PV: Được biết MK Smart là doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực thẻ thông minh, ông có thể giới thiệu đôi nét về xu hướng thẻ thông minh trên thế giới cũng như Việt Nam hiện nay?
Mặc dù xu hướng của thế giới hiện nay là chuyển sang dùng các ứng dụng trên smartphone, nhưng thẻ thông minh vẫn đang phát triển, tất nhiên là không được mạnh mẽ như mấy năm trước.
Ở Việt Nam trong khoảng 3 năm tới đây sẽ có sự chuyển dịch rất mạnh từ thẻ từ sang thẻ chip nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Nhìn chung về xu hướng phát triển công nghệ trên thế giới hiện nay, thẻ vẫn sẽ phát triển trên công nghệ chip thông minh, tích hợp thẳng trên thẻ.
ông Lê Minh Quốc, Giám đốc Công nghệ MK Smart
|
PV: Tại diễn đàn Doanh nghiệp Công nghệ vừa được tổ chức mới đây, ông có đề xuất nhà nước phát hành thẻ Căn cước công dân số, gồm một con chip thông minh tích hợp các thông tin cá nhân, hồ sơ y tế, bảo hiểm, thẻ ngân hàng…. Theo ông, điều này có đảm bảo an toàn không khi tất cả thông tin đều được tích hợp trên một con chip? Liệu có nguy cơ bị rò rỉ dữ liệu hay đánh cắp danh tính?
Chúng tôi hiện có một hệ sinh thái số, trong đó gồm rất nhiều biện pháp bảo mật, ví dụ như OTP (one time password – mật khẩu sử dụng một lần), đặc biệt là cặp số PKI (cơ sở hạ tầng khóa công khai), đảm bảo mã hóa thông tin trên chip. Thêm vào đó còn có những biện pháp bảo mật bằng sinh trắc học như vân tay, mống mắt… Ví dụ với vân tay, các thuật toán và các dữ liệu vân tay đã được lưu trong chip, khi sử dụng chip sẽ lấy vân tay sống và so sánh trực tiếp. Chúng tôi thường nói đùa rằng nếu hacker muốn phá được thì phải chui vào trong chip. Vì thế các thông tin lưu trong chip rất an toàn vì bản thân số liệu nằm trong chip đã được mã hóa rồi.
Bản chất của thẻ thông minh giống như chiếc máy tính, cũng có hai bộ vi xử lý, đầy đủ bộ nhớ và hoạt động theo ngôn ngữ lập trình hệt như chiếc máy tính. Vì thế nên nếu sử dụng đến chip thì độ an toàn rất cao. Thẻ hiện nay tại nước ta đang sử dụng thẻ từ nên tính bảo mật chưa cao. Các nước xung quanh đã dần dần ứng dụng chip vào làm thẻ, trong khi thẻ từ đang là đối tượng hacker nhắm đến. Vì thế tôi cho rằng trong 3 năm tới, nếu ngân hàng chuyển sang thẻ chip sẽ rất an toàn.
Nhược điểm lớn nhất của thẻ chip là giá thành cao. Nhưng nếu dùng thẻ đa năng, tích hợp nhiều ứng dụng trong một thẻ chip có thể giảm được chi phí sản xuất khá nhiều.
Phổ biến nhất tại Trung Quốc hiện nay là phương thức giao dịch trên smartphone, sử dụng mã QR code. Tuy nhiên QR code cũng có một số nhược điểm vì rất đơn giản và chỉ sử dụng trong những thanh toán nhỏ, độ an toàn không cao.
Trung Quốc cũng như một số nước khác đã chuyển qua các hình thức thanh toán thông qua ứng dụng như Apple Pay, Samsung Pay…, các phương thức sử dụng “token” để mã hóa thông tin thẻ. Việt Nam cũng có một số doanh nghiệp phát triển công nghệ này.
PV: Ông đánh giá thế nào về việc triển khai Căn cước công dân số tại Việt Nam? Liệu có gặp trở ngại gì không, chẳng hạn về vốn, về chính sách?
Theo tôi trở ngại duy nhất trong việc triển khai này là vốn. Nếu giải quyết được bài toán về vốn, liên kết với các Bộ ngành khác để có thể tích hợp căn cước với nhiều tính năng khác nhau. Chẳng hạn như thẻ căn cước này có thể tích hợp bằng lái xe hay thẻ ngân hàng, giá thành sẽ giảm đi đáng kể.
PV: Năm 2014 Estonia đã phát hành thẻ công dân số, giúp người nước ngoài có thể đăng ký thành công dân của Estonia trên không gian mạng, cho phép họ thực hiện các giao dịch tại quốc gia này mà không cần phải có mặt trực tiếp. Vậy Việt Nam có thể học hỏi gì từ cách làm này của Estonia?
Thẻ công dân số của Estonia làm được rất nhiều việc. Ngoài lưu trữ các thông tin công dân, họ còn dùng để bỏ phiếu nhằm tránh gian lận. Thực tế mô hình thẻ của Estonia thì MK Smart của chúng tôi cũng làm được. Vấn đề là nó có được ứng dụng tại Việt Nam hay không thôi. Về công nghệ chúng tôi đã làm chủ từ nhiều năm trước, bây giờ chỉ là vấn đề về chính sách của nhà nước và thời cơ thôi.