Công đoàn lao động lớn nhất Hàn Quốc kêu gọi "đình công vô thời hạn" đòi Tổng thống từ chức

Công đoàn lao động lớn nhất Hàn Quốc đã kêu gọi "cuộc tổng đình công vô thời hạn" cho đến khi Tổng thống Yoon Suk Yeol từ chức.

Người biểu tình Hàn Quốc giương cao biểu ngữ có dòng chữ "Chúng tôi lên án lệnh thiết quân luật bất hợp pháp của Yoon Suk Yeol" tại Quảng trường Gwanghwamun, Seoul vào ngày 4/12. Ảnh: AFP.
Người biểu tình Hàn Quốc giương cao biểu ngữ có dòng chữ "Chúng tôi lên án lệnh thiết quân luật bất hợp pháp của Yoon Suk Yeol" tại Quảng trường Gwanghwamun, Seoul vào ngày 4/12. Ảnh: AFP.

Theo văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, chánh văn phòng Tổng thống và hơn 10 thư ký cấp cao của Tổng thống đã nộp đơn từ chức.

"Các trợ lý cấp cao của Tổng thống Yoon Suk Yeol đề nghị từ chức hàng loạt vì lệnh thiết quân luật", hãng thông tấn Yonhap đưa tin, nhưng không nêu thêm chi tiết. Văn phòng Tổng thống không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của các hãng truyền thông.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol vẫn chưa từ chức mặc dù có nhiều lời kêu gọi ông làm như vậy vì tuyên bố lệnh thiết quân luật vào đêm muộn ngày 3/12.

Trong sáng 4/12, những người biểu tình đã tập trung bên ngoài tòa nhà Quốc hội Hàn Quốc để yêu cầu Tổng thống Yoon Suk Yeol từ chức. Đám đông khoảng 100 người đã hô vang khẩu hiệu "Bắt giữ Yoon Suk Yeol" và "Đánh đổ Yoon Suk Yeol", kêu gọi luận tội và bãi nhiệm ông.

Công đoàn lao động lớn nhất Hàn Quốc đã kêu gọi "cuộc tổng đình công vô thời hạn" cho đến khi Tổng thống Yoon Suk Yeol từ chức. Trong khi đó, Liên đoàn Công đoàn Hàn Quốc với 1,2 triệu thành viên đã cáo buộc Yoon đưa ra một biện pháp "phi lý và phản dân chủ", nói rằng ông đã tự "tuyên bố chấm dứt quyền lực của chính mình".

Untitled.png
Người biểu tình Hàn Quốc giơ cao biểu ngữ có nội dung bắt giữ ông Yoon Suk Yeol tại Quảng trường Gwanghwamun ở Seoul. Ảnh: AFP.

Hàng loạt lời kêu gọi Tổng thống từ chức đã được ra sau khi ông Yoon ban bố thiết quân luật vào cuối ngày 3/12. Ông Yoon đã dỡ bỏ biện pháp này chỉ vài giờ sau khi các nhà lập pháp nhất trí bác bỏ lệnh của ông và do sức ép của dư luận.

Một số quốc gia cũng đã đưa ra phản ứng của mình trước sự việc xảy ra ở Seoul. Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba cho biết nước này đang theo dõi tình hình ở Hàn Quốc với "mối quan ngại đặc biệt và nghiêm túc".

Ông Ishiba cũng cho biết Tokyo không biết về "bất kỳ thông tin nào cho thấy công dân Nhật Bản (sống tại Hàn Quốc) bị thương".

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hoan nghênh quyết định của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol về quyết định dỡ bỏ lệnh thiết quân luật.

"Chúng tôi tiếp tục mong đợi các bất đồng chính trị sẽ được giải quyết một cách hòa bình và theo đúng pháp luật", ông nói.