Minh chứng đơn giản nhất cho việc đó chính là khi bạn đến với bất kỳ siêu thị điện thoại di động nào, các bạn cũng có thể dễ dàng thấy được các gian hàng đều được bố trí theo thương hiệu. Các điện thoại từ cùng một nhà sản xuất sẽ được bố trí cạnh nhau thay vì là các máy có cùng phân khúc.
Như vậy, các nhà bán lẻ đã nắm bắt được nhu cầu khách hàng sẽ chọn một sản phẩm nào đó từ thương hiệu họ đã có dự định chọn từ trước. Số liệu của một chuyên gia phân tích tại IDC cho biết trong quý I/2015: thị trường trong nước đang có sự phân hoá rõ rệt với 35,2% doanh số thuộc về Samsung và 24,2% của Microsoft.
Kết quả được công bố hồi đầu năm của Q&Me
Trong một báo cáo khác được công bố hồi đầu năm của Q&Me, phần đông các khách hàng lựa chọn Samsung, Microsoft và Apple cũng cho biết họ chọn điện thoại thông minh của các nhãn hiệu này đơn giản vì họ chọn theo thương hiệu.
Như vậy, yếu tố nổi tiếng và uy tín của một thương hiệu đang chi phối nhiều về lựa chọn của khách hàng với những sản phẩm điện thoại di động.
Một chủ cửa hàng trên kinh doanh điện thoại thông minh và máy tính bảng trên phố Thái Hà cho biết: “Các khách hàng tới chỗ mình thường có xu hướng, chọn các siêu phẩm của các thương hiệu lớn được nhập về qua đường xách tay, hơn là chọn các hãng có ít tên tuổi hơn mặc dù giá sản phẩm chính hãng này còn thấp hơn các siêu phẩm xách tay kia.”
Rõ ràng sức lan toả của các thương hiệu lớn là có và đang tiếp tục mạnh lên.
Vậy thương hiệu Việt có vị thế gì không?
Trước đây, trong những năm từ 2010 đến 2012, đã có thời điểm theo thống kê của Gfk, các thương hiệu điện thoại di động trong nước chiếm tới 30% thị phần. Tuy vậy, đó là khi thị trường trong nước smartphone còn chưa quá phổ biến. Lúc này các thương hiệu nhỏ lần lượt đưa ra các mẫu điện thoại cơ bản với đầy đủ các chức năng nghe gọi, giải trí và đặc biệt là giá rất hấp dẫn nên đã có một lượng khách hàng khá đông đảo.
Thế nhưng trong thời gian này, các thương hiệu nhỏ thường đến từ Trung Quốc và các đơn vị trong nước cũng chỉ đưa ra sản phẩm thương hiệu Việt nhờ việc đặt hàng ODM từ Trung Quốc nên chất lượng các điện thoại lúc đó không được cao. Ngoài ra sau thời gian này, lần lượt các tên tuổi lớn cũng tham gia vào phân khúc các sản phẩm giá rẻ.
Các thương hiệu lớn từ việc đã có mặt tại thị trường trong nước nhiều năm cùng với hệ thống bán hàng, bảo hành sản phẩm, chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp đã chiếm hết thị phần của những thương hiệu nhỏ. Tới năm 2012, một loạt các thương hiệu ít tên tuổi, đặc biệt là các thương hiệu Việt đã phải ngừng hoạt động do không thể tiếp tục cạnh tranh.
Đến nay trong danh sách các thương hiệu điện thoại Việt chỉ còn lại một vài cái tên là Q-mobile, FPT, Mobistar.
Ông Võ Lê Tâm Thanh, chuyên viên nghiên cứu thị trường của IDC Việt Nam chia sẻ trên PC World Việt Nam: Các thương hiệu Việt Nam do chỉ chạy theo giá rẻ mà chưa chú trọng tới tính năng của sản phẩm và trải nghiệm người dùng nên rất khó cạnh tranh với Samsung, Apple, Microsoft và các thương hiệu Trung Quốc.
Thay đổi dần dần
Mới đây, những người quan tâm đến công nghệ trong nước cũng đã có cơ hội để dõi theo một sản phẩm trong nước thực sự. Bkav đã tỏ ra khá chuyên nghiệp trong công tác truyền thông khi biến một sản phẩm từ không có tên tuổi trở thành cái tên được bàn đến nhiều nhất trong vài tuần qua. Bên cạnh đó, cũng chính nhờ các hiệu quả truyền thông mà một số đơn vị bán lẻ cũng đã chủ động tìm đến Bkav để đưa sản phẩm ra trải nghiệm.
Điện thoại Bphone trong một buổi trải nghiệm tại FPT Shop
Thế nhưng người dùng vẫn còn rất nhiều e dè với những sản phẩm Việt này. Thời điểm này, Bphone cũng chưa đến tay người dùng chính vì thế rất khó để đoán được Bkav sẽ dành lại bao nhiêu phần trăm khách hàng từ chính sân nhà nhưng những thương hiệu Việt cần phải làm nhiều hơn nữa để sản phẩm của mình có được sự chấp nhận nhiều hơn từ người dùng.
Theo Bizlive