Cổ phiếu của nhà phát triển bất động sản đang gặp khó khăn này mở cửa ở mức 0,22 HKD (0,028) và kết thúc phiên giao dịch buổi sáng ở mức 0,35 HKD (0,04 USD). Giao dịch đã bị tạm dừng kể từ ngày 21/3/2022, thời điểm mà cổ phiếu có giá 1,65 HKD.
Evergrande từng là nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc nhưng không giải quyết được một số cam kết nợ, khiến cho nhiều người mua phải nhận về những ngôi nhà chưa được hoàn thiện và các nhà cung ứng chưa được thanh toán hóa đơn.
Công ty đã nộp đơn xin dỡ bỏ lệnh đình chỉ giao dịch vào tối 25/8, sau khi cho biết họ đã đáp ứng được nhiều điều kiện khác nhau do Sở giao dịch Hong Kong đặt ra, bao gồm cả việc công bố báo cáo tài chính.
Kết thúc 6 tháng đầu năm, Evergrande báo cáo khoản lỗ ròng 33,01 tỉ NDT (4,53 tỉ USD), thấp hơn so với khoản lỗ 66,35 tỉ NDT (9,09 tỉ USD) một năm trước.
Evergrande cũng đã công khai báo cáo thu nhập hàng năm trong 2 năm qua (đã quá hạn) vào ngày 16/8, cho thấy khoản lỗ ròng 581,94 tỉ NDT (80 tỉ USD), ngược lại hoàn toàn nếu so với mức lợi nhuận ròng 8,07 tỉ NDT (1,1 tỉ USD) trong năm 2020.
Công ty cho biết trong hồ sơ gửi vào tối Chủ nhật rằng tình hình tài chính của họ vẫn còn bấp bênh. Tổng tiền và các khoản tương đương tiền, bao gồm cả tiền mặt bị hạn chế, là 13,38 tỉ NDT (1,83 tỉ USD) tính đến cuối tháng 6, trong khi nợ ngắn hạn là 713,10 tỉ NDT (97,7 tỉ USD). Công ty cũng cho biết "họ có liên quan đến nhiều vụ kiện tụng khác nhau vì nhiều lý do".
Bán cổ phần mảng xe điện để tái cơ cấu
Đơn vị sản xuất xe điện China Evergrande New Energy Vehicle Group trong tối thứ Sáu tuần trước cũng công bố khoản lỗ ròng 6,86 tỉ NDT (940,5 triệu USD) trong 6 tháng đầu năm, so với mức lỗ ròng 13,36 tỉ NDT (1.83 tỉ USD) một năm trước.
Tương tự như công ty mẹ, tình hình tài chính của công ty con sản xuất EV vẫn căng thẳng, khi tiền và các khoản tương đương tiền bao gồm cả tiền mặt bị hạn chế lên tới 117 triệu NDT (16 triệu USD) tính đến cuối tháng 6, trong khi nợ ngắn hạn ở mức 36,61 tỉ NDT (5.01 tỉ USD).
Công ty cũng tiết lộ rằng họ có 9,34 tỉ NDT (1.28 tỉ USD) nợ phải trả và 3,59 tỉ NDT (492,18 triệu USD) hóa đơn thương mại quá hạn, đồng thời có 48 vụ kiện tụng đang chờ xử lý liên quan đến 10,88 tỉ NDT (1,49 tỉ USD).
Như một phần trong quá trình tái cơ cấu tài chính, Evergrande đã đề xuất bán một phần đơn vị sản xuất EV cho NWTN (Chiết Giang) Automobile, một công ty sản phẩm di động có trụ sở tại Dubai, được niêm yết trên sàn Nasdaq, do doanh nhân Trung Quốc Alan Nan Wu sáng lập.
NWTN sẵn sàng mua lại 27,5% vốn cổ phần mở rộng của đơn vị sản xuất EV của Evergrande với giá 3,88 tỉ HKD (494,5 triệu USD) để "hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh doanh" của tập đoàn Evergrande. Số cổ phiếu mới sẽ được phát hành với giá 0,6297 HKD (0,08 USD) mỗi cổ phiếu, giảm 63% so với giá cổ phiếu khi thỏa thuận được ký vào ngày 14/8.
Tập đoàn Evergrande và các cổ đông lớn, bao gồm cả người sáng lập Xu Jiayin, còn được gọi là Hui Ka-yan, cũng đã đồng ý chuyển đổi các khoản vay của họ thành 5,44 tỉ cổ phiếu, với mức giá 3,84 HKD (0,49 USD) một cổ phiếu. Cổ phiếu của đơn vị EV niêm yết tại Hong Kong đóng cửa ở mức 1,22 HKD (0,16 USD) trong phiên giao dịch sáng đầu tuần.
Trước đó, ngày 17/8, Evergrande đã đệ đơn xin bảo hộ phá sản tại New York, Mỹ./.
Evergrande bất ngờ yêu cầu tiếp tục giao dịch cổ phiếu trên TTCK
'Bom nợ' Evergrande nộp đơn xin phá sản
Thêm một "đại gia" bất động sản Trung Quốc lâm nguy, có thể nối gót Evergrande
Theo Nikkei Asia