Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, hòa chung với không khí cả nước chào đón Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên đang diễn ra tại Hà Nội, Bộ TT&TT cũng đã góp phần tổ chức thành công Hội nghị thông qua Trung tâm Báo chí quốc tế (IMC). Chỉ trong 10 ngày chuẩn bị, các đơn vị trong ngành đã tiến hành lắp đặt hạ tầng mạng kết nối viễn thông phục vụ cho gần 4000 phóng viên, nhà báo đến từ khắp nơi trên thế giới với tổng băng thông quốc tế đạt 40Gbs. VnPost cũng phát hành bộ tem đặc biệt để chào mừng sự kiện, thể hiện hình ảnh đất nước, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế,…
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, chúng ta vừa đi qua dấu mốc đất nước 30 năm đổi mới, đến nay chúng ta cũng vui mừng chứng kiến sự trưởng thành của ngành Viễn thông - CNTT nói chung, của Hội Tin học và Vô tuyến điện tử nói riêng. Nếu trước đây 30 năm, CNTT và viễn thông là khái niệm mới, chưa được nhắc tới nhiều thì nay ICT đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp cho sự phồn vinh của Việt Nam.
Năm 2018, tổng doanh thu toàn ngành tăng trưởng cao nhưng nhiều chỉ số xếp hạng ICT của Việt Nam vẫn còn thấp, dưới trung bình của thế giới và có xu thế tụt hạng. Năm 2019, vận hội của Việt Nam đang tới, chưa bao giờ đất nước có được cơ đồ như hôm nay, chưa bao giờ ngành công nghiệp ICT có thiên thời, địa lợi, nhân hòa như hiện nay. Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ của Bộ TT&TT năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định Việt Nam phải có thứ hạng cao về ICT trên thế giới, phải xây dựng nền công nghiệp ICT vững mạnh, ứng dụng các công nghệ mới,… phấn đấu để Việt Nam trở thành cường quốc về ICT, công nghiệp CNTT, điện tử, viễn thông, an ninh mạng,
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Trong cuộc cách mạng số, ICT càng quan trọng, công nghệ số, công nghệ ICT là nền tảng, Bộ trưởng cho rằng, Việt Nam muốn hóa rồng thì phải bằng công nghệ, dùng công nghệ để giải bài toán Việt Nam. Sứ mạng của công nghệ ICT với sự hưng thịnh của đất nước là hết sức rõ ràng. Do vậy, khi cuộc CMCN 4.0 xảy ra, tương lai không nằm trên đường kéo dài từ quá khứ nên những nước đang phát triển như Việt Nam có nhiều cơ hội nắm bắt và phát triển bứt phá. Có cơ hội bứt phá nhưng phải có tư duy mới, cả quản lý nhà nước và doanh nghiệp cần sự đột phá trong tư duy, trong chính sách và cách tiếp cận.
Để thực hiện phương châm hành động đó, các hiệp hội, doanh nghiệp CNTT, viễn thông phải đi đầu, tiên phong trong hoạt động đổi mới sáng tạo. Bộ trưởng cũng đề nghị các hội, hiệp hội, doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, nhận thức để không chỉ lắp ráp, gia công, tiêu dùng sản phẩm công nghệ nước ngoài mà phải làm chủ công nghệ, tạo ra sản phẩm Việt Nam, công nghệ Việt Nam và mang thương hiệu Make in Vietnam.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu