Công nghệ cảm biến quét vân tay mới có thể nhận biết được cả áp lực và nhiệt độ

VietTimes -- Quét vân tay là phương pháp bảo mật đáng tin cậy nhất cho các loại smartphone hiện nay, và phương pháp bảo mật này sẽ càng an toàn hơn trong tương lai. Một nhóm các nhà nghiên cứu Hàn Quốc đã công bố một bộ cảm biến quét vân tay mới còn có thể tính được cả áp lực và nhiệt độ của người dùng khi đặt ngón tay lên đó.
Một cảm biến vân tay mới có thể phát hiện được cả nhiệt độ của người dùng (Ảnh Reuters)
Một cảm biến vân tay mới có thể phát hiện được cả nhiệt độ của người dùng (Ảnh Reuters)

Các nhà nghiên cứu từ Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia Ulsan hôm 5/7 đã công bố một công trình nghiên cứu trên tờ Nature Communications trình bày chi tiết về cách thức công nghệ quét vân tay mới này hoạt động. Các nhà nghiên cứu này đã sử dụng các sợi nano các-bon và các sợi nano bạc để tạo thành các điện cực cần thiết nhằm tính toán dòng điện chính xác được tạo ra từ ngón tay người dùng (ngón tay đặt lên smartphone để quét vân tay). Các loại sợi siêu nhỏ này làm cho bộ cảm biến gần như không thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Ngoài các cảm biến thông thường, chùm cảm biến vân tay này còn có thêm một bộ cảm biến nhiệt độ. Bộ cảm biến nhiệt độ này cũng là một lớp bảo mật. Theo trang Phone Arena, bộ cảm biến nhiệt độ này có thể phát hiện xem thứ đang chạm vào thiết bị là ngón tay người hay là một vật vô tri vô giác nào đó. Giới hạn nhiệt độ được cài đặt là từ 30 đến 45 độ C. Nhiệt độ cơ thể bình thường của con người được thiết bị chấp nhận là 32 độ C.

Mặc dù đây có thể là một tính năng bảo mật rất an toàn và khó có thể phá vỡ, nhưng nhược điểm của nó là nếu nhiệt độ cơ thể người dùng lạnh hơn bình thường do các điều kiện thời tiết, tức là nếu nhiệt độ người dùng không nằm trong giới hạn quy định, thì bảo mật quét vân tay sẽ không thể thực hiện được.

“Các bộ cảm biến này đã chứng minh được các tính năng quang điện tử và độ tin cậy vượt trội so với cách gập cơ học. Bộ cảm biến quét vân tay này có độ phân giải cao với độ trong suốt tốt. Hơn nữa, chùm cảm biến vân tay này có thể tích hợp được với tất cả các bộ phận trong suốt của cảm biến áp lực bằng xúc giác và cảm biến nhiệt độ da, cho phép phát hiện xem vật đang đặt lên màn hình có phải là ngón tay người không”, các nhà nghiên cứu cho biết.

Do chùm cảm biến này trong suốt, nên có thể đặt nhúng dưới màn hình. Không chỉ có vậy, công nghệ này cũng có thể cho phép các nhà sản xuất smartphone mở rộng diện tích cảm biến vân tay trên một phạm vi rộng hơn của màn hình. Về lý thuyết, điều này có nghĩa là người dùng sẽ không phải lo ngại về việc họ phải đặt ngón tay của mình ở đâu trên màn hình để mở khóa điện thoại.

Hiện nay trên thị trường đã có một số loại điện thoại có cảm biến vân tay nhúng dưới màn hình, như là Vivo Nex và Vivo X21 Plus UD. Tuy nhiên, những loại điện thoại này sử dụng các bộ cảm biến quét vân tay quang học chỉ có thể xác nhận được vân tay khi ngón tay người dùng được rọi sáng qua màn hình. Các nhà nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia Ulsan cho rằng cảm biến vân tay của họ an toàn hơn và thậm chí là đạt chuẩn FBI. Họ cũng khẳng định rằng công nghệ mới này sẽ giúp cải thiện các phương pháp quét vân tay hiện nay lên đến 17%.

Tất nhiên, công nghệ còn phải mất nhiều năm nghiên cứu thử nghiệm nữa trước khi được ứng dụng rộng rãi trên các loại điện thoại.