Cụ thể, rác thải trong ngành dệt may sẽ được thu gom và xử lý theo quy trình kỹ thuật để tạo ra hỗn hợp sợi chậm bắt lửa. Theo các tiêu chuẩn của Úc và Anh, toàn bộ sợi nguyên liệu dùng trong nệm phải chậm bắt lửa và theo đúng những quy chuẩn chuyên biệt. Đối với những nguyên liệu dễ cháy như cotton, polyester, lụa nhân tạo và ni lông, nhóm nghiên cứu đã phát triển một công nghệ truyền thống, dùng quy trình xử lý hoá chất thân thiện với môi trường. Kết quả, công nghệ đã vượt qua những thử nghiệm cơ bản, tạo nguyên liệu mới với giá thành thấp, được Cơ quan Bảo vệ môi trường EPA chứng nhận an toàn.
Nhóm nghiên cứu xác nhận rằng, công nghệ đã được phát triển hoàn thiện và chuyển giao thành công cho một công ty sản xuất ở Úc. Đơn vị này dùng hỗn hợp sợi từ quần áo tái chế để nhồi vào các tấm nệm mới. Hiện tại, nhóm nghiên cứu của RMIT đang tìm kiếm đối tác tiềm năng để thí điểm dự án ứng dụng cách tiếp cận mới này ở Việt Nam.
Là quốc gia xuất khẩu thời trang và dệt may lớn thứ tư toàn cầu, Việt Nam đang phải đối mặt với những vấn đề lớn trong việc quản lý chất thải ngành dệt may. Trước thành công ban đầu, nhóm nghiên cứu tin rằng dự án có thể giúp Chính phủ Việt Nam giảm căng thẳng môi trường từ hàng tấn rác thải thời trang hậu tiêu dùng và dệt may.
“Chúng tôi kỳ vọng sẽ xử lý 4.000 đến 5.000 ký rác thải dệt may suốt thời gian triển khai dự án, bình quân khoảng 380 ký mỗi tháng. Dự án có tiềm năng mở rộng quy mô cực nhanh khi đối tác trong ngành tự được trải nghiệm việc làm thế nào chuyển đổi cách dùng rác thải có thể tạo ra sản phẩm mới và có thêm lợi nhuận. Xử lý rác thải theo cách bền vững hơn có thể rẻ tiền và tạo ra lợi nhuận” – đại diện nhóm nghiên cứu cho hay.