PV: Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang là thách thức đối với rất nhiều lĩnh vực ở Việt Nam. Vậy ngành phát thanh nói chung, trong đó có VOV đã và đang làm gì trước những thách thức này?
Ông Vũ Hải Quang: Có thể nói, CMCN 4.0 đang làm thay đổi tất cả các ngành nghề, lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ tới môi trường… các tác động của nó làm thói quen, hành vi, tâm lý và nhu cầu của con người cũng thay đổi theo. Đối với ngành báo chí nói chung và phát thanh nói riêng, cuộc CMCN 4.0 cũng tạo ra nhiều cơ hội và cả những thách thức. Vấn đề chúng ta cần đặt ra là làm sao khai thác được những lợi thế của cuộc CMCN 4.0 để đưa ngành phát thanh tiếp tục phát triển.
Lợi thế lớn nhất của cuộc CMCN 4.0 chính là sự phát triển của Internet, VOV đã và đang phát triển theo mô hình truyền thông đa phương tiện, phát thanh đa nền tảng, không ngừng thay đổi nội dung, tận dụng tối đa lợi thế của Internet để đưa thông tin tới khán, thính giả đặc biệt là người trẻ tuổi. Bên cạnh đó với sự phát triển của các thiết bị di động, tỷ lệ người sử dụng các thiết bị thông minh ngày càng gia tăng. Chúng tôi xác định việc đưa các chương trình phát thanh, tin tức, phóng sự đến “tận tay” công chúng mọi lúc, mọi nơi là một yêu cầu cấp thiết. Sự phát triển của công nghệ cũng giúp chúng tôi rất nhiều trong khâu sản xuất nội dung, các chương trình thêm sinh động, có tính tương tác với thính giả cao và tiết kiệm chi phí sản xuất. Như vậy phát thanh không những sẽ vẫn tồn tại mà còn phát triển đa dạng và phong phú hơn ngay trong kỷ nguyên CMCN 4.0.
Đi kèm với những lợi thế, cũng không thể không nhắc tới những thách thức do cuộc CMCN 4.0 mang lại. Sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông như truyền hình, báo điện tử, mạng xã hội nảy sinh ra vấn nạn tin giả (fake news), nhiều thông tin sai lệch, thiếu tính định hướng được chia sẻ dễ dàng gây ảnh hướng lớn đến công chúng. Do vậy, vai trò của phát thanh vẫn rất quan trọng trong việc đưa tin đúng và chính xác đến công chúng đặc biệt trong các tình huống khủng hoảng, thiên tai, dịch bệnh v.v….
Chúng tôi xác định tiếp tục duy trì hình thức phát thanh truyền thống để phủ sóng đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, đến những người dân chưa có điều kiện sở hữu các thiết bị thông minh và nhất là phân khúc những người tham gia giao thông, người lao động thì không thể có loại hình truyền thông nào tiện lợi hơn phát thanh. Ngoài ra chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, thực hiện chuyển đổi số, đưa những công nghệ mới vào phát thanh để vừa thay đổi cách thức tiếp cận thính giả, vừa làm đa dạng hoá nội dung phục vụ nhu cầu ngày càng cao của công chúng.
PV: Vậy VOV đã và đang làm gì trong chuyển đổi số?
Ông Vũ Hải Quang: Việt Nam hiện được xem là một trong những nước thành viên của ASEAN đi đầu trong lĩnh vực phát triển phát thanh số và là một thành viên tích cực của Hiệp hội Phát thanh và Truyền hình Châu Á – Thái Bình Dương (ABU) trong việc thử nghiệm và ứng dụng công nghệ số, công nghệ phát thanh hiện đại. VOV đang từng bước thử nghiệm phát thanh số mặt đất, trước hết là chuẩn DAB+ đang được thử nghiệm tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tiếp theo sẽ thử nghiệm chuẩn DRM để phủ sóng tầm xa cho các khu vực biên giới, hải đảo, v.v... Sau khi có kết quả đánh giá, VOV sẽ cùng Bộ Thông tin và Truyền thông trình Chính phủ phê duyệt chuẩn phát thanh số mặt đất tại Việt Nam và từng bước thực hiện lộ trình số hoá phát thanh trên phạm vi cả nước.
Song song với thử nghiệm phát thanh số, VOV cũng tận dụng những lợi thế mà Internet để thực hiện phát sóng trên website, livestream trên mạng xã hội, phát hành podcast… Chúng tôi cũng phát triển các ứng dụng OTT như VOV Media, VOV Live cung cấp các chương trình phát thanh và các tiện ích gia tăng cho khán thính giả có thể nghe, xem tại bất cứ đâu và bất cứ thời gian nào.
Trong công tác sản xuất và lưu trữ chương trình, VOV đã thực hiện số hóa các tư liệu kho băng, chuyển đổi các phòng thu (Studio) sang công nghệ IP mới nhất, việc trao đổi tin bài, file thu âm được chuyển sang hệ thống trao đổi thông tin qua Internet một cách nhanh chóng, dễ dàng.
Về ứng dụng các công nghệ mới, chúng tôi đang ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc chuyển đổi văn bản thành giọng nói (Text to Speech) để tái tạo lại những “giọng đọc huyền thoại” của các phát thanh viên kỳ cựu như Trịnh Thị Ngọ, Kim Cúc… Khi đó, máy tính sẽ bắt chước giọng đọc của họ trong những bản tin mới theo những bối cảnh cần thiết. Ngoài ra, với các bản tin không quá quan trọng như Thời tiết, VOV cũng ứng dụng công nghệ Text to Speech để giảm nhẹ công sức của phát thanh viên. Và công nghệ chuyển đổi giọng nói thành văn bản (Speech to Text) cũng dùng để chuyển đổi các file ghi âm của phóng viên thành văn bản, giúp giảm thời gian nghe lại, biên tập chương trình của đội ngũ phát thanh viên.
Phát thanh viên huyền thoại Trịnh Thị Ngọ với biệt danh "Hanoi Hanah" từng làm lay động tinh thần binh lính Mỹ chiến đấu ở Việt Nam |
Như vậy có thể nói rằng trong kỷ nguyên số phát thanh không hề bị các loại hình truyền thông khác lấn át, VOV luôn chủ động đổi mới, thử nghiệm những công nghệ mới và vẫn tiếp tục duy trì được các phương thức phát sóng truyền thống nhằm đem lại thông tin nhanh, chính xác đến đa dạng đối tượng khán thính giả so với các mạng xã hội và phương tiện truyền thông khác.
PV: Ông nghĩ gì về sự tương tác với thính giả do Internet đem lại?
Ông Vũ Hải Quang: Phát thanh hiện nay không còn thông tin một chiều, thông tin cưỡng bức mà phát thanh phải là “nói cùng thính giả”, “thính giả cùng lên sóng với nhà đài”. Sự tương tác tốt sẽ tạo nên sự gần gũi và thân thiện giữa thính giả với những người làm chương trình. Môi trường Internet tạo điều kiện để thính giả tương tác với nhà Đài một cách dễ dàng qua email, mạng xã hội, fanpage… nhờ đó tạo ra các giá trị gia tăng cho phát thanh, làm cho chương trình hấp dẫn hơn và công chúng được nghe những điều mình thích vào bất cứ giờ nào, bất cứ ở đâu v.v…chứ không phải chỉ nghe những gì Nhà Đài có.
Đây là thách thức với những người làm nội dung, để giữ chân được thính giả thì chỉ còn cách đổi mới, sáng tạo nội dung không ngừng, thay đổi từ ý tưởng, cách thức thể hiện để sản phẩm cuối cùng được đông đảo thính giả đón nhận. Điều này yêu cầu các phóng viên, biên tập viên phải có trình độ, có khả năng học hỏi cao, tận dụng linh hoạt các công nghệ mới phục vụ cho quá trình tác nghiệp, sản xuất chương trình.
PV: Như ông từng đề cấp, xu thế sẽ có cả phát thanh thu phí. Xin ông có thể giải thích về điều này?
Ông Vũ Hải Quang: Từ trước tới nay, ngành phát thanh và truyền hình chủ yếu sử dụng nguồn ngân sách nhà nước để hoạt động. Tuy nhiên, theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các cơ quan báo chí đều phải tiến tới tự chủ, tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên. Để tự chủ được, các cơ quan báo chí phải có nguồn thu từ quảng cáo, điều này dẫn đến sự cạnh tranh thu hút thị phần về công chúng giữa các loại hình truyền thông đang diễn ra một cách khốc liệt và đối mặt với nhiều thách thức.
Hiện nay, việc kinh doanh nội dung số như âm nhạc, sách nói, podcast trên mạng hiện rất phổ biến và có thể kể đến các dịch vụ đang thu hút được số lượng lớn người sử dụng như Spotify, Apple Music, YouTube Music... Lợi thế của VOV là đang có một kho nội dung số khổng lồ các bài hát có bản quyền, các chương trình hấp dẫn được nghe nhiều có thể được sử dụng để tạo ra các nội dung cho phép nghe lại có thu phí.
Tuy nhiên với việc thu phí, VOV chưa tiến hành do công tác bảo vệ bản quyền trên môi trường Internet chưa được thực hiện tốt. Chúng tôi đang xem xét thực hiện khi phát thanh số mặt đất chính thức đi vào hoạt động. Khi đó, sẽ có những kênh phát thanh miễn phí và thu phí để thính giả có nhu cầu có thể đăng ký để được nghe các kênh thu phí có nội dung theo sở thích.
PV: Xin cám ơn ông!