độc quyền ở Trung Quốc và Mỹ
Theo các nhà phân tích, hệ thống chính trị và luật pháp tập trung của Trung Quốc buộc các công ty phải thích ứng với các quyết định và hoàn toàn tuân thủ. Do đó, các công ty Trung Quốc hầu như không có cơ sở pháp lý để phản đối phán quyết của chính phủ như các công ty công nghệ lớn ở Mỹ và EU.
Victor Shih, phó giáo sư tại Đại học California cho biết: "Trong hệ thống liên bang, chẳng hạn như Mỹ, một công ty có thể bị điều tra bởi một cấp chính phủ - chẳng hạn như liên bang - nhưng nó vẫn ổn với chính quyền địa phương và thành phố."
"Ở Trung Quốc, vì tất cả các tòa án và cơ quan quản lý đều do Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát, nên nếu có rắc rối chính trị với đảng cấp trung ương, một công ty sẽ gặp khó khăn với tất cả các cấp chính quyền và tòa án cấp thấp hơn," Shih nói thêm.
Tập đoàn công nghệ Amazon, Apple, Facebook và Google thường xuyên phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ với những cáo buộc liên quan đến độc quyền. Ảnh: The Economist |
Ở các quốc gia như Mỹ, các công ty công nghệ đã tìm cách bảo vệ mình trong cả phòng xử án và trên các phương tiện truyền thông trước áp lực pháp lý. Trong khi đó, các nhà chức trách Trung Quốc có quyền hạn đáng kể trong việc ngăn chặn mọi tin đồn và kiểm soát cuộc trò chuyện công khai xung quanh các động thái của chính phủ.
Các ông chủ công nghệ đều muốn thể hiện sự ủng hộ của họ đối với môi trường pháp lý mới của Trung Quốc. JD.com, Meituan và ByteDance là một trong những công ty Big Tech đầu tiên của Trung Quốc cam kết tuân thủ pháp luật, chỉ một ngày sau khi các nhà quản lý yêu cầu 34 công ty "rút ra bài học" từ Alibaba.
Hầu hết các trường hợp chống độc quyền ở Trung Quốc chỉ dẫn đến tiền phạt. Các nhà quản lý chống độc quyền đã quyết định kết thúc một số cuộc điều tra chống độc quyền sau khi nhiều công ty đồng ý tự xem xét và chỉnh đốn hành vi độc quyền.
"Như chúng ta thấy trong những ngày gần đây, các công ty có thể được yêu cầu thay đổi một số phương thức kinh doanh lâu đời của họ để tuân thủ các tiêu chuẩn pháp lý và cam kết tuân thủ đầy đủ các quy tắc chống độc quyền," Pollard nói.
Tuy nhiên, tại Mỹ và các quốc gia châu Âu, hình phạt nghiêm khắc nhất có thể là chia tách một công ty, hình phạt này từng có nguy cơ với Microsoft, Facebook và Google. Vụ việc nổi tiếng nhất là nỗ lực chia tách Microsoft. Bộ Tư pháp Mỹ từng giành chiến thắng sơ bộ năm 2000 nhưng kết quả bị đảo ngược khi doanh nghiệp kháng cáo. Cuối cùng, Microsoft vẫn nguyên vẹn.
Theo SCMP