Thẩm định phần mềm vận hành bộ phận "một cửa"
Cụ thể, tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Bắc Giang Nguyễn Thị Thu Hà thông tin về việc tỉnh nhà vẫn chưa xây dựng được cổng dịch vụ công trực tuyến. Lý do, nhiều năm qua phần mềm quản lý bộ phận một cửa của Bắc Giang do 3 đơn vị khác nhau cung cấp, nhiều nội dung “vênh” không khai thác được. Để khắc phục vấn đề này, cuối năm 2015 tỉnh đã tiến hành chuẩn hóa thành một phần mềm thống nhất.
Lãnh đạo 8 tỉnh, thành được kiểm tra báo cáo về nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử với Tổ công tác của Thủ tướng (Ảnh: NB)
|
Bà Hà cho biết, theo kế hoạch, cổng dịch vụ công sau khi hoàn thiện sẽ triển khai từ đầu năm 2019 nhưng theo hướng dẫn, phần mềm ứng dụng cần phải có sự thẩm định của Bộ Thông tin – Truyền thông.
“Vừa rồi Bắc Giang mới có ý kiến của Bộ Thông tin – Truyền thông cho phép sử dụng phần mềm này. Chúng tôi sẽ triển khai đồng loạt cho các đơn vị trong quý IV năm nay, trên cơ sở đó chính thức vận hành cổng dịch vụ công trực tuyến” – bà Hà kiến nghị nên có quy định chuẩn hóa về phần mềm quản lý hoạt động của bộ phận một cửa để tránh việc mỗi đơn vị phải tự làm rồi lại đi xin thẩm định.
Khó khăn khác, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang là người dân chưa quen với hình thức gửi nhận, làm các thủ tục trên thiết bị di động, làm trực tuyến mà vẫn có thói quen đến trung tâm hành chính công để thực hiện các thủ tục. Với đặc tính địa bàn sinh hoạt, cư ngụ hẹp nên nhiều người “thà đi xe lên trung tâm hành chính công nộp hồ sơ, thủ tục còn nhanh hơn ngồi nhà gửi trực tuyến”.
Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thu Hà thông tin thêm, cải tiến quy trình giải quyết thủ tục hành chính một cửa, Bắc Giang đã áp dụng ứng dụng Zalo để công khai thủ tục hành chính và hướng dẫn thủ tục hành chính trên Zalo. Qua đó, người dân rất hào hứng thực hiện.
Nghe báo cáo về vấn đề này, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trao đổi lại: “Vấn đề dùng ứng dụng Zalo trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến như chị Hà nói cần cân nhắc kỹ về vấn đề bảo mật thông tin khi sử dụng các phần mềm, ứng dụng như vậy. Tương tự, vừa qua tỉnh Quảng Trị cũng đặt vấn đề cung cấp toàn bộ dịch vụ công trên ứng dụng Zalo. Trước hết, Bộ Thông tin – Truyền thông cần phải đánh giá, thẩm định, xem xét kỹ việc này. Bộ Thông tin – Truyền thông phải “cầm trịch” hoạt động này chứ không để các địa phương tự chọn, áp dụng các ứng dụng khác nhau. Cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực mà không có hướng dẫn cụ thể thì không ổn. Trách nhiệm của Bộ là phải đánh giá tác động, đặc biệt về vấn đề an toàn dữ liệu, an ninh thông tin trong trường hợp này”.
Zalo chưa được khẳng định sự an toàn
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng nhận định, không nên sử dụng ứng dụng Zalo trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến vì phần mềm chưa được khẳng định sự an toàn.
|
Trước đó, trao đổi với PV về thông tin tỉnh Quảng Trị sử dụng phần mềm Zalo trong việc cung cấp, giải quyết thủ tục hành chính công trực tuyến, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thẳng thắn nêu quan điểm: “Theo tôi, việc này là không nên vì Zalo là một nền tảng kỹ thật chưa được khẳng định sự an toàn”.
Khi đó, Bộ trưởng cũng phân tích, lẽ ra vấn đề chọn, sử dụng nền tảng kỹ thuật, ứng dụng phần mềm nào trong hoạt động của chính quyền cần có sự đánh giá cụ thể của Bộ Thông tin – Truyền thông vì đây là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực. Trách nhiệm quản lý thuộc Bộ này chứ không phải của Văn phòng Chính phủ.
Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng trong giám sát việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử nhấn mạnh, làm gì thì nguyên tắc đầu tiên cũng phải đảm bảo an toàn dữ liệu, an ninh thông tin. Đây là yêu cầu phải được đặt lên trước hết.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết, Văn phòng Chính phủ sẽ kiến nghị Thủ tướng giao nhiệm vụ thẩm định, hướng dẫn vấn đề này cho Bộ Thông tin-Truyền thông để cơ quan này tiến hành đánh giá khả năng đảm bao an ninh, an toàn khi sử dụng các loại ứng dụng trong hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến tới người dân.
Ông khẳng định, ở Văn phòng Chính phủ, các bước ứng dụng công nghệ, triển khai hệ thống phần mềm trực tuyến bao giờ cũng phải có tổ chuyên gia đánh giá trước hết về nội dung, không thể “nghĩ đâu làm đó”, “nghĩ sao làm vậy”.
Nguyên tắc khác là phần mềm sử dụng phải do đơn vị trong nước viết, không để đối tác nước ngoài thiết kế, cung cấp.
Lấy ví dụ về việc xây dựng nền tảng kỹ thuật vận hành hệ thống E-cabinet, Bộ trưởng chỉ rõ, về kinh nghiệm triển khai thì Văn phòng Chính phủ có học tập từ nước ngoài, cụ thể là mời các chuyên gia nước ngoài tới tư vấn về hướng xây dựng, thiết kế phần mềm. Nhưng đến khâu thực hiện thì Văn phòng Chính phủ đã giao Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel xây dựng hệ thống. Ngay cả vấn đề thiết bị kỹ thuật để vận hành hệ thống, chạy ứng dụng cũng phải do đơn vị trong nước được chỉ định cung cấp, lắp đặt.
Ông Dũng cũng dự kiến sẽ yêu cầu các địa phương báo cáo cụ thể về tình hình của tỉnh, thành mình để có căn cứ tính toán, xem xét. Được biết, thực tế không chỉ Bắc Giang hay Quảng Trị mà cả nước đã có gần 30 tỉnh, thành sử dụng Zalo để cung cấp dịch vụ hành chính công. Hiện tại, Chính phủ đang đốc thúc để hoàn thiện một hệ thống chuẩn làm căn cứ cho các địa phương cùng triển khai.
Theo Dân Trí
https://dantri.com.vn/xa-hoi/cung-cap-dich-vu-cong-truc-tuyen-qua-zalo-bo-truong-yeu-cau-tham-dinh-20190829115426689.htm