Công nghiệp thực phẩm của Trung Quốc thích ứng trong kỷ nguyên chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Ngành thực phẩm của Trung Quốc đang áp dụng các công nghệ tiên tiến như 5G và trí tuệ nhân tạo để cải thiện hoạt động kinh doanh.

Với chủ trương phát triển mọi lĩnh vực trong đời sống gắn với công nghệ, Trung Quốc đã thực hiện cải cách cơ cấu trong dây chuyền cung ứng thực phẩm thông qua đổi mới lực lượng lao động, công nghệ…

Việc sử dụng công nghệ cao trong hoạt động sản xuất của các công ty chế biến đã đem lại những tín hiệu tích cực cho ngành công nghiệp thực phẩm.

Shanghai Hi-Chain Food, công ty chế biến thực phẩm tại trung Quốc, đã sử dụng máy chế biến tự động trên dây chuyền sản xuất từ ​​năm 2017. Tổng giám đốc Li Zhipeng cho biết, họ đã cải thiện hiệu quả sản xuất của công ty mà không cần thêm nhân lực. Trong thời điểm hiện tại, doanh nghiệp chỉ cần từ 10 đến 15 công nhân mỗi xưởng nhưng hiệu quả cao hơn so với con số 30 đến 40 trước đây.

Đó là một minh chứng rõ ràng cho thấy việc áp dụng công nghệ cao trong dây chuyền sản xuất có tác dụng như thế nào. Ngoài ra, công nghệ cao còn được ứng dụng trong một số lĩnh vực khác của ngành công nghiệp thực phẩm như đóng gói và vận chuyển.

Marel, nhà sản xuất thiết bị chế biến thực phẩm có trụ sở tại Iceland, đã mở một trung tâm R&D tại Thượng Hải, phản ánh xu hướng trong lĩnh vực này. Denver Lu, Giám đốc điều hành khu vực của Marel, cho biết sự bùng phát của Covid-19 vào năm 2020 đã thúc đẩy nhu cầu chuyển đổi số trong các chuỗi chế biến và giao hàng thực phẩm của Trung Quốc.

Đồng thời, cam kết của Trung Quốc về trung lập các-bon và tiêu chuẩn phát thải là một yếu tố khác khuyến khích các ngành sản xuất đưa thêm nhiều công nghệ mới để cải thiện hiệu quả năng lượng.

Theo Wyman Leo Li, đối tác của Oliver, nhu cầu tiêu thụ gia tăng ở Trung Quốc và cạnh tranh ngày càng gay gắt trong sản xuất nông trại và giao hàng ở một số quốc gia Đông Nam Á cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình số hóa này.

Qu Qiang, trợ lý giám đốc và thành viên của Viện tiền tệ quốc tế thuộc Đại học Renmin, Trung Quốc, cho biết, tầm quan trọng của công cuộc chuyển đổi số nằm ở thúc đẩy cả nền kinh tế. Chỉ khi nguồn cung được cải thiện, giá trị trong chuỗi cung ứng mới có thể gia tăng, mang lại thu nhập tốt hơn và tạo ra nhu cầu bổ sung.

Bằng cách này, kinh tế Trung Quốc mới thoát khỏi cạm bẫy của hiệu suất thấp, bất ổn và giảm phát. Nhận thức được quá trình cải cách từ nguồn cung đòi hỏi phải được hoạch định thể chế cụ thể cũng như điều chỉnh dài hạn, Trung Quốc đã khởi xướng chính sách hỗ trợ từ năm 2016, ông Qu Qiang nói thêm.

Theo Vietnamnet